Một giám đốc lương nghìn đôla có thể cười nói ở công ty, nhưng tuyệt vọng khi về nhà bởi mắc chứng trầm cảm mà không hay biết.

10/9 hàng năm, ngày WHO gọi là ngày phòng chống tự sát trên toàn thế giới. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có 800.000 người tự sát vì trầm cảm - nghĩa là cứ 40 giây trôi qua, có một người tự kết liễu bản thân mình để tìm một lối thoát nhẹ nhàng hơn.

Đáng bất ngờ hơn, độ tuổi tự sát vì trầm cảm đang ngày một giảm. Từ 15 đến 24 là độ tuổi tự sát vì trầm cảm nhiều nhất trong khoảng thời gian gần đây.

Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng phát triển, vậy câu hỏi đặt ra: Tại sao lượng người trầm cảm ngày một tăng, và ngày càng trẻ hoá?

Trầm cảm là một hội chứng bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, đến cách bạn nghĩ và cách bạn hành động. Trầm cảm khiến người ta buồn bực, khó chịu và mất dần cảm giác hứng thú với những hoạt động xung quanh. Trầm cảm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và đến cả cuộc sống cá nhân của nạn nhân. Trầm cảm có thể được chữa trị, tuy nhiên, việc phát hiện trầm cảm là điều không hề dễ.

Đã từng có rất nhiều nghiên cứu về dấu hiệu của trầm cảm, có thể liệt kê một vài điểm đáng lưu ý: Cảm thấy buồn, mất cảm hứng với những hoạt động mà trước đây bạn rất thích. Không muốn ăn, hoặc khi ăn không còn thấy ngon miệng nữa - Có thể dẫn đến việc sụt cân hoặc rối loạn tiêu hóa. Không ngủ được hoặc đột nhiên ngủ quá nhiều. Mất năng lượng. Có những nhiều hành động vô nghĩa trong vô thức. Cảm thấy vô dụng hoặc luôn cảm thấy có lỗi. Khó suy nghĩ, tập trung và hành động. Nghĩ đến việc tự sát...

132 1 Tram Cam   Sat Thu Vo Hinh

Nếu theo dõi các triệu chứng trên, thì có thể dễ dàng nhận thấy, không dễ để một người ngoài nhìn thấy được một nạn nhân trầm cảm vì đa số đều là những triệu chứng tác động ngầm ở bên trong chứ không lộ ra ngoài như một vết thương ngoài da. Vì thế, mọi phát hiện trầm cảm cho đến hiện nay, đều là quá trễ và đã có một tác động sâu sắc đến nạn nhân.

Những nạn nhân trầm cảm, họ thế nào?

Họ là những người bình thường. Thậm chí, là những người thành công. Có thể kể đến như Bennington của Linkin Park - đã tự sát bởi trầm cảm vào ngày 20/7/2017, để lại cú shock to lớn đến cộng đồng yêu nhạc và toàn thế giới. Tuy nhiên, trước đó, anh vẫn lưu diễn, vẫn hát, vẫn cháy nhưng sâu bên trong, anh là một ngọn lửa đang thiêu đốt chính bản thân mình.

Những nạn nhân trầm cảm trong giai đoạn đầu rất khó để nhận biết. Thậm chí cả bản thân họ cũng sẽ chẳng biết mình bị thế cho đến khi quá muộn.

Một cô gái xinh xắn bàn bên có thể đang tìm những từ khoá về tự sát. Một anh giám đốc lương mấy nghìn đô một tháng, có thể cười ở công ty, nhưng khi về đến nhà là một góc tối chẳng biết thoát ra bằng cách nào. Hay chỉ đơn giản là một đứa trẻ 15 tuổi, chơi bời vui vẻ trên trường, để rồi gieo mình từ chung cư cao tầng xuống đất chỉ sau đó vài giờ. Trầm cảm là một sát thủ vô hình, có thể chiếm lấy tâm trí nạn nhân bất cứ lúc nào.Vì thế, đừng nghĩ rằng họ cười, là họ ổn.

Vì sao ngày càng có nhiều người trầm cảm?

Nếu ngày trước, trẻ con được chơi bời, được chạy nhảy, bạn bè được gặp nhau, nói chuyện với nhau; thì bây giờ, trẻ con được điện thoại, máy tính, bạn bè đi làm về lại online trò chuyện, trong khi nhà chỉ cách nhau năm phút đi bộ. Sự tương tác giữa người với người giảm dần, cũng là lúc sợi dây gắn kết xã hội thưa đi.

Người ta không còn tương tác với nhau để nghe được sự thay đổi trong giọng nói, trong nét mặt, trong cử chỉ. Họ tương tác qua màn hình với vài con chữ. Để rồi đoán già, đoán non rằng à, bạn ấy vẫn vui mà.

Tuổi teen không còn những buổi dạo chơi trong công viên, những buổi họp mặt cắm trại, những người bạn tâm tình để xả nỗi buồn; mà thay vào đó là những lời hẹn nhau lên mạng, chat, chơi game. Cũng tương tự, sợi dây liên kết giờ đây gói gọn lại thành một vài dòng tin nhắn. Nó đang khóc khi chat với mình một nội dung vui, mà mình chẳng biết.

Người ta không còn được "lắng nghe" như trước. Không còn được thấu hiểu. Họ gửi đi một tín hiệu cầu cứu, nhận lại một icon nhạt toẹt. Họ gửi đi một dòng tin nửa thật nửa đùa về tự sát, nhận lại lời động viên đùa cợt "nhớ quay TikTok, biết đâu mày sẽ nổi tiếng". Ừ sẽ nổi tiếng. Chắc chắn là thế. Họ gửi đi nỗi buồn mong chia sẻ, nhận lại là sự cô đơn cùng tận và rồi, tìm đến cái chết để thoả lấp sự cô đơn ấy là điều dễ hiểu. Có lẽ, ở thế giới bên kia, nơi không tồn tại mạng xã hội, điện thoại, họ được gặp mặt, được trò chuyện, được lắng nghe nhiều hơn là ở đây.

Chúng ta cần làm gì?

Nếu là bố mẹ, hãy trao đổi với con cái nhiều hơn. Nhất là ở cái tuổi lớn chẳng lớn, nhưng chẳng còn nhỏ nữa. Lắng nghe thật nhiều và hãy lắng nghe nghiêm túc, chứ đừng nghe con nhưng tay ôm phone nhắn tin cho bạn cho bè. Vì đâu đó trong những câu từ con nói, là những tín hiệu đầu tiên của căn bệnh này.

Nếu là bạn bè, hãy tắt điện thoại, đi ra ngoài nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn. Giọng nói có thể giả, gương mặt có thể giả, nhưng ánh mắt chẳng bao giờ biết nói dối. Thế nên, dành thời gian cho nhau, nhìn vào nhau để hiểu thật sự bạn mình có ổn hay không. Nếu cảm thấy bất thường, hãy lập tức liên lạc với thầy cô, cha mẹ, hay những người chuyên ngành để cầu cứu. Bạn vừa đưa tay cứu lấy người bạn cùng bàn của mình đấy.

Nếu là nạn nhân, hãy can đảm, nói về nó. Đừng từ chối giúp đỡ, vì ai trong đời cũng sẽ có những giai đoạn trầm cảm. Nặng hay nhẹ, tuỳ vào sự can đảm hay khả năng chịu đựng của chính bạn. Nhưng đừng làm nó một mình, hãy mở lòng, nhận sự giúp đỡ để một ngày nào đó khi vượt qua, chính bạn là những sứ giả trở về từ cõi chết để đẩy những tin thần đang suy sụp quay lại trở thành chính bản thân mình.

Phát hiện trầm cảm, khó lắm. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể làm được, có thể giúp được những người đang rơi vào trạng thái này. Đừng cứ vin vào mạng xã hội hay những tin nhắn vô nghĩa kia để giúp họ, hãy gặp mặt, tiếp xúc. Vì dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, một cái ôm, một đôi tay lau nước mắt vẫn sẽ tuyệt hơn một icon, một gương mặt cười nhỏ tí, đúng không nào?

 

Thang Ha

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga