Ngày 27/12, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết câu hỏi về sự tham gia của bà vào tiến trình hòa giải Ukraine 'vẫn chưa được nêu ra'.  

1 Cuu Thu Tuong Duc Merkel Loai Tru Kha Nang Tham Gia Tien Trinh Hoa Binh Ukraine

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AP)

“Những câu hỏi như vậy chưa được nêu ra”, bà Merkel nói trong cuộc trả lời tuần san Ý Sette.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà không biết cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc bằng cách nào.

“Nó cuối cùng sẽ kết thúc bằng đàm phán. Các cuộc chiến thường kết thúc trên bàn đàm phán. Nhưng có một sự khác biệt giữa hòa bình áp đặt, điều mà nhiều người, trong đó có tôi, không mong muốn xảy ra – với đàm phán cởi mở và hữu nghị. Tôi không có bất kỳ thứ gì để bổ sung”, bà nói.

Bà Merkel là thủ tướng Đức trong giai đoạn 2005 - 2021.

Bình luận về chính sách của Đức đối với Nga và Ukraine, cựu thủ tướng nói rằng logic trong quy trình hoạch định chính sách “vẫn hợp lý” đối với bà.

“Đó đều là để ngăn ngừa chiến tranh, tương tự cuộc xung đột đang diễn ra hiện nay. Chúng tôi đã thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là việc thử nghiệm là sai lầm”, bà nói.

Sau biến cố chính trị ở Ukraine tháng 2/2014, một làn sóng biểu tình quy mô lớn xảy ra ở miền Đông nước này, nơi cộng đồng gồm đa số là người nói tiếng Nga bất đồng với lộ trình mới của Kiev.

Đáp lại, vào giữa tháng 4 năm đó, chính quyền Ukraine triển khai một chiến dịch quân sự ở Donbass. Các thỏa thuận Minsk đạt được trong giai đoạn 2014-2015, với OSCE, Nga, Đức và Pháp đóng vai trò điều phối, được kỳ vọng sẽ giải quyết ổn thỏa tình hình Donbass, nhưng cuối cùng không thể ngăn cuộc xung đột hiện nay.

Trong bài trả lời phỏng vấn tuần san Đức Die Zeit đăng ngày 7/12 vừa qua, bà Merkel nói rằng việc hoàn tất các thỏa thuận Minsk là một nỗ lực để giúp Ukraine có thêm thời gian cải thiện sức mạnh. Bà Merkel cho rằng một điều rõ ràng là cuộc xung đột đã đóng băng và vấn đề không được giải quyết, “nhưng rõ ràng đã trao cho Ukraine khoảng thời gian quý giá”.

Cựu thủ tướng Đức khi đó bày tỏ hoài nghi rằng các nước NATO khi đó có thể hỗ trợ Kiev nhiều đến mức như họ đang làm hiện nay.

Bình Giang

Nguồn: tienphong.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga