Hệ thống phòng vệ L370 Vitebsk được Nga lắp cho trực thăng vũ trang và cường kích Su-25, tăng khả năng sống sót trước nhiều loại tên lửa phòng không.

132 1 He Thong Bao Ve May Bay Nga Khoi Ten Lua Tam Nhiet

Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất với trực thăng vũ trang và cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần, những loại phi cơ thường phải hoạt động ở độ cao nhỏ trong vùng chiến sự ác liệt nhất. Các tên lửa này thường sử dụng đầu dò hồng ngoại để bám theo nguồn nhiệt từ động cơ máy bay, không phát ra tín hiệu bám bắt và hoàn toàn vô hình với các hệ thống cảnh báo chiếu xạ trên phi cơ quân sự.

Điều này thúc đẩy các cường quốc phương Tây phát triển những hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận (MWS), chuyên phát hiện nguồn nhiệt từ động cơ tên lửa, cùng với đó là thiết bị chiếu tia hồng ngoại định hướng (DIRCM) và cụm phóng mồi bẫy tự động. Tuy nhiên, công nghệ này hiếm khi xuất hiện trên máy bay Nga, cho đến khi nước này bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria năm 2015.

Sự thiếu vắng biện pháp đối phó MANPADS trên máy bay Nga thể hiện rõ nhất trong chuyến thăm căn cứ không quân Hmeymim ở Syria của Tổng thống Vladimir Putin năm 2017.

Chuyên cơ Tu-214PU của ông chủ Điện Kremlin khi đó được hai tiêm kích đa năng Su-30SM hộ tống với vai trò bẫy nhiệt thu hút đầu dò tên lửa vác vai trong quá trình tiếp cận sân bay và hạ cánh. Các chiến đấu cơ Nga cũng sẵn sàng thả mồi bẫy và dùng chính thân mình đỡ đạn cho máy bay chở Tổng thống.

"Đây là phương án tình thế nhằm giải quyết sự thiếu hụt hệ thống DIRCM trên chuyên cơ, nhất là khi chiến trường Syria đã chứng kiến sự hiện diện của ít nhất ba loại MANPADS gồm 9K32 Strela-2 và 9K310 Igla-1 do Liên Xô sản xuất, cùng FN-6 Trung Quốc", chuyên gia hàng không David Cenciotti nhận xét.

Trực thăng và cường kích Mỹ hiện được bảo vệ bởi hệ thống MWS hoạt động ở phổ tử ngoại, mồi bẫy nhiệt và DIRCM. Quân đội Nga cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự sau những kinh nghiệm thu được trên chiến trường. Ngày càng nhiều trực thăng vũ trang và cường kích Su-25SM3 được trang bị tổ hợp L370 Vitebsk. Tổ hợp này được Viện nghiên cứu Samara phát triển từ đầu thập niên 2010, xuất hiện lần đầu với biến thể xuất khẩu President-S vào năm 2015.

Hệ thống Vitebsk hoàn chỉnh có thể bảo vệ máy bay Nga khỏi tên lửa tầm nhiệt và dẫn đường bằng radar từ khoảng cách rất xa. Nó có thiết kế module với các bộ phận gắn cả trong thân và các giá treo vũ khí bên ngoài của máy bay, cho phép sử dụng tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm chiến trường.

Thành phần trung tâm của Vitebsk là thiết bị điều khiển L370-1, có nhiệm vụ xử lý dữ liệu thu được từ hệ thống cảm biến để tự động kích hoạt thiết bị gây nhiễu và hệ thống phòng vệ khi phát hiện tên lửa lao đến. Nó cũng đồng thời phát cảnh báo đến phi công và cung cấp thông tin về mối đe dọa, cho phép tổ lái lên phương án đối phó và đánh trả.

132 2 He Thong Bao Ve May Bay Nga Khoi Ten Lua Tam Nhiet

Các thành phần hệ thống Vitebsk (khoanh đỏ) trên trực thăng Ka-52 Nga. Ảnh: Russian Planes.

Tai mắt của Vitebsk là cụm cảnh báo chiếu xạ radar kỹ thuật số L150 "Pastel" gắn ở mũi, đầu cánh và đuôi máy bay. Nó hoạt động trong dải tần 1,2-18 GHz, có thể quan sát 360 độ theo chiều ngang và 60 độ theo phương thẳng đứng. Cùng với đó là cảm biến tử ngoại L370-2 và cảm biến laser L140 "Otklik", cho phép phát hiện tín hiệu nhiệt từ tên lửa và chùm laser dẫn đường của đối phương.

Để vô hiệu hóa tên lửa, Vitebsk sử dụng đài gây nhiễu chủ động L370-3S để làm tên lửa dẫn đường bằng radar mất mục tiêu và bay xa khỏi phi cơ, nhưng hệ thống này chưa được trang bị trên các máy bay tiền tuyến.

Vũ khí chính của Vitebsk là đài chế áp hồng ngoại định hướng L370-5. Nó có hình cầu và gắn bên ngoài thân máy bay, gần giống hệ thống bám bắt hồng ngoại và đo xa laser (OLS) trên tiêm kích chiến thuật của Nga. Thiết bị này có khả năng "chọc mù" tên lửa hồng ngoại ở khoảng cách 500-5.000 m, kèm với đó là cụm phóng mồi bẫy nhiệt và radar UV-26 với 32 quả đạn. Mỗi phi cơ có thể trang bị 2-4 cụm UV-26 tùy nhiệm vụ.

Nga cũng đang thử nghiệm mồi bẫy radar chủ động kéo sau cho các máy bay cánh bằng hạng nặng như chuyên cơ tổng thống và vận tải cơ. Nó là bộ phát tín hiệu vô tuyến gắn trên dây cáp dài 150 m, có nhiệm vụ thu hút tên lửa dẫn đường bằng radar rời xa phi cơ cần bảo vệ.

Các trực thăng vũ trang Mi-24, Mi-28 và Ka-52, trực thăng vận tải đa dụng Mi-8 và cảnh báo sớm Ka-31 đang dần được trang bị Vitebsk để tăng khả năng sống sót trên chiến trường.

Vitebsk là thành phần quan trọng trong gói nâng cấp SM3 cho cường kích Su-25 của không quân Nga. Việc lắp đặt được đẩy nhanh với các chiến đấu cơ Su-25SM đời cũ hơn sau vụ phiến quân Syria bắn hạ một chiếc Su-25SM hồi đầu năm 2018.

132 3 He Thong Bao Ve May Bay Nga Khoi Ten Lua Tam Nhiet

Cường kích Su-25SM3 Nga trang bị hệ thống Vitebsk. Ảnh: Russian Planes.

Phiên bản Vitebsk cho Su-25 gồm một đài L-150, ba cảm biến L370-2 gắn gần động cơ và dưới mũi, các cụm phóng mồi bẫy UV-26 và hai đài chế áp L370-3S gắn dưới giá treo vũ khí ngoài cùng, vốn là vị trí lắp tên lửa đối không tầm ngắn R-60M. Quân đội Nga cho biết máy tính điều khiển Vitebsk cũng có thể lấy dữ liệu chiếu xạ để cung cấp tham số mục tiêu cho tên lửa diệt radar Kh-58USh.

Vitebsk liên tục được cải tiến và nâng cấp dựa trên kinh nghiệm thực chiến từ Syria, đồng thời nhiều phiên bản đang được phát triển cho vận tải cơ Il-76, chuyên cơ Il-96-300 và Tu-204 trong đội bay phục vụ Tổng thống Nga và thậm chí là cả máy bay chở khách dân sự.

Ngoài quân đội Nga, hệ thống này cũng xuất hiện trên trực thăng Ka-52 và Mi-17 Ai Cập, Mi-17, Mi-26 và Mi-28 Algeria, cũng như phi đội Mi-8 Belarus.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Vitebsk đã chứng tỏ hiệu quả trong thử nghiệm bắn đạn thật khi "20 quả đạn Igla không thể đánh trúng mục tiêu Mi-8 đang hoạt động". Nó cũng từng thể hiện hiệu quả vào tháng 10/2016, khi một trực thăng Mi-8 vô hiệu hóa thành công tên lửa vác vai do phiến quân Syria phóng lên.

Tiêm kích tàng hình Su-57 cũng được trang bị hệ thống DIRCM dựa trên kinh nghiệm phát triển Vitebsk. Nó nằm trong hệ thống quang - điện tử 101KS Atoll, gồm hai đài chế áp hồng ngoại lắp ở lưng và bụng chiến đấu cơ Su-57, cho phép nó đối phó tên lửa hồng ngoại phóng từ nhiều hướng.

Vũ Anh (Theo Aviationist)

 

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga