Làm chủ vũ khí hạt nhân, điều từng là không tưởng với Berlin, giờ đây là chủ đề đốt nóng chính trường nước Đức.

Những tranh cãi về thiết lập năng lực răn đe hạt nhân dự phòng cho nước Đức, gồm cả hợp tác với hai cường quốc hạt nhân châu Âu là Pháp và Anh hay thậm chí là tự làm chủ vũ khí hạt nhân, nổ ra công khai trên nghị trường Đức từ đầu tháng 2, sau bài xã luận của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner trên Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ).

Lindner lo ngại nước Đức đang phụ thuộc quá nhiều vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ. Ông lập luận rằng chính trường Mỹ ngày một khó lường, còn ứng viên tổng thống Donald Trump đã nhiều lần dọa xé bỏ cam kết phòng vệ tập thể trong trường hợp Nga tấn công nước thành viên NATO.

"Chúng ta cần suy nghĩ về điều kiện chính trị và kinh tế để Paris và London sẵn lòng duy trì và mở rộng năng lực chiến lược của họ để đảm bảo an ninh tập thể. Chúng ta cũng cần tự hỏi mình sẵn sàng đóng góp đến mức nào", Lindner đặt giả thuyết hợp tác hạt nhân chiến lược Anh - Pháp - Đức.

Nối bước Bộ trưởng Tài chính Lindner, một số chính trị Đức cũng lên tiếng ủng hộ châu Âu xây dựng năng lực răn đe hạt nhân độc lập, trong lo ngại nước Mỹ giảm cam kết an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Hai tiếng nói đồng tình nặng ký là Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và là đảng đối lập lớn nhất trên chính trường, cùng Katarina Barley, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và là ứng viên tranh cử Nghị viện châu Âu (EP) năm nay.

1 Chinh Truong Duc Tranh Cai Ve Phat Trien Vu Khi Hat Nhan

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tại Berlin tháng 12/2021. Ảnh: Reuters

Những đề xuất từ Lindner, Merz và Barley lập tức gây tranh cãi trên chính trường Đức vì nước này chủ trương chống phổ biến vũ khí hạt nhân lẫn điện hạt nhân.

Từ tháng 4/2023, Đức đã khởi động quy trình đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng tại nước này, hướng đến năng lượng sạch. Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke khi đó lên án năng lượng hạt nhân là đánh đổi lợi ích của "30.000 thế hệ" vì lợi ích cho ba thế hệ.

Lịch sử nước Đức đã đặt ra hàng loạt rào cản pháp lý lẫn chính trị để ngăn chính mình trở thành cường quốc hạt nhân.

Sau khi Thế chiến II khép lại, chính phủ Tây Đức vào năm 1954 từ bỏ quyền sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ, trong đó có vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Đổi lại, Tây Đức được đặt dưới bảo hộ hạt nhân của Mỹ.

Với cột mốc Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Đông Đức và Tây Đức hướng đến thống nhất. Họ ký thỏa thuận "2+4" một năm sau đó cùng 4 cường quốc hạt nhân Mỹ - Liên Xô - Pháp - Anh, tái khẳng định lập trường nước Đức thống nhất sẽ không bao giờ tự làm chủ vũ khí hạt nhân, đồng thời tham gia Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

"Viễn cảnh Đức trở thành cường quốc hạt nhân thường khiến mọi nước hoảng sợ. Lịch sử là nguồn cơn tất cả", Karl-Heinz Kamp, nhà khoa học chính trị tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đối Ngoại Đức (DGAP) ở Berlin, nhận định. "Đức bị xem là quốc gia có căn tính quyết liệt, từng châm ngòi hai cuộc thế chiến và không thể nắm giữ vũ khí hạt nhân".

Dù Berlin không làm chủ vũ khí hạt nhân, vũ khí hạt nhân vẫn hiện diện trên lãnh thổ Đức từ Chiến tranh Lạnh. Quốc hội Tây Đức cho phép Mỹ đưa đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ từ năm 1958, còn Đông Đức tham gia Hiệp ước Warsaw và trở thành nơi đặt tên lửa, đầu đạn hạt nhân của Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô rút toàn bộ vũ khí hạt nhân và nước Đức thống nhất chỉ còn vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Đầu đạn hạt nhân Mỹ được trang bị trên oanh tạc cơ Đức theo thỏa thuận chia sẻ năng lực răn đe chiến lược, nhưng quyền triển khai hoàn toàn thuộc về Washington. Giới nghiên cứu ước tính Mỹ đang bố trí khoảng 20 đầu đạn hạt nhân ở Buchel, Rhineland-Palatinate, miền Tây nước Đức.

2 Chinh Truong Duc Tranh Cai Ve Phat Trien Vu Khi Hat Nhan

Những địa điểm NATO đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ. Đồ họa: Telegraph

Christian Lindner và một số chính trị gia cùng lập trường cho rằng Đức cần thay đổi truyền thống bài xích vũ khí hạt nhân trước khi quá muộn. Họ lo ngại viễn cảnh ông Donald Trump tái đắc cử và biến lời đe dọa bỏ mặc đồng minh NATO trở thành hiện thực, khi đó nước Đức chịu mối đe dọa từ Nga lớn hơn Pháp hay Anh vì không có năng lực răn đe hạt nhân độc lập.

"Dù cho nước Đức có 15 sư đoàn cùng xe tăng chiến đấu hiện đại, nếu chúng ta không có răn đe hạt nhân còn đối phương luôn sẵn sàng dùng lá bài này để hăm dọa, bao nhiêu sư đoàn cũng trở thành vô dụng", nhà khoa học chính trị Đức Maximilian Terhalle nhận định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2020 từng mở lời mời Đức cùng các chính phủ châu Âu đối thoại về khả năng Paris mở rộng "chiếc ô hạt nhân" của mình, bổ sung thêm năng lực răn đe cho toàn bộ NATO và giảm phụ thuộc quá lớn vào Mỹ. Ông Macron cũng đề nghị các nước châu Âu còn lại san sẻ chi phí vũ khí hạt nhân.

Maximilian Terhalle cho rằng Đức nên tiên phong mua từ Mỹ khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân chưa kích hoạt (vũ khí đang được cất kho, không trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể đã được rút ngòi nổ hoặc loại bỏ nguyên liệu tritium). Đức - Anh - Pháp sau đó thiết lập kho vũ khí hạt nhân tổng hợp, với khoảng 1.550 đầu đạn, triển khai trong khuôn khổ NATO và xây dựng thỏa thuận sử dụng trong trường hợp liên minh bị tấn công.

Một quan chức cấp cao Đức bình luận với Wall Street Journal rằng Đức vẫn chưa cân nhắc tự làm chủ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một bộ phận chính trường Berlin lo ngại rằng phụ thuộc vào ô hạt nhân của Anh hay Pháp cũng không khác gì lệ thuộc vào khả năng răn đe chiến lược của Mỹ. Ông cho rằng Pháp trong tương lai cũng có khả năng được lãnh đạo bởi chính phủ thân thiện với Nga, đặc biệt với sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu.

Một số chính trị gia Đức cho rằng Berlin cần "có chân" trong quá trình phát triển vũ khí, triển khai và cấu trúc chỉ huy nếu châu Âu tự phát triển năng lực răn đe hạt nhân trong khuôn khổ NATO. Dù vậy, họ thừa nhận mục tiêu này thiếu thực tế và không hiệu quả vì nó sẽ tiêu tốn quá nhiều nguồn lực của Đức, đồng thời giẫm chân chính sách với Mỹ.

"Để bảo vệ vũ khí hạt nhân khi có xung đột, một nước cần tàu ngầm hạt nhân đủ khả năng lặn trong thời gian rất dài. Quân đội Đức còn chưa sở hữu phương tiện này. Đường đến quả bom nguyên tử có quá nhiều cản trở, mà Đức không cần nghĩ đến chỉ vì những khủng hoảng hiện nay", nhà khoa học chính trị Peter Rudolf, Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, nhận định trên FAZ.

3 Chinh Truong Duc Tranh Cai Ve Phat Trien Vu Khi Hat Nhan

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bày tỏ bức xúc trên đài phát thanh ARD về những tranh luận hiện nay về vũ khí hạt nhân của riêng châu Âu, cho rằng đây là tranh cãi không cần thiết. Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz thừa nhận mối đe dọa hạt nhân từ Nga đã gia tăng vì chiến sự Ukraine, song cách phản ứng tối ưu hiện nay vẫn là duy trì chiến lược sẵn có của NATO và đầu tư nhiều hơn cho năng lực đánh chặn.

Nghị sĩ Norbert Rottgen, cựu chủ nhiệm ủy ban đối ngoại quốc hội Đức, đồng tình chiến lược răn đe hạt nhân của NATO hiện nay đã đủ hiệu quả. "Chúng ta không có phương án nào tốt hơn. Tự xây dựng năng lực răn đe hạt nhân sẽ tiêu tốn ít nhất 15 năm và có bỏ ra hàng tỷ euro cũng không đủ", ông cảnh báo.

Thanh Danh (Theo WSJ, DW, Fox)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga