Hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt của Israel được thiết kế để chống lại "cơn mưa" rocket từ Hamas, tuy nhiên tỷ lệ thành công không phải lúc nào cũng 100%.

Theo Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, phong trào Hamas và các nhóm thánh chiến Palestine ở Dải Gaza đã phóng 2.350 quả rocket vào lãnh thổ Israel, phần lớn trong số đó đều bị phòng không IDF đánh chặn trong ngày 7/10.

Trước đó, chỉ huy nhánh quân sự của Hamas Mohammad Deif tuyên bố phát động chiến dịch nhằm vào Israel và kêu gọi người dân Palestine tham chiến, đồng thời nói thêm rằng Hamas có đến 5.000 quả đạn rocket sẵn sàng phóng vào lãnh thổ Israel.

Tuyên bố của chỉ huy Hamas một lần nữa được chứng minh khi phong trào này tiếp tục phóng 150 quả rocket vào thủ đô Tel Aviv của Israel vào tối 7/10 theo giờ địa phương.

Cũng trong ngày 7/10, nhiều đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hệ thống đánh chặn tên lửa Iron Dome "Vòm Sắt" đánh chặn thành công rocket bắn từ Dải Gaza. Điều này một lần nữa chứng minh Vòm Sắt vẫn vũ khí duy nhất của Israel có thể ngăn chặn các cuộc tấn công rocket.

1 Ten Lua Vom Sat Cua Israel Ngan Chan 2350 Qua Rocket Cua Hamas The Nao

Rocket bắn từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel vào sáng 7/10. (Ảnh: Reuters)

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt là gì?

Đây là hệ thống phòng không đất đối không tầm ngắn gồm 1 radar và nhiều tên lửa đánh chặn Tamir giúp theo dõi và vô hiệu hóa bất kỳ tên lửa nào nhắm vào lãnh thổ Israel.

Hệ thống này được dùng để đánh chặn đạn rocket, pháo và súng cối cũng như máy bay, trực thăng và nhiều máy bay không người lái khác. Hệ thống phòng không đất đối không tầm ngắn giúp theo dõi và vô hiệu hóa bất kỳ tên lửa nào nhắm vào lãnh thổ Israel.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt được Israel phát triển sau chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006, khi tổ chức Hezbollah của Lebanon bắn hàng ngàn quả rocket vào Israel. Một năm sau, Israel thông báo rằng công ty quốc phòng nhà nước Rafael Advance Systems cùng công ty Israel Aerospace Industries sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng không mới để bảo vệ các thành phố và người dân nước này.

Vòm Sắt được đưa vào hoạt động vào năm 2011. Trong khi công ty Rafael tuyên bố tỷ lệ đánh chặn thành công là 90% với hơn 2.000 lần, các chuyên gia lại cho rằng tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 80%.

Qua các cuộc tấn công sáng sớm 7/10 có thể thấy Vòm Sắt bỏ sót nhiều mục tiêu dẫn đến việc một số rocket đánh trúng các mục tiêu quan trọng của Israel.

2 Ten Lua Vom Sat Cua Israel Ngan Chan 2350 Qua Rocket Cua Hamas The Nao

Theo thiết kế, Iron Dome có thể đánh chặn đến 90% các mối đe dọa từ trên không. (Ảnh: Telegraph)

Vòm Sắt hoạt động như thế nào?

Mỗi khẩu đội Vòm Sắt có giá khoảng 50 triệu USD. Đến nay, có 5 khẩu đội (15 bệ phóng) này đang hoạt động, nhưng Israel dự định có thêm 8 khẩu đội nữa.

Khẩu đội Iron Dome bao gồm một radar mảng pha quét điện tử đa năng (AESA) EL/M-2084, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir; hoạt động ở chế độ tự động giám sát tình hình trên không. Tamir là tên lửa phòng không tương đối nhỏ với đầu dẫn đường bằng radar chủ động. Tên lửa đánh chặn Tamir (khối lượng 90kg, dài 3m, đường kính 160mm, tầm bắn 17km, dùng ngòi nổ không tiếp xúc) có giá xấp xỉ 60.000 USD. Tổ hợp được chế tạo theo dạng “container” cho phép vận chuyển và triển khai nhanh chóng.

Sau khi phát hiện mục tiêu và phóng tên lửa, radar giúp tên lửa đến gần mục tiêu, sau đó đầu dò của tên lửa sẽ tự bám bắt mục tiêu để tiêu diệt. Vì rất khó bắn trúng trực tiếp vào mục tiêu, tên lửa đánh chặn trang bị ngòi nổ cảm biến để tự động kích nổ trong vòng 10m quanh mục tiêu, và các mảnh vỡ sẽ phá hủy hỏa tiễn đối phương.

Tỷ lệ tiêu diệt thành công rocket phụ thuộc rất nhiều vào cách tên lửa đánh chặn tiếp cận rocket đối phương.

Đầu tiên, là tiếp cận trực diện, tức bắn đón đầu, là cách hiệu quả nhất. Đầu đạn của tên lửa đánh chặn sẽ ở vị trí tối ưu để tạo lượng lớn mảnh vỡ làm nổ tung đầu đạn hỏa tiễn đối phương.

Thứ hai, là cách tiếp cận từ bên cạnh. Trong kịch bản này, khả năng đánh chặn thành công sẽ giảm, nhưng các mảnh vỡ từ tên lửa đánh chặn vẫn có thể bắn trúng vào đầu đạn của hỏa tiễn.

Thứ ba, cuối cùng là bắn đuổi từ phía sau. Tên lửa đánh chặn sẽ đuổi theo hỏa tiễn từ phía sau và khi phát nổ, các mảnh kim loại có thể bay đến gần đầu đạn của rocket.

3 Ten Lua Vom Sat Cua Israel Ngan Chan 2350 Qua Rocket Cua Hamas The Nao

Cơ chế đánh chặn rocket của Iron Dome. (Đồ họa: BBC)

Cách phòng thủ phí phạm?

Mỗi khẩu đội Vòm Sắt có thể có giá lên đến 50 triệu USD và sẽ tốn khoảng 80.000 USD cho mỗi một tên lửa đánh chặn Tamir. Trong khi đó, một hỏa tiễn chỉ có giá chưa đây 1.000 USD. Không ít trường hợp phải bắn 2 tên lửa Tamir để đánh chặn mỗi rocket tấn công.

Iron Dome có khả năng theo dõi tới 200 mục tiêu bằng rocket không điều khiển (hay đạn pháo) mỗi phút, nhưng trong thực tế, đánh giá kết quả chiến đấu mới đây, thì hiệu suất thấp hơn. Quân đội Israel cho biết 90% tên lửa bay tới không phận Israel đã bị phá hủy bởi Iron Dome, tuy nhiên, còn 10% đã vượt qua nó. Một số báo cáo dẫn lời các nhà phân tích phương Tây cho rằng số lượng lớn đạn pháo bắn vào Israel có thể khiến hệ thống Vòm Sắt bị quá tải.

Hamas đang giải quyết vấn đề vượt qua Vòm Sắt bằng một phương pháp đơn giản - gây bão hòa các kênh dẫn đường và khả năng hỏa lực của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa bằng cách tấn công hàng loạt tên lửa không điều khiển. Washington Post cho biết, một số nhà phân tích quân sự đang nghi ngờ về con số 90% tên lửa bị đánh chặn. Nếu nhóm chiến binh phóng 2.000 tên lửa và 500 tên lửa có nguy cơ đe dọa, thậm chí với tỷ lệ đánh chặn 85% sẽ vẫn có 75 tên lửa rơi vào các khu vực đông dân cư.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện tại Vòng Sắt-Iron Dome chỉ có chức năng che chắn chứ không có khả năng bảo vệ. Hệ thống như Iron Dome phải được bổ sung bằng hệ thống phòng thủ tích cực hơn, chẳng hạn như chủ động tìm kiếm các kho chứa tên lửa và bệ phóng trước khi chúng được sử dụng và ra tay tiêu diệt chúng trước, bằng các cuộc không kích và pháo binh.

Trà Khánh

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga