Truyền thông phương Tây gần đây thi nhau đồn đoán về việc cựu Ngoại trưởng Tần Cương bất ngờ bị miễn nhiệm, mọi tài liệu về ông Tần đều bị xóa khỏi trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Người thay thế ông Tần Cương giữ cương vị Ngoại trưởng hiện nay là ông Vương Nghị - một gương mặt vô cùng thân quen.

1 Cuoc Chien Giua Chien Binh Soi Va Chim Bo Cau  Vi Sao Vuong Nghi Duoc Chon Thay The Tan Cuong

Ông Vương Nghị (trái) vừa được bổ nhiệm chức Ngoại trưởng Trung Quốc, thay thế ông Tần Cương - người bị miễn nhiệm hôm 25/7. Ảnh IT

Ông Tần Cương, 57 tuổi - người từng được ca ngợi là ngôi sao đang lên của Trung Quốc, bất ngờ nhận quyết định miễn nhiệm hôm 25/7 mới đây sau một thời gian ngắn "biến mất" khỏi tầm mắt của công chúng và truyền thông.

Bất ngờ hơn, người thay thế ông Tần là ông Vương Nghị, 69 tuổi - một gương mặt vô cùng thân quen vì ông Vương từng đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng trong gần 10 năm (2013 - 2022).

Theo hãng tin RT, các cơ quan truyền thông phương Tây thường thích câu chuyện “mất tích” của các quan chức cấp cao Trung Quốc. Bắc Kinh không chính thức đưa ra lý do ông Tần Cương bị miễn nhiệm. Vì thế, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa ra nhiều giả thiết xung quanh số phận của ông hoặc những gì có thể đã xảy ra, bao gồm giả thiết về một cuộc “thanh trừng”.

Một giả thiết tiềm năng khác có thể là một cuộc đấu tranh phe phái đang diễn ra trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo đánh giá của RT, dù chuyện gì đã xảy ra thì ông Tần Cương dường như không bị “thanh trừng”. Tuy nhiên, có thể đã diễn ra một cuộc đấu tranh giữa những người theo đường lối cứng rắn – được mệnh danh là “chiến binh sói” – và những "con chim bồ câu" - ám chỉ những người theo đuổi đường lối ngoại giao mềm mỏng hơn.

Ông Tần Cương thuộc nhóm "những chiến binh sói". Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vì lý do này khi Bắc Kinh muốn thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với Washington.

Theo RT, một điều cần lưu ý là vai trò của một ngoại trưởng ở Trung Quốc không thực sự giống ở phương Tây. Theo RT, người giữ vai trò ngoại trưởng ở Trung Quốc không thực sự nắm giữ quyền hoạch định chính sách. Đó phải là Bộ chính trị

Và đó là lý do vì sao ông Vương Nghị lại được bổ nhiệm vào ghế Ngoại trưởng một lần nữa. Ông Vương Nghị đã từng đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng Trung Quốc gần 10 năm, là một thành viên của Bộ Chính trị gần trung tâm quyền lực của Trung Quốc. Ngoài ra ông còn giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo RT, điều này có nghĩa là quyền lực thực sự trong việc ra quyết định ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nằm trong tay ông Vương, chứ không phải ông Tần Cương.

Thực tế, RT đánh giá, ông Vương Nghị là một người cực kỳ ôn hòa, theo đường lối ngoại giao ôn hòa, kiềm chế và ăn nói nhẹ nhàng, đây là động lực chính dẫn đến thành công của ông khi ông đảm nhận chức vụ ngoại trưởng. Ông Vương trái ngược với khuôn mẫu "chiến binh sói".

Hiện tại, chính sách ngoại giao của Trung Quốc một lần nữa đang quay trở lại giai đoạn “ôn hòa”. Sau khi mối quan hệ với Mỹ lao dốc trong nhiều tháng sau sự cố “khinh khí cầu do thám” hồi đầu năm nay, Bắc Kinh hiện đang cố gắng tiếp cận tích cực hơn với Washington cũng như với các đồng minh của họ.

Chiến lược của Bắc Kinh là sử dụng ngoại giao để cố gắng hạ nhiệt căng thẳng chính trị, ngăn Mỹ xây dựng các liên minh đa phương chống lại họ và leo thang một môi trường chiến lược giống như Chiến tranh Lạnh dựa trên các sự kiện ở Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc đang tìm kiếm sự ổn định, và khi điều này xảy ra, thường thì những cá nhân hiếu chiến như ông Tần Cương sẽ phải lùi về phía sau. Để củng cố lập luận này thì một nhà ngoại giao "chiến lang" khác của Trung Quốc là Triệu Lập Kiên từng giữ chức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được điều chuyển sang một vai trò ít xuất hiện trước công chúng hơn.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga