Lớp lớp thanh niên được học tập ở nước Nga xinh đẹp dần trưởng thành và trở về xây dựng đất nước. Trong họ đều có những cảm nhận về một thời học tập xa xứ, tuy xa nhà nhưng luôn có sự bao bọc của mái nhà thứ hai mang tên nước Nga. Với họ, luôn trọn vẹn một tình yêu với nước Nga.

Góp phần vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, đặc biệt là sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân Liên Xô. Và với ông tôi, những năm tháng được làm việc cùng các chuyên gia Liên Xô, được học tập tại đất nước của Lê-nin là khoảng thời gian không bao giờ quên trong cuộc đời.

Gặp gỡ những người đồng chí Liên Xô đầu tiên

Ông tôi thường hoài niệm về những năm tháng làm việc với các chuyên gia tên lửa Liên Xô, những đêm tối trời của miền Trung du Bắc Bộ và về những lớp học do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Họ đã cùng ăn, cùng ở giữa rừng để dạy cho các học viên Việt Nam lắp ráp, điều khiển tên lửa đất đối không chống lại những cuộc oanh tạc của máy bay không quân Mỹ.

Tháng 9-1964, ông tôi khi đó là chàng sinh viên 21 tuổi Võ Xuân Tường (Linh Châu, Gio Linh, Quảng Trị) đang học tại Khoa chế tạo máy (Đại học Bách khoa Hà Nội), theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 274, Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau khi nhập ngũ, được huấn luyện và với chuyên môn đã có của mình, ông tôi được chọn để học tập và tham gia lắp ráp các tên lửa SAM-2 (S-75 Dvina) do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô.

Những người bạn đến từ đất nước của Cách mạng Tháng Mười xa xôi, chấp nhận khó khăn gian khổ, chung sức với những người đồng chí Việt Nam, cùng nhau chống lại các đợt không kích của Mỹ phá hoại miền Bắc. Các kỹ sư tên lửa Liên Xô không chỉ dạy lý thuyết về những loại tên lửa, mà còn hướng dẫn, kiểm tra để có những quả tên lửa đạt chất lượng, góp phần vào chiến thắng của quân đội ta đối với không quân Mỹ.

Ông tôi thường kể về những buổi tối chung mâm cơm với các sĩ quan, chuyên gia Liên Xô. Món ăn đơn giản chỉ có cơm, cà muối cùng vài con cá diếc nhỏ kho mặn nhưng vẫn tràn ngập niềm vui, tiếng nói cười của những người đồng chí. Ban đầu, họ cảm thấy rất ngạc nhiên về sự khéo léo khi sử dụng đũa của những chiến sĩ Việt Nam, nhưng lâu dần thành quen, những chuyên gia Liên Xô cũng có thể dùng đũa một cách thành thục, họ cùng ăn cơm, cùng chiến đấu với niềm tin chiến thắng. "Hôm nào có cá là ăn "sang" lắm, bình thường chỉ có rau rừng và măng để ăn. Ở nơi đóng quân, ông cũng dạy cho những người đồng chí của mình sử dụng đơm bắt cá. Ban đầu, họ cũng thích thú thử nghiệm, công việc giúp cải thiện bữa ăn của anh em trong đơn vị", ông tôi nhớ lại.

132 1 Nuoc Nga  Tron Ven Mot Tinh Yeu

Với ông tôi, tình yêu với nước Nga không bao giờ phai nhạt. Ảnh chụp tại một tượng đài gần Quảng trường Đỏ năm 2019.

Theo lời ông tôi kể những sĩ quan Liên Xô là những người rất chất phác, giản dị, luôn tôn trọng những chiến sĩ Việt Nam. Họ ý thức được sứ mệnh khi đến Việt Nam, cho nên họ chấp nhận mọi gian khổ; thức đêm cùng với các kỹ sư Việt Nam trong những khu vực kỹ thuật bí mật trong rừng, để cùng lắp ráp tên lửa.

Trong số những chuyên gia Liên Xô ấy, người mà ông nhớ nhất là Đại tá Tvelisin, Đội trưởng đội kỹ thuật, phụ trách toàn bộ công việc lắp ráp tên lửa ở đây. Một người có có dáng cao, với mái tóc màu hung và rất vui tính, hòa đồng với mọi người.

Trong các buổi học, dù có bất kỳ câu hỏi khó nào của sĩ quan QĐND Việt Nam, ông cũng đều trả lời rất cặn kẽ về từng thông số kỹ thuật, chi tiết máy của các loại tên lửa; nhờ vậy, các sĩ quan QĐND Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Ngoài việc hướng dẫn lắp ráp, các chuyên gia Liên Xô còn trực tiếp tham gia, kiểm tra việc lắp đặt, chỉ ra những lỗi cần chỉnh sửa trước khi đưa tên lửa vào chiến đấu. Nhờ những quả tên lửa của tình hữu nghị Việt - Xô ấy mà bộ đội phòng không Việt Nam đã có những chiến công oanh liệt trước các cuộc phá hoại của đế quốc Mỹ.

Được trực tiếp đến học tập tại nước Nga xinh đẹp

Sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô cho Việt Nam không chỉ ở trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà sau khi đất nước ta được giải phóng, Liên Xô lại tiếp tục giúp đỡ Việt Nam đào tạo các cán bộ quản lý nhà nước, các nhà khoa học... đáp ứng nhu cầu trong từng giai đoạn phát triển.

Năm 1971, sau khi xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Bộ Cơ khí và Luyện kim, với vốn tiếng Nga của mình, ông tôi lại được chọn đi học lớp cán bộ quản lý kinh tế tại Trường quản lý kinh tế Moscow. Đến đây, ông tôi lại càng cảm nhận được sự tiếp đón nồng hậu và tình cảm của những người bạn ở xứ sở bạch dương.

132 2 Nuoc Nga  Tron Ven Mot Tinh Yeu

Ông tôi khi quay trở về thăm Nga năm 2019. Ảnh chụp tại Cung điện Mùa Đông.

Ông kể rằng, các môn học ở trường đều do những giáo sư đầu ngành đứng lớp giảng dạy. Học viên được học đầy đủ lý thuyết về kinh tế vi mô, vĩ mô..., nhiều nội dung lý thuyết mới rất phức tạp. Trong quá trình học, ai cũng phải nỗ lực, phấn đấu, bởi đây là cơ hội để về xây dựng, đổi mới đất nước.

Thế nên, đã bước vào học, tất cả đều tranh thủ lĩnh hội kiến thức từ giáo viên, tích cực trao đổi và nghiên cứu tài liệu. Trong các buổi học, không khí luôn diễn ra sôi nổi, cả học viên lẫn giáo viên đều trao đổi thẳng thắn về những kiến thức trong sách vở. Các giáo sư người Nga luôn rất kiên trì để có thể giải đáp tất cả câu hỏi của học viên, vì họ luôn tin tưởng rằng lớp học viên này sẽ trở thành những cán bộ, xây dựng lại đất nước sau sự tàn phá của chiến tranh.

"Cái đặc biệt trong mỗi người dân Nga mà ông không bao giờ quên đó là sự trọng thị đối với người Việt Nam. Hồi đó, Liên Xô là "anh cả" trong khối Xã hội chủ nghĩa, những học viên khi đến học tập ở đây đều được tiếp đón rất nồng hậu, họ luôn dành cho học viên những điều kiện tốt nhất, chỉ mong sao học viên có thể về xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt là đối với sự nghiệp đổi mới đất nước của Việt Nam, những người Nga luôn ủng hộ bằng cả trái tim", ông tôi nhớ lại.

Đối với du học sinh Việt Nam như ông tôi, người dân Nga luôn dành những tình cảm đặc biệt. Ngoài giờ học, ông tôi còn hay được các giáo sư mời về ăn cơm. Đặc biệt là giáo sư Ivan, một người rất mộc mạc, tình cảm và rất quan tâm đến lịch sử quân sự Việt Nam. Trong mỗi lần được giáo sư mời về nhà, ông tôi thường kể cho giáo sư Ivan về Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những trận chiến ác liệt mà ông tôi được tham gia, về các danh tướng Việt và đặc biệt là những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gia đình ông Ivan cũng vô cùng xúc động và bồi hồi, họ cũng đồng cảm với được những khó khăn mất mát của chiến tranh. Đó là tình cảm của những con người đồng cảnh ngộ, đi lên từ chiến tranh khói lửa.

Qua các buổi ăn cơm, nhiều câu chuyện đã gắn kết những con người từ hai miền đất xa xôi. Ông tôi cũng vậy, cho đến tận bây giờ, ông vẫn hay kể cho con cháu nghe về những câu chuyện cũ, về hương vị của nồi súp khoai tây của gia đình giáo sư Ivan trong mỗi lần tiếp đón du học sinh Việt Nam.

Cứ như vậy, lớp lớp thanh niên được học tập ở nước Nga xinh đẹp dần trưởng thành và trở về xây dựng đất nước. Trong họ đều có những cảm nhận về một thời học tập xa xứ, tuy xa nhà nhưng luôn có sự bao bọc của mái nhà thứ hai mang tên nước Nga. Với họ, luôn trọn vẹn một tình yêu với nước Nga.

Bài, ảnh: TRỊNH NGHĨA

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga