Nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm tăng cường "cuộc chiến" dầu mỏ chống lại Nga có thể gây ra một số xáo trộn trong thị trường. Tuy nhiên, một số nhà phân tích năng lượng vẫn chưa tin rằng, những hạn chế này sẽ tạo thành một “sự kiện biến đổi”.

1 Eu Lam Cang Voi Dau Diesel Nga Thi Truong Khong Phuc Tap Nhu Tuong Tuong

Lệnh cấm vận với dầu thô, sản phẩm dầu tinh chế Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với quốc gia này. Hình ảnh các toa xe chở dầu và nhiên liệu tại một nhà ga sản phẩm dầu mỏ ở Riga, Latvia, ngày 2/2. (Nguồn: Bloomberg)

Lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu tinh chế Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2, sau những hạn chế tương tự đối với lượng dầu thô của EU.

Lệnh cấm vận với dầu thô, sản phẩm dầu tinh chế Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với quốc gia này, được thông qua vào tháng 6/2023. Các hạn chế được áp dụng lần lượt vào đầu tháng 12/2022 và tháng 2/2023.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đã đặt ra mức trần cho nhập khẩu sản phẩm dầu của Nga. Mức giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga được EU nhất trí ở 100 USD/thùng đối với xăng, dầu diesel và dầu hỏa; 45 USD/thùng đối với dầu nhiên liệu.

Phương Tây đang tìm cách làm cạn kiệt ngân quỹ hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng, các biện pháp này có thể gây ra “sự xáo trộn thị trường đáng kể” và lệnh cấm vận của EU phức tạp hơn và gây rối hơn so với những gì đã xảy ra trước đây.

Nhưng không phải ai cũng đánh giá như vậy.

Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler nhận thấy: "Có một giả định áp đảo rằng, đây sẽ là một sự gián đoạn lớn đối với thị trường năng lượng. Song tôi không thực sự nghĩ rằng, đây sẽ là một sự kiện biến đổi. Lệnh cậm vận mới nhất của EU sẽ tạo động lực chính cho sự sáng tạo của con người và có thể, Nga sẽ tìm kiếm một giải pháp mới, một chuỗi cung ứng mới hoặc một tuyến đường mới cho sản phẩm dầu tinh chế".

Khi được hỏi, liệu những người dự đoán sự gián đoạn thị trường đáng kể do các biện pháp nhắm vào các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga có thể sai lệch hay không, nhà phân tích Katona trả lời: “Tôi nghĩ là có. Hai tuần qua, sự phát triển chính của dầu diesel Nga không diễn ra ở châu Âu mà ở Bắc Phi.”

Ông Katona cho biết, các nước Bắc Phi dự kiến sẽ nhận được ít nhất 6 triệu thùng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp từ Nga. Đây là khoảng 1/4 lượng dầu diesel EU từng mua của Moscow.

Trước lệnh cấm của phương Tây đối với nguồn cung dầu của mình, Điện Kremlin đã phản đối các biện pháp này và cảnh báo, lệnh trừng phạt sẽ gây mất cân bằng thị trường.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Lệnh trừng phạt mới nhất của EU sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng quốc tế".

Các nhà phân tích năng lượng tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết, làn sóng trừng phạt mới nhất của phương Tây có khả năng làm xáo trộn dòng chảy dầu hơn là gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu mỏ. Thị trường dầu mỏ đã có sự chuẩn bị cho lệnh trừng phạt này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận thấy: "Khi dòng chảy dầu đang điều chỉnh lại, một số gián đoạn có thể xảy ra - đặc biệt là ở thị trường sản phẩm chưng cất tầm trung - vốn đã bị thắt chặt trước các lệnh trừng phạt mới nhất. Và Nga có thể gặp khó khăn trong việc bù đắp hoàn toàn cho sự mất mát của khách hàng EU".

Còn theo ông Edward Bell, nhà phân tích hàng hóa tại Emirates NBD nhận định: “Đây là một sự gián đoạn rất lớn đối với một lĩnh vực công nghiệp quan trọng thực sự trên khắp khu vực đồng Euro (Eurozone).

Nga là nhà cung cấp dầu diesel chiếm ưu thế cho các nền kinh tế khu vực Eurozone, vì vậy, thực tế là lệnh cấm vận này có thể khiến những quốc gia ngoài khu vực tranh giành để có thêm những thùng dầu đó".

Nhà phân tích Bell cho biết, có vẻ như Nga đã có thể tìm thấy thị trường mới hoặc mở rộng xuất khẩu dầu diesel sang các thị trường lâu đời, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác ở Bắc Phi và châu Á.

Ông nói thêm: “Những lô hàng đó sẽ mất nhiều thời gian hơn là xuất khẩu sang châu Âu. Đây không phải là một chỉ báo tích cực xét về hướng giảm giá và giảm bớt gánh nặng giá năng lượng đối với người tiêu dùng. Sau lệnh cấm, dầu diesel của Saudi Arabia có thể ồ ạt chảy sang châu Âu".

LINH CHI

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga