Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/6 thể hiện “tinh thần đoàn kết” với Ukraine, sau nhiều tháng im lặng khiến các chính sách của bà với Moskva bị chỉ trích.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/6 đã bày tỏ sự đoàn kết đối với Ukraine, sau nhiều tháng im lặng khiến dư luận chỉ trích chính sách của bà đối với Moskva. "Tôi hướng tới Ukraine với tinh thần đoàn kết", bà nói. 

Bà Merkel đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức suốt 16 năm cho đến tháng 12/2021. Cựu thủ tướng cho biết bà sẽ không đưa ra lời khuyên bên lề xung đột, nhưng ủng hộ các nỗ lực của chính phủ để "đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến khủng khiếp này". 

1 Ba Merkel Len Tieng Ve Xung Dot Ukraine

Cựu Thủ tướng Đức Merkel. (Ảnh: Arno Mikkor)

Là người nói thông thạo tiếng Nga, lớn lên ở vùng Đông Đức trước đây, cựu Thủ tướng Merkel đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ Mỹ và những nước khác vì ủng hộ hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), theo kế hoạch được thiết kế để Nga cung cấp khí đốt trực tiếp đến Đức.

Người kế nhiệm của bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz, đã gác lại dự án.

Cựu Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng cần thiết phải tiếp tục nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngay cả sau sự kiện Moskva sáp nhập Crimea sáp nhập và triển khai chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bà Merkel, một người bảo thủ, từng đưa ra tuyên bố ngắn gọn sau khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Bà nói rằng không có lý do nào để biện minh cho những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng cựu Thủ tướng im lặng từ đó đến nay.

Một số chính trị gia Đức khác, bao gồm cựu ngoại trưởng Sigmar Gabriel, trong khi đó cho rằng chính sách hòa giải với Nga có thể là quá lạc quan.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến, Đức thường bị chỉ trích không hành động đủ để giúp Ukraine.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Scholz hôm 1/6 đã cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không IRIS-T. Cùng ngày, Ủy ban ngân sách quốc hội Đức cũng "dọn đường" cho một quỹ ngân sách quốc phòng bổ sung trị giá 100 tỷ euro (106 tỷ USD) nhằm tăng cường khả năng quân đội. 

Các nhà phân tích quân sự nói rằng Nga đang hy vọng sẽ kiểm soát được Donbass trước khi bất kỳ loại vũ khí phương Tây nào đến. Lầu Năm Góc nói sẽ mất ít nhất 3 tuần để đưa vũ khí chính xác của Mỹ và quân đội được huấn luyện vào chiến trường. Các hệ thống tên lửa này là một phần của gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine từ Mỹ. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Moskva không tin tưởng vào những đảm bảo rằng Ukraine sẽ không nổ súng vào lãnh thổ Nga. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng Mỹ đang cố tình và liên tục đổ dầu vào lửa".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết việc Ukraine kêu gọi thêm vũ khí là một “hành động khiêu khích trực tiếp nhằm lôi kéo phương Tây vào cuộc chiến”. Ông cảnh báo rằng việc phóng nhiều tên lửa sẽ làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mở rộng.

PHƯƠNG ANH

Nguồn: vtc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga