Các nước G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) đã nhất trí một thỏa thuận khung về bảo đảm an ninh dài hạn cho Ukraine.

1 Cach Tiep Can Tinh Tao Cua G 7 Ve Ukraine

Tờ Financial Times đưa tin, các bảo đảm quy định việc cung cấp thiết bị quân sự hiện đại cho lực lượng vũ trang Ukraine, đổi lấy việc Ukraine phải cam kết tiến hành cải cách. Theo hãng thông tấn ANSA, G7 cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, ưu tiên hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và pháo tầm xa.

Các nước sẽ làm việc với Ukraine về những cam kết dài hạn trong lĩnh vực an ninh và thỏa thuận song phương, ANSA dẫn tài liệu cho hay. Cũng theo hãng thông tấn của Italia, một lĩnh vực hợp tác khác với Kiev là “thúc đẩy khả năng tương tác hơn với các đối tác châu Âu-Đại Tây Dương”.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, các đảm bảo an ninh từ G7 có thể trở thành văn bản pháp lý đầu tiên đối với Kiev.

“Chúng tôi không có đảm bảo an ninh thực sự từ các đối tác, ý tôi là về mặt pháp lý. Điều này rất quan trọng, bởi vì đây có thể là văn bản pháp lý đầu tiên tượng trưng cho việc chúng tôi có một ‘chiếc ô’ bảo vệ. Sau đó, Ukraine sẽ có tài liệu với từng quốc gia”, ông Zelensky nói.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Hội đồng Ukraine-NATO là một công cụ hội nhập và đất nước của ông sẽ thuộc liên minh Bắc Đại Tây Dương sau khi chiến sự kết thúc.

“Điều quan trọng, Hội đồng NATO-Ukraine không chỉ là một công cụ để tham gia, nó là một công cụ để hội nhập, mang lại cho chúng tôi cảm giác rằng chúng tôi sẽ là một phần của liên minh. Tôi chắc chắn sau xung đột, Ukraine sẽ gia nhập NATO. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ vì điều này”, ông Zelensky viết trên Twitter.

Như vậy, Ukraine cũng thừa hiểu, NATO cũng thừa biết và thế giới cũng thừa lo lắng việc Ukraine gia nhập khối NATO lúc này thì điều 5 của khối quân sự được tự động kích hoạt và khi đó NATO sẽ tham chiến trực tiếp với Nga, nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi Ukraine, điều đó dẫn đến chiến tranh thế giới, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra.

Giải pháp bảo đảm an ninh tốt nhất lúc này là giúp Ukraine có đủ sức duy trì các hoạt động quân sự chống lại Nga để Ukraine đi tới chiến thắng, giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng bằng cách tiếp tục duy trì hỗ trợ về kinh tế, quân sự cho Ukraine là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Có lẽ điều tiếc nhất cho Ukraine vì những yếu tố khách quan và chủ quan trong quá khứ mà không thể gia nhập NATO sớm hơn, sẽ không thể có chuyện Nga kích động nội chiến vùng Donbass và sau đó là xâm lược Ukraine tháng 2/2022 nếu Ukraine là thành viên của khối quân sự này.

Và chúng ta tin rằng không sớm thì muộn Ukraine sẽ được gia nhập NATO, điều mà ngay cả tổng thống Ukraine Zelensky cũng tin rằng Kiev sẽ gia nhập NATO khi xung đột kết thúc./.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga