Một gia đình người Việt gốc Hoa ở Little Saigon, cả nhà bị trầm cảm, ông chồng từng tự tử, mọi người tuyệt vọng, nhưng “nhờ COVID-19,” họ cảm thấy cuộc đời thanh xuân hơn.

132 1 Nho Covid 19 Mot Gia Dinh Tranh Xa Duoc Tram Cam

Ông Jimmy Wong và vợ, bà Xuân Lê (trái), cùng một người bạn chuẩn bị đi làm từ thiện. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Đó là câu chuyện gia đình ông Jimmy Wong, cư dân Garden Grove.

Vừa nghe mục đích của buổi gặp, ông Jimmy Wong vui vẻ nhận lời, cùng với câu nói: “Tôi sẵn sàng chia sẻ.”

Ông và ba người nữa trong gia đình đang phải chiến đấu lấy lại cuộc sống bình thường theo cách “bình thường mới” trong xã hội giữa đại dịch COVID-19. Họ là những người đang mắc căn bệnh trầm cảm.

“Họa vô đơn chí”

Để cho buổi nói chuyện được mạch lạc, tự nhiên, ông Jimmy chọn một khung cảnh và thời gian mà ông biết lúc đó không có nhiều người, cùng với một chỗ ngồi khá kín đáo. Người đàn ông ngoài 50 tuổi, nụ cười hiền trên gương mặt nhìn mãi không thấy nét nào của người… muốn chết. Vậy mà, đây là người từng dốc cả nắm thuốc cao máu để tự kết liễu mình chỉ vì “thấy mình vô dụng.”

Cổ nhân nói “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” quả thật không sai nếu vận dụng vào cuộc đời ông Jimmy, và gia đình của ông.

Năm 2014, chưa hưởng trọn nỗi vui khi tìm được việc làm trong siêu thị AA, đường Harbor, Garden Grove, thì tai họa bất ngờ ập đến. Trong một lần đang chất đồ lên chiếc kệ cao trong chợ, ông Jimmy bị hụt chân, té ngã. Cánh tay phải chống xuống đất. Xương cổ tay gãy ngang. Ông trải qua bốn lần giải phẫu. Cho đến nay, trong cổ tay phải vẫn còn hai thanh sắt và 10 con ốc. Những thứ này sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể ông.

Cánh tay phải của ông không những không thể co giãn bình thường mà mất hoàn toàn sức lực.

“Tôi cố gắng tìm công việc khác. Tôi không phải người kén chọn nghề nghiệp vì mình hiểu hoàn cảnh của mình là không có bằng cấp. Nhưng bây giờ việc nặng, cần dùng sức thì tôi không làm được. Việc nhẹ thì tôi không đủ tiêu chuẩn,” ông Jimmy chậm rãi nói, ánh mắt nhìn thẳng người đối diện.

132 2 Nho Covid 19 Mot Gia Dinh Tranh Xa Duoc Tram Cam

Ông Jimmy Wong, người từng “nốc hết thuốc,” nhưng thần chết vẫn tha mạng. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Sau nhiều lần tìm việc không thành, ông bắt đầu tuyệt vọng. Cuộc sống khó khăn chồng chất khi tất cả thu nhập trong gia đình chỉ còn dựa vào mức lương của người vợ. Nỗi chán nản, thất vọng, cộng với lòng tự trọng của một người đàn ông Việt gốc Hoa làm ông Jimmy có suy nghĩ tiêu cực.

Ông kể: “Lúc đó tôi nhìn mình là hình ảnh một người đàn ông không đi làm được. Với một người gốc Hoa, đó là sự thất bại nặng nề. Tôi vốn bị thêm bệnh cao máu. Buổi tối hôm đó, nhìn hộp thuốc, tâm trạng trống rỗng và không hề có chút lo sợ, tôi uống hết số thuốc đang có.”

Nhưng, thần chết chưa gọi tên ông.

Bệnh chồng bệnh

Ông được cứu sống, và cũng từ đó, ông nhận ra “có lẽ mình mắc bệnh trầm cảm.”

“Tôi bắt đầu tìm đến các bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, ai cũng khuyên tôi nên tìm một ngành nào đó đi học, vừa thoát khỏi sự chán nản, vừa chuẩn bị cho một cuộc sống khác. Nhưng làm sao tôi có thể học được với tinh thần như thế?” ông Jimmy nói.

Vẫn với giọng kể từ tốn, ông nói tiếp: “Những năm đầu tiên sau khi bị tai nạn, thất nghiệp, tôi còn một niềm an ủi thấy mình hữu dụng là chở đứa con trai út đi học đại học UC Irvine. Tôi chở con đi học từ 9 giờ sáng, ngồi trong xe chờ đến 4 giờ chiều nó học xong thì tôi chở về. Tôi vui vì tôi giúp được con của mình.”

Nhưng, niềm vui đó, tan nhanh.

Thiên Đức Wong, đứa con trai út vốn là niềm tự hào, là kỳ vọng của gia đình, bị đuổi ra khỏi ngôi trường danh tiếng sau một năm học vì “thường xuyên không làm bài tập.”

“Con trai tôi vốn bị trầm cảm từ những năm trung học. Vì sao lại như vậy thì cho đến giờ tôi không có câu trả lời. Mỗi lần tôi hỏi đến việc học của cháu thì cháu chỉ nói ‘ok’ nhưng khi kết quả học tập gửi về thì điểm rất thấp,” ông Jimmy nói, hai bàn tay nắm chặt vào nhau.

132 3 Nho Covid 19 Mot Gia Dinh Tranh Xa Duoc Tram Cam

Ông Jimmy Wong và vết thẹo trên tay. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

Cơn đại dịch xảy ra. Hung thủ vô hình COVID-19 một lần nữa đẩy ông Jimmy và gia đình ông vào con đường cụt. Trường học đóng cửa. Học sinh học online. Nhiều nơi công việc bị cắt giảm, trong đó có vợ ông, bà Xuân Lê, người giữ thu nhập chính trong gia đình.

Người phụ nữ gầy gò, mái tóc kẹp gọn phía sau, ánh mắt có lúc mang vẻ vô hồn, có lúc lại ngập đầy nước mắt, nói nhỏ như… không thể nhỏ hơn: “Tôi không phải là người đầu tiên trong gia đình đi bác sĩ tâm lý. Mà đó là thằng con trai út của tôi. Một buổi trưa, khi đang làm việc, tôi nhận được cú điện thoại từ trường học của Thiên Đức Wong khi đó đang học lớp 12.”

Bà chậm rãi kể tiếp chuyện của hơn năm năm trước: “Nhà trường nói con tôi tự tử. Tôi chạy vội đến trường, thấy con mình ngồi một góc khóc nức nở. Tôi cũng òa khóc, chỉ biết ôm lấy con mình. Sau đó, nhà trường đưa cháu đi bác sĩ tâm lý. Một tuần đi hai lần. Lúc đó tôi mới biết con mình bị trầm cảm.”

Từ đó, theo lời bà Xuân kể, Thiên Đức gặp nhiều bác sĩ tâm lý khác nhau, nhưng không nơi nào cậu con trai của bà “đi đến nơi đến chốn.”

“Cho đến hôm nay nó hoàn toàn không đi bác sĩ nữa. Nó cũng không có bạn bè nào, suốt ngày ở trong phòng, trừ khi đi học. Bây giờ trường học đóng cửa thì ở trong phòng học online. Tôi với con tôi cũng bất đồng ngôn ngữ. Nó nói mình không hiểu, để cho nó hiểu, mình không biết nói thế nào,” bà nói.

Phận đàn bà vất vả, hai vai gồng gánh gia đình có vẻ đã chưa “thỏa mãn” trò đùa của số phận.

Trở lại câu chuyện của mình, bà Xuân kể về hành trình “chạm ngõ” căn bệnh trầm cảm của bà, đến giờ chưa dứt được.

“Thời đó, khoảng năm 2000, cuộc sống gia đình chúng tôi rất khó khăn. Khi có đứa con thứ hai, tôi nhận làm ba việc. Hai đứa con của tôi cách nhau 6 năm tuổi,” bà nói.

Bà Xuân kể, suốt gần 10 năm, có khi bà nhận làm ba việc khác nhau.

Thời gian làm việc của bà có ngày bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc… 4 giờ sáng hôm sau. Có những khi chạy xe, bà chỉ mong đèn đỏ lâu một chút để được chợp mắt.

“Tôi thương con, thương chồng, cố gắng làm để lo cho chồng, cho con đầy đủ, nhất là thời gian anh Jimmy bị tai nạn. Có những ngày mệt mỏi, tôi trốn một góc và ngồi khóc. Không ai biết tôi khóc. Không ai biết tôi mệt mỏi,” bà Xuân nói với đôi mắt đỏ hoe.

Khó khăn chồng chất theo ngày tháng, không có người chia sẻ. Sự sống từ lúc nào đã trở thành một điều “không chấp nhận được” trong tiềm thức của bà.

“Lúc đó, suy nghĩ không muốn sống nữa luôn xuất hiện trong đầu tôi. Tôi đi bác sĩ. Bác sĩ hỏi chuyện và nói tôi vốn có tiền sử bệnh trầm cảm, nhưng chỉ khi đúng thời điểm, nó mới bộc phát,” bà nói.

132 4 Nho Covid 19 Mot Gia Dinh Tranh Xa Duoc Tram Cam

Bà Xuân Lê, vợ ông Jimmy Wong. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Tìm ý nghĩa trong cuộc sống

Bản thân bà cũng từng gặp vài bác sĩ tâm lý. Nhưng có lẽ chữa tâm lý cũng như chọn vợ chọn chồng, phải đúng người “có thể nói,” làm cho mình có thể “bung” ra hết những con sâu đang gặm nhấm suy nghĩ của mình.

Tại Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, bà Xuân gặp được Bác Sĩ Tâm Lý Paul Hoàng. Bên cạnh những toa thuốc bắt buộc phải có, điều mà Bác Sĩ Paul mong muốn ông Jimmy và bà Xuân thực hiện là: “Tìm ý nghĩa trong cuộc sống.”

“Khi chữa trị cho bệnh nhân, tôi tập trung vào mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống. Để làm được điều đó thì bạn cần làm gì? Những tâm bệnh dạng nhẹ thì mình tìm phương pháp để hồi phục. Trường hợp của ông Jimmy vì không phải 100% tàn phế nên không xin được tiền bệnh,” Bác Sĩ Paul nói.

Ông cho biết khoảng sáu tuần lễ nay, ông giới thiệu vợ chồng ông Jimmy Wong tham gia công việc phát cơm thiện nguyện vào mỗi sáng Thứ Bảy. Những phần ăn nóng được chuẩn bị sẵn, các thiện nguyện viên sẽ mang đến những gia đình có người lớn tuổi không có điều kiện ra ngoài trong mùa COVID-19.

Đối với bà Xuân, sau gần 20 năm “lặn lội thân cò khi quãng vắng,” giờ đây bà chấp nhận buông bỏ.

“Khoảng năm năm trở lại đây, tôi chỉ còn làm một công việc. Tôi thấy mình đã buông được nhiều. Mặc dù tôi vẫn chu toàn cho gia đình chồng con, nhưng tôi thấy tinh thần mình đỡ hơn nhiều lắm,” bà Xuân nói.

Phương pháp tập “buông bỏ,” cộng với chia sẻ niềm vui, khó khăn với người khác, chính là những việc giúp cho những người như ông bà Jimmy Wong nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời.

Trầm cảm cũng từ đó mà dần dần bỏ đi, trả lại cho con người một cách sống “bình thường mới.” [đ.d.] Keyword : insurance, ô tô, car, real estate, stock, share price, điều hòa, bảo hiểm, bất động sản, air-conditioner

Nguồn: Người việt

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga