Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine gần bảy tháng trước, Nga và châu Âu đã tiến hành một ‘trận chiến’ về năng lượng. ‘Trận chiến’ này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp ‘lục địa già’.

Hai bên cùng tốn kém

Trước đây, Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của châu Âu về năng lượng. Moscow cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu lục này mỗi năm.

Với nỗ lực nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn và sẽ dần “thoát ly” hoàn toàn khí đốt của Nga. Ngày 7/9, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, họ sẽ yêu cầu các nước trong khu vực chấp thuận áp trần giá khí đốt của Nga .

Moscow đã trả đũa các lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế dòng chảy khí đốt đến châu Âu, buộc các chính phủ khu vực này phải “đau đầu” tìm ra các giải pháp thay thế.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC viết trên Twitter rằng: “Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng năng lượng như vũ khí, bằng cách cắt giảm nguồn cung và thao túng thị trường năng lượng của chúng tôi”.

1 Cham Ngoi Tran Chien Nang Luong Nga Va Chau Au Cung Ton Kem

Nga cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu mỗi năm.

Nguồn: Shutterstock

Theo New York Times, “trận chiến” năng lượng Nga-châu Âu khiến cả hai bên cùng tốn kém.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tận dụng mua dầu Nga giá rẻ. Điều đó sẽ hạn chế nguồn thu của Moscow.

Về phía châu Âu, các chính phủ đang phải trả giá cao để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt. EU yêu cầu người dân, các công ty tiết kiệm năng lượng; công bố các gói hỗ trợ khẩn cấp để cứu trợ người dân và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngay cả những quốc gia không nhập khẩu khí đốt của Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi giá điện có mối liên hệ chặt chẽ với khí đốt.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng gấp 8 lần kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu. Đây là mối đe dọa lớn đối với các ngành công nghiệp.

Theo ước tính của các nhà phân tích tại Ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ), các hộ gia đình châu Âu sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng hàng tháng khoảng 500 Euro (tương đương 494 USD) vào năm tới, gấp 3 lần so với năm 2021.

Dòng chảy phương Bắc 1có thể ngừng vĩnh viễn?

Bà Ursula von der Leyen cho biết, các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của khối đã đầy 82% và lượng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã giảm xuống chỉ còn 9%.

Bên cạnh đó, 13 trong số 27 thành viên của EU đang phải đối mặt với việc Nga ngừng một phần hoặc toàn bộ nguồn cung khí đốt. Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối và phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể từ sau xung đột Nga-Ukraine, “gã khổng lồ” năng lượng Nga – Gazprom – đã hai lần giảm lượng khí đốt đến Đức và hai lần đóng cửa đường ống để bảo trì.

Hiện tại, Gazprom đã đóng cửa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 – đường ống chính “chở” khí đốt đến Đức và tuyên bố vấn đề không thể khắc phục do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này là một phản ứng hoài nghi của Nga sau khi các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng ý áp đặt cơ chế giới hạn giá đối với dầu Moscow nhằm cắt giảm một phần doanh thu mà nước này kiếm được từ EU.

Tuy nhiên, việc đóng cửa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 đã làm dấy lên lo ngại rằng, dòng chảy này có thể ngừng vĩnh viễn. Việc cắt hoàn toàn khí đốt của Nga sẽ đẩy hóa đơn năng lượng của người dân châu Âu lên cao hơn nữa và tác động mạnh đến nền kinh tế của khu vực.

Các chuyên gia dự báo, một cuộc suy thoái sâu có khả năng xảy ra ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga.

Các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, nếu Đức “thoát ly” hoàn toàn khí đốt Nga, tăng trưởng kinh tế nước này có thể bị “thổi bay” 3% vào năm tới.

Nguồn: Thegioi

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga