Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với mặt hàng gạo. Động thái mới có thể sẽ siết chặt thêm nữa nguồn cung lương thực toàn cầu.

1 An Do Lai Siet Them Xuat Khau Gao Anh Huong Nguon Cung Toan Cau

Người lao động đang chất lúa lên xe ở thành phố Ambala, Ấn Độ - Ảnh: BLOOMBERG

Hôm 27-8, Bộ Thương mại Ấn Độ thông báo chính phủ nước này sẽ ấn định giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati (loại gạo thơm hạt thon dài phổ biến ở Ấn Độ) xuất khẩu.

Họ giải thích điều này nhằm ngăn chặn một số thương nhân tìm cách buôn lậu gạo trắng non-basmati (gạo không phải gạo hạt dài basmati) - loại gạo đã bị cấm xuất khẩu - thông qua hải quan dưới vỏ bọc là loại gạo basmati vốn đắt tiền hơn.

Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết nước này quyết định đưa ra mức giá tối thiểu cho các lô hàng gạo basmati sau khi nhận thấy sự biến động lớn về giá xuất khẩu của loại gạo này. Trong một số trường hợp, loại gạo này thậm chí được bán với giá 359 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu trung bình là 1.214 USD/tấn trong tháng này.

Trước đó, hôm 25-8, Bộ Tài chính Ấn Độ thông qua quyết định áp mức thuế 20% đối với gạo xuất khẩu, nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ấn Độ chiếm tới 40% thị phần gạo toàn cầu vào năm ngoái. Nước này hiện đã cấm hoặc đưa ra một số biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu tất cả các loại gạo.

Trong tháng 8, giá gạo ở châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm và có thể còn tăng hơn nữa, làm tăng chi phí đối với các nhà nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia châu Phi.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thực hiện trong bối cảnh nước này nỗ lực hạ nhiệt giá thực phẩm trong nước ngay trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới, khi ông Narendra Modi dự kiến sẽ làm thủ tướng nhiệm kỳ 3.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga