Có những phụ nữ và trẻ em gái tại Campuchia bị dụ dỗ đến Trung Quốc mỗi năm, nơi họ bị ép kết hôn với đàn ông địa phương và khó có cơ hội trốn thoát khỏi "địa ngục trần gian" này.

1 Dia Nguc Tran Gian Cua Nhung Co Gai Campuchia Bi Ban O Trung Quoc

Kunthea đã được bán cho một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây (Ảnh: SCMP).

Tại tỉnh Pursat miền tây Campuchia, khi mặt trời tháng Giêng lặn dần, con gái 2 tuổi của Kunthea ùa vào lòng mẹ. Ngồi trên ghế, mặc chiếc áo phông màu đen và màu cam nhuộm, cô lặng lẽ tận hưởng khoảnh khắc bình yên với một trong hai đứa con của cô.

Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên vào năm 2020, cô đã nhận việc tại một nhà máy sản xuất đồ chơi ở miền trung Campuchia, mặc dù điều đó có nghĩa là phải xa các con để đi làm và gửi con lại cho người anh họ ở cách đó rất xa chăm sóc.

Nhưng khi làn sóng suy thoái kinh tế bùng nổ do đại dịch Covid-19, mức lương vốn đã ít ỏi của Kunthea lại bị cắt giảm một nửa. Điều này khiến bà mẹ đơn thân chỉ kiếm được 120 USD/tháng khi làm việc theo ca 12 giờ mỗi ngày, hầu như không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Vì vậy, vào tháng 10/2020, khi một đồng nghiệp trong nhà máy nói với cô về việc có thể kiếm được 1.100 USD/tháng với công việc tương tự ở Trung Quốc, Kunthea đã không ngần ngại tham gia. "Tôi phải nuôi dạy 2 đứa con nên rất khó khăn. Vì vậy khi nghe sẽ kiếm được mức lương cao, tôi không cần suy nghĩ mà chỉ muốn đi ngay".

Bị bán và ép lấy chồng Trung Quốc

Cô được một người phụ nữ đưa cho 200 USD và địa chỉ nơi cô sẽ đến ở Trung Quốc vào tháng 11 năm đó. Sau 2 ngày chờ đợi xung quanh nhà của một người môi giới với hàng chục phụ nữ khác, cả nhóm được yêu cầu bắt xe buýt đi tiếp.

Cuộc hành trình kéo dài khoảng 1 tuần với các chặng dừng, lái xe qua Campuchia đến biên giới Trung Quốc. Khi họ đã đến Trung Quốc, những người phụ nữ được chia thành nhóm 4 người đưa lên taxi.

Kunthea vẫn không nghi ngờ gì, đưa hồ sơ cho những người Trung Quốc mà thực tế là những đối tượng buôn người. Những người này nói rằng họ cần hồ sơ thông tin để mua thẻ sim cho các phụ nữ này. Họ sau đó tịch thu chứng minh thư của cô, trả lại điện thoại cho cô.

"Khi tôi đến Trung Quốc, trong 3-4 ngày đầu tiên, họ nhốt chúng tôi trong một căn phòng", Kunthea kể lại. "Sau đó họ mở cửa phòng nhưng chúng tôi vẫn không thể đi đâu ngoại trừ các địa điểm trong vòng bán kính định sẵn vì chúng tôi không có thẻ căn cước và sợ bị cảnh sát bắt".

Nhiều tuần trôi qua, Kunthea và nhiều phụ nữ vẫn bị mắc kẹt trong phòng. Không có việc làm, họ tìm mọi cách để khiến bản thân bận rộn. Họ nói chuyện và đùa giỡn, chụp ảnh. Kunthea cho biết, trong nhóm lúc đó có ít nhất một người chỉ mới 16 tuổi.

Sau nhiều tháng sống nhàn hạ, Kunthea cuối cùng đã đến làm việc tại một nhà máy, nơi cô rửa đồ tái chế trong 3 tháng và kiếm được tổng cộng 1.100 USD. Trong khi đó, các bạn của cô lần lượt biến mất, bị bán và ép lấy chồng Trung Quốc.

Và rồi cũng đến lượt Kunthea. Vào tháng 8/2021, cô bị bán cho một người đàn ông hói đầu ở tỉnh phía đông Giang Tây.

Anh ta đã trả cho một "nhà môi giới hôn nhân" 2.000 USD để mua Kunthea. "Tôi quyết định nghe theo họ vì nếu cãi, tôi sẽ không an toàn. Họ sẽ sử dụng bạo lực và lại bán tôi cho gã khác", cô nói.

Kunthea là một trong số hàng trăm nạn nhân gồm cả phụ nữ và trẻ em gái Campuchia bị buôn bán sang Trung Quốc và buộc phải kết hôn với đàn ông địa phương.

Vấn nạn buôn bán phụ nữ gia tăng

Trung Quốc đang đối mặt tình trạng khan hiếm nữ giới để kết hôn, khiến giá trị của hồi môn tăng vọt.

Đến năm 2021, đàn ông Trung Quốc được cho là phải trả cho cô dâu Trung Quốc và gia đình cô dâu tới 40.000 USD mới được cưới vợ.

2 Dia Nguc Tran Gian Cua Nhung Co Gai Campuchia Bi Ban O Trung Quoc

Kunthea đã bị lừa bán sang Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Điều này hoàn toàn trái ngược với mức phí dành cho cô dâu nước ngoài do các "đại lý" Trung Quốc đưa ra, với mức phí nhiều nhất chỉ là 25.000 USD vào năm 2020, theo tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Liên minh Lao động và Nhân quyền Campuchia.

Số phận của những cô dâu nước ngoài này rất bấp bênh.

Một số cô dâu nước ngoài tìm cách trốn thoát khỏi gia đình những người chồng Trung Quốc mà họ bị ép cưới đã bị đánh đập và cưỡng hiếp. Những phụ nữ từ chối kết hôn hoặc không sinh được con trai thừa kế thường bị bán cho nhiều người đàn ông khác.

Một số trẻ em gái và phụ nữ thậm chí còn bị chính gia đình bán với giá từ 1.000-3.000 USD, theo nghiên cứu gần đây của cơ quan giám sát quốc tế Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organisation Crime).

Phụ nữ cũng rơi vào cảnh nợ nần khi các công ty môi giới nới lỏng hành trình đến Trung Quốc.

Tình trạng này càng leo thang ở Campuchia khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020, báo cáo của Global Initiative cho thấy.

Tổ chức Chab Dai của Campuchia, làm việc trực tiếp với các nạn nhân buôn người xuyên biên giới, cho biết số người bị mua bán tăng gấp đôi.

Vào thời điểm đó, kinh tế khó khăn do đại dịch, việc làm bị cắt giảm chủ yếu trên các lĩnh vực nhiều nhân công nữ, chẳng hạn như ngành may mặc, khiến nhiều người trong số họ dễ bị buôn bán hơn, Giám đốc chương trình cấp cao tại Chab Dai, Chan Saron, cho biết trong cuộc họp trực tuyến gần đây.

"Chúng ta có thể thấy rằng 237 nhà máy đã tạm ngừng hoạt động ở Campuchia với ước tính khoảng 118.000 công nhân bị ảnh hưởng", Saron nói.

Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến năm 2021.

Hơn 300 phụ nữ Campuchia bị buôn bán sang Trung Quốc - chủ yếu là để kết hôn - được cho là đã hồi hương từ tháng 1 đến tháng 9/2021, theo các bản tin.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết, con số này cao hơn gấp đôi tổng số người hồi hương vào năm 2020.

Các chuyên gia cho biết, trước khi đại dịch bùng phát, các cô dâu bị buôn bán sẽ nhập cảnh vào Trung Quốc bằng thị thực du lịch và thường bị ép buộc kết hôn trong tháng đầu tiên sau khi đến. Sau khi kết hôn, những người phụ nữ bị mắc kẹt ở đây vì họ thường không biết nơi ở của mình và việc di chuyển bị hạn chế nghiêm trọng.

Một nhà nghiên cứu của Global Initiative cho biết: "Họ sẽ bị tịch thu điện thoại di động và sẽ bị cấm ra khỏi nhà khi không có người đi cùng. Họ cũng bị cấm liên lạc với bạn bè hoặc người thân ở Campuchia".

Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế này, nhiều phụ nữ hồi hương về Campuchia đã tìm kiếm sự giúp đỡ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hoặc WeChat: "Họ thường đăng trạng thái, hình ảnh hoặc video và tin nhắn về một tình huống nguy hiểm".

Câu chuyện giải thoát thành công

Khi đến Trung Quốc, Sok bị buộc phải kết hôn ngay lập tức. Bố chồng tịch thu hộ chiếu của cô.

Và ngay lúc đó, ý thức nguy hiểm, cô bắt đầu lên kế hoạch trốn thoát và cầu xin chồng cho dùng điện thoại thông minh, nói rằng cô muốn xem video trực tuyến. Và sau một thời gian, Sok đã thành công.

"Chồng nói với tôi đừng chơi Facebook, đừng tiếp xúc với người Campuchia ở đây", cô nhớ lại.

Mặc dù bố mẹ chồng hạn chế Sok sử dụng điện thoại, nhưng ngay sau khi cô tìm ra cách sử dụng điện thoại và thiết lập Facebook. Cô gái này sau đó đã nhắn tin cho mẹ và người mẹ sau đó đã đến Phnom Penh và khiếu nại lên Bộ Nội vụ. Năm 2019, người mẹ được thông báo là hãy đợi và chính quyền sẽ giúp đưa con gái bà về nhà.

Cuối cùng, Sok đã mất hơn 2 năm, bao gồm cả hai lần trốn thoát không thành công, để giải thoát cho bản thân.

Lần đầu tiên, bố mẹ của Sok đã chặn ngay khi cô đang trên đường đến nhà của một phụ nữ Campuchia sống ở Trung Quốc, người mà cô kết bạn trên Facebook.

Lần thử thứ hai, cô chạy đến đồn cảnh sát địa phương, cầu xin giúp đỡ. Nhưng người chồng đã đến ngay sau đó. "Họ đã nói chuyện với cảnh sát và cố gắng đưa tôi trở về nhà nên tôi đã la hét để được giúp đỡ nhưng không ai giúp tôi", Sok nói.

Trở về nhà chồng, không có ai lui tới và trong nỗ lực cuối cùng để giải thoát cho bản thân, Sok đã cầu xin sự giúp đỡ trong bài đăng trên Facebook. Vài ngày sau, cảnh sát địa phương xuất hiện trước cửa nhà cô. Vào tháng 12/2020, cô đã trở về Phnom Penh cùng với một số phụ nữ khác.

Trải nghiệm của Sok với cảnh sát Trung Quốc được xem là biểu tượng cho thái độ của cảnh sát địa phương đối với phụ nữ bị buôn bán, theo một thành viên của Global Initiative nói.

"Họ không coi trường hợp này là vụ buôn bán người, mà coi đó là vụ việc mâu thuẫn vợ chồng.

Trong các trường hợp khác, cảnh sát Trung Quốc cũng giam giữ các nạn nhân buôn người Campuchia trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 1 năm vì họ ở quá hạn visa hoặc họ không thể cung cấp danh tính hợp pháp hoặc giấy phép cư trú hợp pháp khi kiểm tra", đại diện của Global Initiative cho hay.

Su (tên đã được thay đổi), cựu cảnh sát ở miền đông Trung Quốc cho biết tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn.

"Chúng tôi không coi họ là nạn nhân", cô nói về những phụ nữ bị buôn bán. "Hầu hết mọi người không có thiện cảm với họ, nói rằng họ là những người muốn bán mình để có cuộc sống tốt hơn. Họ đến đây ở thì mới thấy người chồng không giàu có nên cho rằng đang bị lạm dụng và ức hiếp".

Su, hiện 30 tuổi, đã trở thành người bênh vực cho những phụ nữ này và đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu buôn người ở Anh. Cô đã tập hợp một nhóm nữ tình nguyện viên không chính thức để giúp đỡ những cô dâu bị buôn bán ở Trung Quốc.

Hoạt động ở năm tỉnh, mạng lưới này cố gắng lấp đầy lỗ hổng trong các tổ chức hoạt động chống buôn bán tình dục.

Khi Kunthea bỏ trốn đến đồn cảnh sát gần nhất vào tháng 8/2021, một tuần sau khi đến căn hộ cao tầng của người chồng Trung Quốc ở Giang Tây, cô cũng bị đe dọa tống giam. Không ai giải thích được cô đã phạm tội gì.

Chồng cô đã được cảnh sát thông báo vụ việc và cô được thúc giục trở về nhà với chồng vì theo lời thừa nhận của cô, người chồng không đánh đập cô. "Người phiên dịch nói với tôi rằng nếu tôi không đi cùng chồng, tôi sẽ phải ngồi tù 1 năm", Kunthea kể lại. "Nhưng nếu tôi quyết định đi cùng chồng, tôi sẽ ở Trung Quốc mãi mãi. Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại".

Kunthea bị giam trong nhiều tuần. Lúc đó, chỉ có suy nghĩ về các con mới giúp cô tiếp tục kiên trì.

Và điều cô không biết là ở Campuchia, anh trai cô Bros, đang kêu gọi chính quyền đưa Kunthea trở lại.

Vào ngày bỏ trốn, ngày 10/8/2021, cô đã chia sẻ địa chỉ nhà của chồng mình với anh trai cô, 1công nhân nhà máy may ở Phnom Penh, nói rằng cô đang đến đồn cảnh sát.

"Em gái tôi đã được đưa đến làm việc ở Trung Quốc nhưng lại bị ép buộc kết hôn trong đường dây buôn bán người", Bros đã viết trên trang Facebook của Phó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng cùng ngày. "Em gái tôi đã bị giam giữ và tôi không thể liên lạc với cô ấy. Xin vui lòng giúp đỡ".

Vài ngày sau, Bros nhận được thư từ nhà chức trách Campuchia: Kunthea sắp về nước.

Cuối cùng, khi được đoàn tụ với các con vào tháng 11/2021, Kunthea rất vui mừng.

Sau khi trở về, cô kết hôn với một người bạn, người mà cô nói, "biết mọi thứ về tôi và vẫn chấp nhận tôi".

Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng cho 3 người bạn vẫn ở Trung Quốc, bị mắc kẹt trong mối quan hệ bị lạm dụng với những người đàn ông mà họ không bao giờ muốn kết hôn.

"Bạn tôi muốn trở về nhà nhưng không biết làm thế nào", Kunthea nói.

Theo SCMP

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga