Thủ tướng Netanyahu muốn lập tức đáp trả sau khi Iran tập kích lãnh thổ Israel, nhưng cần căn chỉnh phản ứng để tránh nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến tổng lực.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đêm 13/4 phóng hơn 300 máy bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhắm vào nhiều mục tiêu ở Israel để đáp trả vụ không kích tòa lãnh sự Iran tại Syria hôm 1/4. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Iran khai hỏa từ lãnh thổ để tấn công Israel, vượt "lằn ranh đỏ" tồn tại từ lâu giữa hai quốc gia vốn xem nhau là kẻ thù không đội trời chung ở Trung Đông.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau đó phải đối mặt quyết định rủi ro nhất sự nghiệp chính trị. Israel cần đáp trả Iran thế nào mà không châm ngòi một cuộc chiến tổng lực giữa hai cường quốc quân sự Trung Đông.

Truyền thông nhà nước Israel cho biết ngay sau khi Iran thông báo về đòn tập kích, nội các chiến tranh của ông Netanyahu đã muốn tấn công chớp nhoáng nhằm vào lợi ích của Tehran. Những người có quan điểm cứng rắn trong chính phủ Israel hối thúc Netanyahu đáp trả càng nhanh chóng và dữ dội càng tốt để răn đe Iran.

Đúng lúc đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, khẳng định Washington không muốn Tel Aviv sử dụng biện pháp quân sự đáp trả Tehran, bởi cho rằng thành tích đánh chặn 99% quả đạn của Iran đã là một chiến thắng.

Một quan chức trong chính phủ Israel cho hay Thủ tướng Netanyahu đã hủy kế hoạch đáp trả lập tức Iran sau cuộc điện đàm, nhấn mạnh "sự nhạy cảm ngoại giao đã chiến thắng" và cách thức phản ứng của Tel Aviv sẽ rất khác so với ban đầu.

Theo các quan chức phương Tây và Israel, sự căn chỉnh trong phản ứng của Israel được thể hiện trong cuộc tập kích "rất hạn chế" vào mục tiêu ở Iran sáng sớm 19/4. Các tiếng nổ lớn xuất hiện ở Iran khi nước này kích hoạt hệ thống phòng không ở thành phố miền trung Isfahan và Tabriz, tây bắc đất nước.

1 Cach Israel Can Chinh Phan Ung Voi Don Tap Kich Cua Iran

Vị trí thành phố Isfahan và Tabriz, Iran. Đồ họa: CNN

Canh bạc của ông Netanyahu dường như đã thành công. Dù trước đó cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ, giới chức Iran dường như cố tình xem nhẹ cuộc tập kích ngày 19/4 và tuyên bố không đáp trả. "Chúng tôi không ghi nhận dấu hiệu đây là đòn tấn công từ bên ngoài. Cuộc tập kích có thể do những kẻ xâm nhập tiến hành bên trong lãnh thổ Iran", một quan chức Iran nói.

Amos Yadlin, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Israel, nói nước này đã tìm cách "thiết lập lại sự răn đe mà không làm leo thang căng thẳng", ám chỉ công thức là "lấy Isfahan đổi Nevatim", nhắc đến căn cứ không quân miền nam Israel bị nhắm đến trong đòn tập kích của Iran tuần trước.

"Đây là điều khó căn chỉnh, và còn phụ thuộc vào cách phía Iran phân tích, hiểu đúng những gì diễn ra", Yadlin nói. "Nhưng nó mang hy vọng hai bên sẽ cùng xuống thang dễ dàng hơn".

Các quan chức chính phủ, quân đội Israel đều từ chối bình luận về đòn tập kích Iran.

Một nguồn thạo tin nói Israel đã nhắm vào một cơ sở quân sự từng được Iran sử dụng để phóng tên lửa, UAV trong đòn tập kích hôm 13/4. Một cựu quan chức quốc phòng Mỹ nhận định đòn tập kích vào lãnh thổ Iran dường như do các tiêm kích Israel thực hiện từ ngoài không phận quốc gia Hồi giáo, nhiều khả năng là trên bầu trời Syria.

Một số cơ sở quân sự ở miền nam Syria cũng bị tập kích trong sáng sớm 19/4. Hãng thông tấn quốc gia Syria Sana đưa tin tên lửa Israel nhắm vào các vị trí phòng không tại khu vực.

"Dường như họ đã dọn sạch trở ngại dọc hành lang trên không ở Syria để chuẩn bị cho đòn tấn công tầm xa", cựu quan chức quốc phòng Mỹ nhận định, thêm rằng chiến thuật đó giúp chiến đấu cơ Israel có thể tiếp cận đủ gần để tập kích mà không phải tiến vào không phận Iran hay kích hoạt hệ thống phòng không của đối thủ.

Các cựu quan chức và nhà phân tích an ninh nhận định Israel đã chọn cách đáp trả tương đối hạn chế, không gây thương vong và chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự. Động thái cho phép Tel Aviv phát thông điệp rằng họ cũng đã vượt lằn ranh đỏ, nhưng không gây thiệt hại đến mức buộc Tehran phải đáp trả.

"Động thái cho phép Israel duy trì chính sách không nhận trách nhiệm, một phản ứng giới hạn, do đó không khiến căng thẳng leo thang", Raz Zimmt, từng là nhà phân tích tình báo về Iran của Israel, nói.

Ông Netanyahu cũng phải tính đến phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tập hợp lại để hỗ trợ Israel sau vụ tập kích của Iran, họ cũng gây áp lực để ông Netanyahu kiềm chế, cảnh báo tính toán sai lầm khi đáp trả có thể gây ra một cuộc chiến tổng lực với hậu quả thảm khốc.

Giới chuyên gia cho rằng đòn tấn công trả đũa còn thể hiện rằng Israel có đủ sức để gây thiệt hại cho Iran nếu cần trong tương lai.

Jonathan Panikoff, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcrorf, Hội đồng Đại Tây Dương, nói Israel không nhằm vào chương trình hạt nhân Iran nhưng vị trí tập kích cho thấy họ đủ sức làm vậy. "Vị trí tập kích cách không xa cơ sở xử lý uranium và Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Isfahan, một trong những cơ sở quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran", theo Panikoff.

Đánh trúng cơ sở hạt nhân Iran sẽ được coi là hành động tuyên chiến và mức độ leo thang sau đó còn cao hơn so với vụ tập kích vào tòa lãnh sự Tehran ở Syria.

Tình huống này nếu xảy ra sẽ buộc Iran phải có hành động quân sự mạnh tay và có thể khiến "trục kháng chiến" gồm các nhóm vũ trang ủng hộ Iran ở Iraq, Syria và Yemen hành động quyết liệt nhất kể từ khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra, Maziar Motamedi, nhà phân tích về Iran tại Al Jazeera cảnh báo.

2 Cach Israel Can Chinh Phan Ung Voi Don Tap Kich Cua Iran

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 28/10/2023. Ảnh: Reuters

Jeremy Issacharoff, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Israel, cho rằng ông Netanyahu khả năng cao không phải đối mặt áp lực có thêm hành động. "Đa số người dân Israel sẽ cho rằng đòn đáp trả ngày 19/4 là thận trọng, được tính toán kỹ và đã thể hiện quyết tâm duy trì răn đe, bảo vệ an ninh quốc gia", Issacharoff nhận định.

Mỹ cũng không quan trọng hóa vấn đề. Trong cuộc họp báo ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken liên tục né tránh những câu hỏi về việc Iran bị tập kích.

Nhưng dù Iran tuyên bố sẽ không đáp trả, các chuyên gia an ninh cho rằng tình hình Trung Đông vẫn rất biến động, trong bối cảnh Israel vẫn giao tranh gần như hàng ngày tại biên giới phía bắc với lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon và chiến sự Israel - Hamas vẫn tiếp diễn tại Gaza.

Zimmt bày tỏ lo ngại tương tự, cho rằng cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài ba thập kỷ giữa Israel và Iran đã bước vào giai đoạn mới, khi hai bên đều thể hiện họ sẵn sàng nhằm trực tiếp vào nhau, đồng nghĩa gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến thảm họa tại khu vực.

"Nếu đã xảy ra một lần, chuyện đó chắc chắn còn tái diễn", Zimmt nhấn mạnh.

Như Tâm (Theo FT, Al Jazeera)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga