Hàn Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì nhiễm vi khuẩn ăn não người, sau khi trở về từ Thái Lan.

Thông báo được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đưa ra ngày 26/12. Vi khuẩn "ăn thịt" có tên Naegleria fowleri, có thể hủy hoại não người.

Bệnh nhân 50 tuổi, trở lại Hàn Quốc ngày 10/12, sau 4 tháng lưu trú tại Thái Lan. Ông được đưa vào viện sau đó một ngày và qua đời hôm 20/12. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm vi khuẩn ăn não tại nước này.

Naegleria fowleri là một loại amip được tìm thấy ở các hồ, sông, kênh và ao nước ngọt trên khắp thế giới. Nó có kích thước nhỏ, chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi. Đây là sinh vật ưa nhiệt, phát triển mạnh ở nhiệt độ cao và thích nước ấm.

Naegleria fowleri lây nhiễm cho người khi nước (chứa amip) xâm nhập cơ thể qua đường mũi, thường xảy ra khi bệnh nhân bơi, lặn ở các hồ nước ngọt. Sau đó, vi khuẩn đi đến não, phá hủy mô và gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gọi là viêm màng não do amip nguyên phát (PAM), hầu hết gây tử vong.

Nhiễm trùng Naegleria fowleri cũng có thể xảy ra khi người dân sử dụng nước máy ô nhiễm để làm sạch mũi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn lây nhiễm cho người từ nước bể bơi không có đủ clo. Vi khuẩn hoạt động mạnh vào mùa nóng, khi nhiệt độ nước cao hơn và mực nước thấp.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm màng não do amip nguyên phát giống với viêm màng não do vi khuẩn, gồm đau đầu, sốt, buồn nôn hoặc nôn. Những biểu hiện khởi phát vào khoảng ngày thứ 5 sau khi nhiễm bệnh.

1 Nguoi Dan Ong Tu Vong Do Nhiem Vi Khuan An Nao Nguoi

Minh họa vi khuẩn Naegleria fowleri ăn não người hiển thị dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: Wired

Triệu chứng muộn hơn gồm cứng cổ, lú lẫn, thiếu tập trung, co giật, ảo giác và hôn mê. Sau khi các triệu chứng bắt đầu, bệnh tiến triển nhanh chóng, thường gây tử vong trong khoảng 5 ngày. Tỷ lệ tử vong là 97% trở lên. Trong số 154 người nhiễm bệnh ở Mỹ từ năm 1962 đến năm 2021, chỉ 4 người sống sót.

KDCA cho biết tỷ lệ lây truyền Naegleria fowleri từ người sang người là thấp, song cơ quan vẫn yêu cầu người dân địa phương hạn chế bơi lội ở những khu vực bùng phát dịch bệnh.

Vì là tình trạng hiếm gặp và tiến triển nhanh, việc xác định phương pháp điều trị hiệu quả rất khó khăn. Hiện bác sĩ thường sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc như amphotericin B, azithromycin, fluconazole, rifampin, miltefosine và dexamethasone.

Thục Linh (Theo Yonhap, CDC)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga