Không có điều kiện du học tự túc, nhiều bạn trẻ Bắc Giang quyết tâm 'săn' học bổng bằng thành tích học tập xuất sắc. Tại đất khách, vượt lên những trở ngại về nhiều mặt, các bạn trẻ dần khẳng định bản thân, không chỉ học tập tốt mà còn năng động, hội nhập với bạn bè quốc tế.

Sinh viên, chủ nhà hàng “Xin chào Việt Nam” ở Đài Loan

Cuối tháng 11/2021, Phạm Hồng Thủy (SN 1999) vui mừng được bình chọn là sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Đông Nam, TP Tân Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là phần thưởng dành cho sinh viên nước ngoài nên càng quý giá với chàng sinh viên quê ở bản Đồng Bông, xã Tân Hiệp (Yên Thế).

1 Du Hoc Sinh Hoi Nhap Tren Dat Khach

Nhà hàng "Xin chào Việt Nam" của Phạm Hồng Thủy.

Thủy là thí sinh có điểm khối C cao nhất tỉnh (27,75 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, ở nhà chỉ có Thủy và em gái tự bảo ban nhau ăn học. 12 năm liên tiếp, Thủy là học sinh giỏi, giành giải Nhì năm học lớp 11, giải Nhất năm học lớp 12 trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.

Xác định mục tiêu du học Đài Loan để được gần bố mẹ nên tốt nghiệp THPT, Thủy quyết tâm dành ba tháng tự học tiếng Trung Quốc qua youtube và làm hồ sơ xin học bổng từ các trường đại học ở Đài Loan. Thủy “bật mí”, bộ hồ sơ ứng viên du học đẹp không chỉ thể hiện ở bảng điểm mà còn phải chứng minh được năng lực bản thân.

Chẳng hạn như Thủy có 12 năm làm lớp trưởng, "thủ lĩnh" của nhiều phong trào như: “Thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi”, “Giúp bạn cùng tiến” nên có khả năng làm việc nhóm, tổ chức hoạt động phong trào. Việc nghiên cứu chọn trường, chọn ngành học phù hợp cũng rất quan trọng bởi đã có bạn sau thời gian du học không giữ được thành tích, bị cắt học bổng, phải vất vả lo chi phí ăn học, tệ hơn là phải về nước sớm.

2 Du Hoc Sinh Hoi Nhap Tren Dat Khach

Phạm Hồng Thủy (bên trái) tại lễ vinh danh sinh viên xuất sắc.

Năm 2018, Thủy được nhận học bổng du học tại Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Đông Nam. Đây là một trong những trường đại học tốt nhất ở Đài Loan, thu hút hàng nghìn sinh viên từ nhiều quốc gia theo học. Dù có sự chủ động chuẩn bị song nhiều khó khăn xảy ra khi vừa đặt chân đến xứ lạ. Nơi Thủy học và chỗ bố mẹ làm cách xa hàng trăm km nên em vẫn phải tự lập cuộc sống. Rồi sự khác biệt về phong tục, tập quán, thức ăn có nhiều vị ngọt, dầu mỡ rất khó ăn khiến Thủy sút cân.

So với ở quê nhà, việc học ở đây khác nhiều. Các phòng học lý thuyết, thí nghiệm có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nhất là ứng dụng công nghệ giúp việc tra cứu dữ liệu về ngành học một cách dễ dàng. 4 năm qua, Thủy liên tục khẳng định kết quả học tập xuất sắc, thường xuyên được nhà trường vinh danh và duy trì cấp học bổng.

Cách đây hai năm, chàng sinh viên quê Yên Thế còn có quyết định táo bạo là mở quán ăn “Xin chào Việt Nam” phục vụ học sinh người Việt. Thủy thuê nhân viên phụ giúp và bán hàng ngoài giờ học. Giữa trung tâm TP Tân Bắc nhộn nhịp, nhà hàng được trang trí ấn tượng với nhiều cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Bác Hồ treo trang trọng.

Ông chủ trẻ khoe, nhiều bạn trẻ mới sang chưa quen đồ ăn nên em mở cửa hàng để phục vụ người Việt. Quán phục vụ những món ăn truyền thống với thực đơn gần 20 món như: Cơm, bún đậu mẹt, phở bò, gỏi cuốn, nem rán, bánh mỳ, gà xáo gừng, cá kho tộ… Chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học, Thủy cho biết sẽ sắp xếp thời gian để bảo đảm kết quả học tập tốt, duy trì quán ăn "Xin chào Việt Nam", góp phần tạo thêm thu nhập và lan tỏa ẩm thực của người Việt trên đất khách.

Chọn nước Nga bởi muốn tìm hiểu lịch sử thế giới

Năm nay là lần đầu tiên Nguyễn Thị Trang (SN 2002), cựu học sinh lớp chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Bắc Giang đón Tết xa nhà. Sống và học tập ở TP Saint Petersburg (Nga), cô sinh viên năm nhất chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị Các dân tộc Nga đang dần làm quen với môi trường học tập mới.

Gia đình ở thôn Trung, thị trấn Tân An (Yên Dũng), bố mẹ làm ruộng, dưới Trang còn hai em song từ khi học Trường THPT Chuyên Bắc Giang, cô bé thường xuyên có kết quả học tập xuất sắc, được nhận học bổng của trường.

Ba năm học THPT, Trang đều là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Không có điều kiện tham gia chương trình du học theo diện tự túc như nhiều bạn, từ năm lớp 10, Trang đã lập kế hoạch học thật tốt để có cơ hội xin học bổng từ nguồn tài trợ của Chính phủ Việt Nam và Nga

3 Du Hoc Sinh Hoi Nhap Tren Dat Khach

Nguyễn Thị Trang (thứ ba từ trái sang) cùng các bạn du học sinh quốc tế trong một buổi ngoại khóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc tại Nga.

Từng nghe nhiều anh chị khóa trên chia sẻ gặp không ít rắc rối, thậm chí bị nhiều trường đại học từ chối hồ sơ do ứng viên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử nên Trang chủ động liên hệ với một số cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang đang học tại Nga nhờ tư vấn, hỗ trợ.

Trong hồ sơ đăng ký du học của Trang, “tài sản” gồm chứng nhận giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, một số hoạt động trải nghiệm. Phần giới thiệu bản thân, Trang chia sẻ gia đình ở nông thôn, thu nhập eo hẹp, bố mẹ phải chật vật xoay sở để trang trải cuộc sống, nuôi dạy 3 chị em ăn học. Vì vậy Trang mong muốn viết tiếp ước mơ của bố mẹ mở rộng hiểu biết về thế giới bao la tươi đẹp.

Nhận được thông báo giành học bổng toàn phần (mức 450 USD/tháng) từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga từ giữa năm 2020 nhưng do dịch bệnh nên tháng 4/2021, Trang mới đặt chân đến nước Nga, bắt đầu những ngày tháng trải nghiệm cuộc sống mới. Nữ sinh kể, suốt những năm phổ thông em học môn Tiếng Anh, nay làm quen với ngôn ngữ mới nên khá bỡ ngỡ.

Về lý do chọn học tại Nga, Trang cho hay vốn là “dân chuyên Sử” nên những bài học trên lớp đã truyền cảm hứng tình yêu nước Nga với quá khứ hào hùng, tinh thần đoàn kết, đấu tranh giải phóng dân tộc. “Em rất ngưỡng mộ văn hóa đọc của người dân xứ sở Bạch Dương.

Không khó để bắt gặp hình ảnh cụ già, người trưởng thành hay một sinh viên đang ngồi tranh thủ đọc sách trong công viên, nhà ga, trên phương tiện giao thông công cộng. Tại trường đại học, em đặc biệt ấn tượng các tòa nhà cổ kính, thư viện rộng lớn chứa hàng triệu đầu sách đồ sộ mà đi bộ cả ngày không hết”, Trang kể.

Thành phố nơi Trang sống và học tập mang vẻ đẹp thơ mộng hiện còn lưu giữ nhiều kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử liên quan đến Cách mạng Tháng Mười, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (trước đây) và Lãnh tụ Lê-nin... Ngoài những lúc học bài, tranh thủ khoảng thời gian rảnh, Trang cùng bạn tham quan những địa danh nổi tiếng và dần cảm thấy yêu mảnh đất, con người nơi đây.

Học tập ở nước ngoài khiến nữ sinh phải tự lập, cố gắng hòa nhập với bạn bè quốc tế. Trong lớp không chỉ có người Nga mà còn nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ. Từ nước Nga xa xôi, Trang chia sẻ: “Để được duy trì học bổng suốt 4 năm học, sau mỗi học kỳ, sinh viên phải gửi minh chứng kết quả học tập về Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; nếu không đạt sẽ bị ngưng tài trợ.

Đây là điều kiện bắt buộc, đòi hỏi mỗi sinh viên phải nỗ lực học tập không ngừng”. Hiện Trang đang học thêm tiếng Nga nâng cao để từ năm thứ hai sẽ tham gia thực hiện các dự án khoa học về lịch sử thế giới.

Trang chia sẻ khi có mục tiêu, động lực quyết tâm và phương pháp học phù hợp thì mọi cố gắng đều mang lại thành quả. Nếu các bạn trẻ muốn trải nghiệm cuộc sống ở một quốc gia khác thì nên mạnh dạn tìm hiểu, chuẩn bị hành trang tìm kiếm học bổng ngay từ khi học phổ thông.

Mai Toan

Nguồn: Báo Bắc Giang

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga