Bạch dương là người đẹp bừng sáng của rừng Nga. Những thân cây tỏa nắng giữa rừng, đem lại cho con người niềm vui, an nhiên và hy vọng. Đã tự ngàn đời con người vẫn đến với cây để tìm sự an ủi và đón nhận lời khuyên nhủ. Bạch dương là niềm tự hào và biểu tượng của người Slave. Nó thường được gọi là cây đời của họ.
426 Content Nga
Cây bạch dương – biểu tượng của Nga

Ở xứ Nga cổ xưa bạch dương luôn gợi nhớ đến hình ảnh một trinh nữ tuổi trăng tròn với vẻ đẹp tinh khôi, da trắng ngần và những đường nét trang nhã. Những cành bạch dương như những cánh tay thiếu nữ rủ xuống vai lữ khách không biết đến tự phương trời nào để giữ chàng lại trong vòng ôm dịu dàng.

426 Content Nga1
Từ ngàn xưa bạch dương đã luôn rủ bóng xuống tâm hồn người Nga

Các biên niên sử xa xưa kể lại rằng vào thời mà người Slave còn tin vào vô số các thần ở trong rừng, dưới sông và trên trời thì nữ thần tối cao của họ là Bereghinia – mẹ của tất cả các linh thần và mọi châu báu trên trái đất và họ đã tôn thờ nàng trong hình dáng của một loài cây linh thiêng màu trắng – cây bạch dương. Loài cây này được coi như một linh vật sống, mạnh mẽ phi thường và có thể thực hiện được mọi điều mong muốn.

426 Content Nga2
Nữ thần Bereghinia

Trong tiếng Nga “bạch dương” (береза) là một từ rất cổ. Tên gọi “bạch dương” đến từ đâu? Nó xuất phát từ gốc “berza” trong tiếng tiền Slave đã có từ thưở xa xưa mịt mùng và có nghĩa không chỉ là trắng, mà còn là lấp lánh. Tên gọi của vỏ cây bạch dương – “beriosta” cũng có cùng gốc từ này. Trong ngôn ngữ của người Slave cổ có từ “ber” với nghĩa là ” sáng sủa”, “rõ ràng”, “rực rỡ”, “trắng”. Từ “ber” mà có “berza” rồi sau đó là “berioza” (bạch dương).

426 Content Nga3
Rừng bạch dương

Đã từ lâu bạch dương luôn có ích cho con người. Nó được sử dụng ở khắp mọi nơi và trong mọi việc. Bạch dương trắng được coi là biểu tượng của mùa xuân và ấm áp, lòng nhân từ và thanh khiết, trẻ trung và trinh bạch và cuối cùng là biểu tượng của nước Nga đã được mọi người công nhận. Có thể nói hình tượng của cây bạch dương Nga luôn gắn bó với người Nga từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt, giúp họ đi suốt cuộc đời và hoàn thiện mọi kỹ năng sống của họ, chữa lành bệnh tật và che chở con người khỏi mọi hiểm nguy có thực và vô hình. Bạch dương mọc khắp nước Nga và cả vùng Bắc bán cầu, thậm chí còn đến tận Cực Bắc. Đây là loài cây dễ tính, có thể chịu được cả nóng và lạnh.

Bạch dương là loài cây cao, thân sáng với tán xòe rộng. Trong rừng bạch dương luôn sáng sủa không chỉ vì thân cây màu trắng. Lá bạch dương không lớn và tán cây cho phép nhiều ánh sáng xuyên qua.

426 Content Nga4
Nắng trong rừng bạch dương

Bạch dương thường cao chừng 15-30m. Tuy nhiên, tuổi đời của cây không dài, khoảng 100 năm.

Cây bạch dương lùn mọc nhiều ở các đài nguyên của châu Âu, Bắc Mỹ và các đài nguyên xen núi non ở Siberia. Nó cao chưa đến 1 m. Trong các kỳ băng hà và hậu băng hà loài cây này đã phát triển xa hơn về phía nam, hiện nay nó chỉ mọc ở một số đầm lầy.

426 Content Nga5
Bạch dương lùn Karelia

Gỗ bạch dương được sử dụng để làm các đồ gia dụng: các loại ghế, kệ. Từ cây bạch dương người ta làm ra nhiều loại nông cụ. Bạch dương được dùng để làm đồ dụng cụ cho ngựa kéo (ách ngựa, các bộ phận của yên ngựa và thanh giằng). Từ ngàn xưa những túp lều và các loại nhà cửa khác ở nước Nga cổ và các vùng lãnh thổ lân cận được thắp sáng bằng luchiny – những thanh gỗ bạch dương được chẻ mỏng và được dùng như ngọn đuốc.

426 Content Nga6
Đồ mỹ nghệ làm từ vỏ bạch dương

Đa số các loại vỏ bạch dương có màu trắng. Phần bên ngoài của vỏ cây – beriosta – thường dễ bóc ra thành dải dài và mỏng. Khi bạch dương già, phần dưới thân cây được phủ một lớp vỏ màu tối có các vết nứt sâu.

Vỏ bạch dương là một chất liệu đa năng. Nó được sử dụng rộng rãi như một vật liệu ngăn cách không thấm nước trong xây dựng nhà bằng gỗ súc và các khu chuồng trại. Ở một số vùng thuộc Primorye vỏ bạch dương được dùng để làm những chiếc xuồng nhỏ có thể chở được một – hai người. Vỏ bạch dương còn là vật liệu tốt nhất để nhen lửa trong mọi thời tiết.

426 Content Nga7
Beriosta – vỏ cây bạch dương
426 Content Nga8
Xuồng làm từ vỏ bạch dương

Một công dụng hết sức quý giá nữa của vỏ bạch dương: ghi lại lịch sử của dân tộc Nga. Nhiều loại văn bản như giấy nợ, hợp đồng mua bán… của người Nga thời Trung cổ được ghi khắc lại trên các mảnh vỏ bạch dương (beriosta) mà ngày nay vẫn còn giữ lại được đã đem lại nguồn dữ liệu vô giá cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử.

426 Content Nga10
Beriosta và các dụng cụ khắc chữ

Lá bạch dương có thành phần phong phú: tinh dầu, phytoncide, vitamin C, carotene, glycosides thực vật, tannin, axit nicotinic và các nguyên tố khác. Chiết xuất lá bạch dương được sử dụng như một chất khử trùng và sát trùng, thuốc lợi tiểu và lợi mật.

Lá bạch dương còn được dùng để làm một loại thức uống giàu vitamin: lấy lá non giã nát, đổ nước nóng đun sôi rồi ngâm 4 giờ.

Nước bạch dương không chỉ ngon mà còn có tác dụng bổ dưỡng, khả năng làm tan đá cũng được phát hiện mới đây, do đó loại nước này được sử dụng như một liệu pháp phức hợp trong điều trị chứng sỏi thận.

Nước bạch dương là chất bổ dưỡng nhờ vào thành phần hóa học của nó với sự hiện diện của nhiều chất có giá trị như glucose và fructose, các loại axit được cơ thể hấp thu tốt như axit nicotinic, glutamic, axit aminoacetic.

426 Content Nga11
Lấy nước bạch dương
426 Content Nga12
Nước bạch dương tinh khiết

Chổi bạch dương trong nhà tắm hơi giúp nhanh làm lành vết thương và các vết xây xước, tẩy sạch phát ban và mụn trên da. Sau khi tập thể thao chổi bạch dương sẽ giúp làm bạn giảm đau và căng thẳng trong cơ bắp, nhưng công dụng chính của nó là cải thiện lưu thông khí trong phổi.

426 Content Nga13

Người ta tin rằng mùi hương của bạch dương giúp chữa khỏi u sầu và giải được bùa yểm, nước bạch dương được lấy vào những ngày đặc biệt trong tháng 3 và tháng 4 có thể làm sạch máu.

Nguồn: amadatravel.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga