Nghe tin 1.200 công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng bị chấm dứt hợp đồng lao động, công ty Thuận Phương đến tận nơi phát tờ rơi tuyển dụng mà không gom được người nào.

1 Nhieu Doanh Nghiep Tuyen Nguoi Khong Duoc Nghin Cong Nhan Mat Viec Di Dau

Công nhân mất việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển người làm (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Ngày 2/12, tại tọa đàm "Tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM) tổ chức, các doanh nghiệp ngành dệt may, chế biến gỗ cho biết, chưa năm nào khó khăn như năm nay, tình hình xoay chuyển rất đột ngột.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas) cho biết, ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, đơn hàng tới tấp, ngành dệt may bật lên, đặc biệt ngành sợi có thể nói là "thắng lớn".

Nhưng chỉ vài tháng sau, đơn hàng hết, hàng tồn kho rất nhiều mà không có nơi mua, nhà máy chỉ có thể sản xuất cầm chừng vì mặt hàng dệt may lưu trữ nhiều trong kho rất khó khăn, nhất là mặt hàng sợi cotton.

Chính vì hiện tượng đơn hàng giảm như trên mà nhiều doanh nghiệp 2 ngành hàng này đã phải cho thôi việc hàng loạt công nhân, giảm giờ làm, không tăng ca trong thời gian qua.

Bà Tuyết Mai cho biết: "Các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức để giữ công nhân vì tuyển người rất khó. Sau dịch Covid-19, chúng tôi đã tốn kém rất nhiều để tuyển công nhân, bây giờ cho công nhân nghỉ rồi qua Tết có đơn hàng thì biết kiếm đâu ra người làm? Tình thế quá khó khăn thì doanh nghiệp mới phải chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân".

Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động đang diễn ra khá lạ lùng.

Ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty may thêu Thuận Phương cho biết: "Nghe tin gần 1.200 công nhân của công ty Tỷ Hùng mất việc, chúng tôi đến phát tờ rơi tuyển dụng mà không tuyển được người nào".

2 Nhieu Doanh Nghiep Tuyen Nguoi Khong Duoc Nghin Cong Nhan Mat Viec Di Dau

Ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty may thêu Thuận Phương nêu thắc mắc tại tọa đàm (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Vũ Trọng Hiền cho biết, do công ty Thuận Phương có nhiều đơn hàng và vị trí xưởng sản xuất gần địa bàn quận Bình Tân nên nếu tuyển được công nhân mất việc ở Tỷ Hùng sẽ thuận lợi cho cả Thuận Phương và người lao động.

Khi nghe tin công ty này thông báo chấm dứt hợp đồng với hàng nghìn công nhân vào đầu tháng 11, bộ phận nhân sự của Thuận Phương đã đến đây phát tờ rơi tuyển dụng. Đến ngày chính thức chấm dứt hợp đồng là ngày 1/12, công ty Thuận Phương cũng trực tiếp đến Tỷ Hùng tuyển người nhưng kết quả là không tuyển được ai.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM) cho biết, khi các công ty như Tỷ Hùng, Việt Nam Samho… thông báo cho nghỉ việc hàng nghìn công nhân, Sở LĐ-TB&XH cùng các đoàn thể đã tiến hành kết nối cung cầu, tìm việc mới cho công nhân mất việc. Tuy nhiên, trong hơn 2.000 lao động mất việc của 2 công ty này, Sở chỉ giới thiệu việc làm mới cho 770 người.

"Không phải mình không thể giới thiệu việc làm mới cho nhiều người hơn mà là người lao động có nhiều lựa chọn khác. Có người quyết định về quê nghỉ ngơi cùng người thân dài ngày hơn, có người chuyển sang làm thời vụ chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần, có người chuyển về tỉnh làm việc…", bà Trúc cho hay.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự và An toàn công ty TNHH Interwood Việt Nam cho biết, hiện công nhân đang xuất hiện tâm lý hậu Covid-19, thay đổi nhiều trong suy nghĩ, không muốn gắn bó với công việc ổn định lâu dài.

Nhiều công nhân lớn tuổi khi mất việc đều có tư tưởng chuyển sang làm thời vụ để được lãnh bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần… rồi tìm sinh kế khác. Họ không còn quá mặn mà với công việc ổn định lâu dài ở các xí nghiệp.

3 Nhieu Doanh Nghiep Tuyen Nguoi Khong Duoc Nghin Cong Nhan Mat Viec Di Dau

Ông Võ Văn Hùng, Cố vấn kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam chia sẻ tình hình lao động tại công ty mình (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Võ Văn Hùng, Cố vấn kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam, thực tế có tình trạng nhiều công nhân lớn tuổi, đóng bảo hiểm xã hội khoảng 15 năm là muốn nghỉ việc để lãnh bảo hiểm xã hội một lần.

Tại công ty của ông những tháng gần đây, khi tình hình đơn hàng khó khăn, công ty xúc tiến thỏa thuận với công nhân, có chính sách hỗ trợ cho người lao động thôi việc trên tinh thần tự nguyện thì có rất nhiều công nhân lớn tuổi tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc để được nhận tiền hỗ trợ. Sau đó, họ tìm việc làm tạm thời, chờ đủ năm để lãnh bảo hiểm xã hội một lần.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga