Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và đáp ứng nhu cầu được tiêm vaccine phòng COVID-19 của các đối tượng không thuộc nhóm ưu tiên, đề xuất chủ động nhập và thu phí vaccine dịch vụ của một số bệnh viện tư nhân nhận được nhiều ủng hộ.  

Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bà Phạm Thị Thanh Mai - Giám đốc điều hành Bệnh viện (BV) Pháp Việt (FV) kiến nghị Bộ trưởng cho phép BV thu phí dịch vụ tiêm chủng và chủ động tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế đang xem xét

Lý do đưa ra kiến nghị này được bà Mai lý giải là do FV là cơ sở y tế tư nhân, trong cuộc chiến chống COVID-19, BV đang hoạt động theo mô hình tách đôi, BV phải tạm dừng các hoạt động của một số bộ phận khác để điều chuyển nhân sự ưu tiên cho công tác tiêm chủng đang vô cùng cấp bách.

Trong việc tiêm chủng, đơn vị này phải tự huy động ngân sách của chính mình để mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng, bao gồm hệ thống trữ lạnh âm sâu và kho lạnh để bảo quản vaccine; trả lương cho y bác sĩ, điều dưỡng; chi phí cho các hoạt động phụ trợ…

Do đó, việc thu phí là điều kiện cần thiết để giúp FV cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung.

Ngoài ra, dựa trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng chống COVID-19, bà Mai cho biết thông qua các mối quan hệ ngoại giao, BV FV đã có nguồn mua vaccine nên đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vaccine bằng chính nguồn tài chính của BV.

Đây sẽ là một kênh hỗ trợ tăng thêm vaccine trong nước và góp phần giảm nhẹ ngân sách nhà nước.

Hiện tại, chỉ với ba điều dưỡng, một bác sĩ cùng với một nhóm nhân viên hành chính, BV FV đã có thể tiêm 800 mũi/ngày. Như vậy, với nhân lực điều dưỡng có chứng chỉ tiêm vaccine, BV FV có thể tổ chức tiêm đến 10.000 người trong một ngày góp phần cùng TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân.

Nên quy định mức trần

Đề xuất của BV FV nhận được khá nhiều ủng hộ từ giới chuyên gia, tuy nhiên đi kèm với ý kiến ủng hộ cũng không ít băn khoăn quanh đề xuất này.

Theo một chuyên gia xin giấu tên, ông ủng hộ việc tiêm vaccine miễn phí nhưng chi phí tổ chức tiêm, vật tư tiêu hao không ít, công sức của rất nhiều y bác sĩ bỏ ra khá nhiều.

Theo ông, trong quý III và quý IV lượng vaccine về dồi dào hơn nên việc cho y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch vaccine là rất cần thiết.

1 Tiem Dich Vu Vaccine Ngua Covid 19 Duoc Khong

Tiêm vaccine COVID-19 tại BV FV. (Ảnh do BV cung cấp)

Đối với khối y tế công, chi phí vật tư tiêu hao, công khám sẽ có cơ chế mua sắm công, nghĩa là ngân sách sẽ chi các khoản bổ sung. Nhân lực, các lực lượng chống dịch được trả lương và hỗ trợ bởi ngân sách trung ương và địa phương. Nhưng khối tư nhân lại không, vì vậy đề xuất thu chi phí tiêm là việc bù đắp khá chính đáng.

Việc huy động này sẽ tận dụng được toàn bộ sức mạnh của ngành y tế cả công lẫn tư trong chính sách tiêm vaccine của Nhà nước. Đồng thời, giảm tải cho hệ thống y tế công, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng Bộ Y tế nên xem xét mức giá trần phù hợp (phí tiêm chủng) để việc tiêm vaccine được nhanh hơn nữa, có quy định cụ thể tránh để các BV tư nhân lạm dụng tăng giá quá mức.

“Bộ Y tế nên xây dựng hệ thống quản lý data base dữ liệu để kiểm soát ai tiêm rồi, ai chưa tiêm, hệ thống tiêm chủng cập nhật thống nhất sẽ dễ quản lý. Về việc nhập vaccine dựa vào mối quan hệ của các BV nên là việc tất yếu từ lâu, vì đây là cái chung” - vị chuyên gia này nói.

Bên cạnh việc ủng hộ thu phí dịch vụ tiêm chủng ở các BV tư nhân, các chuyên gia cũng băn khoăn việc cho BV tư nhân thu phí, nếu không hợp lý sẽ tạo nên sự so đo giữa các BV.

Về kiến nghị của BV FV, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết bộ đang xem xét các kiến nghị và sớm có chỉ đạo chính thức để FV tham gia vào nhiệm vụ tiêm chủng đang vô cùng cấp bách.

BÁCH AN

Nguồn: plo.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga