Thủ tướng Pashinyan nói Armenia đã đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, khối gồm 6 quốc gia do Nga dẫn đầu.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24 của Pháp đăng ngày 22/2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói Yerevan ngày càng không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). "Chúng tôi tin rằng trong trường hợp của Armenia, hiệp ước đã không được thực thi, đặc biệt là trong giai đoạn 2021-2022, và việc này không thể bỏ qua", ông Pashinyan nói.

CSTO do Nga dẫn đầu thành lập năm 1992, với 5 thành viên còn lại gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tương tự NATO, hiến chương CSTO cũng có điều khoản về phòng vệ tập thể, coi hành động tấn công một thành viên đồng nghĩa tấn công cả khối.

"Chúng tôi đã đình chỉ tham gia hiệp ước và chờ xem chuyện gì xảy ra tiếp theo", ông Pashinyan bổ sung. Armenia năm ngoái từ chối tham gia các sự kiện và hoạt động diễn tập quân sự của CSTO. Ông Pashinyan trước đó nói Yerevan không có ý định cắt quan hệ với khối.

1 Armenia Dinh Chi Hiep Uoc An Ninh Tap The Voi Nga

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu tại Điện Elysee, Paris, Pháp ngày 21/2. Ảnh: AFP

Quan hệ song phương giữa Armenia và Nga gần đây xấu đi. Ông Pashinyan ngày 2/2 nói Nga khiến Armenia thất vọng sau khi không thể ngăn Azerbaijan phát động chiến dịch chớp nhoáng hồi tháng 9 để giành quyền kiểm soát vùng Nagorno - Karabakh, khiến người gốc Armenia sống ở đó phải sơ tán.

Nga phản bác rằng thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Kavkaz là nguyên nhân khiến các nhóm vũ trang Armenia ở Nagorno - Karabakh thất thế, đồng thời cảnh báo phương Tây đang cố gắng chia rẽ Yerevan và Moskva.

Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào thập niên 1990 và năm 2020 liên quan Nagorno - Karabakh. Vùng đất tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng thân Armenia kiểm soát khu vực này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.

Cuộc chiến năm 2020 khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn, khi đụng độ quy mô nhỏ xảy ra thường xuyên ở biên giới hai nước năm 2021-2022.

2 Armenia Dinh Chi Hiep Uoc An Ninh Tap The Voi Nga

Vị trí vùng Nagorno - Karabakh. Đồ họa: France 24

Như Tâm (Theo RT, France 24)

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga