Số người tử vong vì COVID-19 trên khắp thế giới đã vượt mốc 4,4 triệu ca, ít nhất là theo thống kê chính thức. Song một nghiên cứu mới đây lại đặt nghi ngờ về con số này.

1 Di Tim Con So Tu Vong Thuc Cua Dich Covid 19 Tren Toan Cau

Chôn cất một nạn nhân COVID-19 bên trong khu nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: AFP

Tờ Straits Times cho hay tại một nghiên cứu gần đây xác định tại Ấn Độ có số người tử vong vượt mức bình thường là 4,9 triệu – gấp 10 lần con số do chính phủ công bố - đã đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp đánh giá mức độ thực sự về đại dịch của các chính phủ.  

Khái niệm "số ca tử vong vượt mức" thể hiện sự khác biệt giữa số ca tử vong hàng năm trong một giai đoạn cụ thể và trung bình số ca tử vong trong cùng giai đoạn vào những năm trước đó. 

Hay như trong một nghiên cứu khác chưa được hội đồng chuyên gia thẩm định, nhóm nhà khoa học tại Đại học Hebrew ở Israel đã thu thập dữ liệu tử vong vượt mức do 105 quốc gia công bố trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Họ ước tính rằng con số thiệt mạng thực sự do virus SARS-CoV-2 gây ra cần bổ sung thêm ít nhất 1 triệu người.  

Nếu những con số tử vong vượt quá này đều được coi là đáng tin cậy, điều đó có nghĩa là đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10 triệu người trên toàn cầu. 

Giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore, nói với Straits Times rằng tỷ lệ tử vong vượt mức là một cách khác để đánh giá tác động thực sự của bệnh COVID-19.

Theo giáo sư Leo, tỷ lệ tử vong vượt mức phản ánh các trường hợp tử vong COVID-19 đã được xác nhận, cũng như các trường hợp có thể không được chẩn đoán hoặc báo cáo, cùng với những trường hợp tử vong bởi nhiều nguyên nhân khác xảy ra do sự bùng phát COVID-19. 

Trong khi đó, Giáo sư John Middleton, Chủ tịch Hội các Trường Y tế cộng đồng tại khu vực châu Âu (Aspher), đã tổng kết những nguy cơ của việc thống kê thiếu ca tử vong chết trong đại dịch. "Khi bạn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19, nó sẽ ảnh hưởng đến cách một quốc gia xử lý dịch bệnh”.

Ông nói thêm rằng tình trạng này cũng gây khó khăn cho việc xác định liệu các biện pháp hạn chế đi lại có hiệu quả hay không.  Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic trả lời Straits Times rằng: "Về cơ bản, mọi sự sống và cái chết đều quan trọng. Thiếu số liệu thống kê chính xác là một sự bất công đối với những người chưa được thống kê”.

Mặt khác, ông Jasarevic cho biết việc giám sát chính xác là bắt buộc để đánh giá sự thành công hay thất bại của các biện pháp chống dịch, đồng thời là một thành phần quan trọng của việc phát triển các chiến lược phòng-chống dịch có thể được sử dụng trong những hoàn cảnh khác, cũng như trong tương lai.

Ông nói: “Khi thế giới thúc đẩy sự công bằng trong việc tiếp cận vaccine, nhu cầu về dữ liệu kịp thời và đáng tin cậy về tác động của đại dịch là yếu tố rất quan trọng”. 

Tiến sĩ Henrique Lopes tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha chỉ ra sự lan truyền của tin giả hạ thấp tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng là một hậu quả từ việc thống kê thiếu. 

Ông Lopes cho rằng số ca tử vong vượt mức trong đại dịch có thể do 5 yếu tố: không đủ năng lực xét nghiệm; chi phí xét nghiệm cao ngăn cản mọi người đi kiểm tra ở các nước nghèo hơn; không minh bạc thông tin; tử vong do các bệnh khác ở những người không thể hoặc không muốn tiếp cận vì bệnh viện quá đông đúc; và các vấn đề về hành vi, chẳng hạn như lạm dụng chất kích thích và bạo lực gia đình.

Xuân Chi

Nguồn: baotintuc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga