Bộ Quốc phòng Mỹ vừa lên kế hoạch sử dụng các tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) có thể triển khai các thiết bị lặn không người lái dưới biển (UUV) để săn lùng và có thể tiêu diệt tàu ngầm của đối phương, tạo ra xu thế mới trong chiến tranh dưới mặt nước.

 

132 1 Uuv Mang Ngu Loi Co The Tro Thanh Moi De Doa So 1 Cua Tau Ngam

Các tàu ngầm sẽ e dè trước sự lợi hại của vũ khí kết hợp này. (Nguồn: National Interest)

Xu thế chiến tranh tương lai?

Hải quân Mỹ đang dần biến kế hoạch này trở thành hiện thực trong tương lai. Một mặt, các thiết bị UUV có thể tấn công các hệ thống tàu ngầm hiện đại từ mọi phía, khiến chúng bị đánh chìm dễ dàng hơn và ngày càng “lạc hậu hơn”. Mặt khác, sự phát triển của các UUV có thể củng cố sức mạnh của hạm đội tàu ngầm hiện có, cũng như dễ dàng thích ứng với những đổi mới quân sự mang tính đột phá. Tương lai của Hải quân Mỹ sẽ bước sang trang mới nếu những ý tưởng mới này nhanh chóng thành hiện thực.

Thật ra, ý tưởng sử dụng thiết bị lặn không người lái phóng UUV từ tàu ngầm đã có từ khá lâu. Trong Thế chiến II, các lực lượng hải quân đã sử dụng kĩ thuật định vị bằng dấu vết hoặc phương pháp định vị thủy âm (acoustic homing) để xác định đối tượng. Ngư lôi dẫn đường có dây cũng đã từng được giới thiệu vào những năm 1960, cho phép tàu ngầm kiểm soát mục tiêu và truyền thông tin ngược về tàu chỉ huy

Cả Mỹ và các quốc gia đang cạnh tranh với họ ráo riết theo đuổi kế hoạch khai thác tiềm năng của các UUV, trước hết là phục vụ cho săn lùng và tiêu diệt các tàu ngầm và thiết bị lặn khác. Mỹ đã sử dụng các thiết bị lặn không người lái như vậy trong nhiều năm, mặc dù tại thời điểm này khả năng áp dụng vào thực chiến còn nhiều hạn chế, chúng vẫn làm nhiệm vụ giám sát và thu thập thông tin trong môi trường dưới biển rất hiệu quả.

Được biết,Trung Quốc cũng đã thử nghiệm các UUV với khả năng lặn sâu mà không cần động cơ đẩy. Đồng thời, quân đội Trung Quốc cũng đang nghiên cứu tích hợp các UUV vào mạng lưới thiết bị cảm biến dưới biển, tạo ra “Vạn Lý Trường Thành dưới nước” có khả năng phát hiện và ngăn chặn tàu ngầm đối phương.

Ngư lôi + UUV = Hoàn hảo

Hiện nay, các kĩ sư đang hướng đến thiết kế các ngư lôi kết hợp với UUV và hoạt động gần như một tên lửa hành trình. Tàu ngầm sẽ bắn chúng thẳng tới mục tiêu thông qua cơ chế tự động hoặc nhận lệnh từ trung tâm điều khiển.

Những UUV này có khả năng bám đuôi và tiêu diệt tàu ngầm diesel- điện, thậm chí cả những phương tiện sử dụng công nghệ động cơ AIP. Chúng có thể hoạt động yên tĩnh hơn so với tàu ngầm có người lái, với thời gian lặn lâu hơn. Ngoài ra, thay vì chủ động “săn tìm” đối phương, chúng có thể chỉ cần nằm phục kích cho đến khi "con mồi" đến gần.

Hải quân Mỹ hy vọng sẽ sử dụng các UUV nhỏ gọn, có khả năng phóng từ ống phóng ngư lôi, nhằm mục đích thu thập dữ liệu và xây dựng một bản đồ địa hình dưới biển tương tự các vệ tinh, radar và UAV thực hiện trên cạn. Với việc sử dụng cả hệ thống định vị siêu âm dưới nước (sonar) thụ động và chủ động, UUV có thể tiến hành khảo sát khu vực xung quanh, cũng như cố gắng phát hiện bất kỳ mối đe dọa nào đối với tàu mẹ

Sau khi xác định chắc chắn mối đe dọa trước mắt, các UUV có thể “soi” mục tiêu bằng hệ thống sonar chủ động, truyền dữ liệu đến tàu mẹ để đưa ra quyết định xử lí mục tiêu. Dựa vào đặc điểm đó có thể thấy, UUV có khả năng mở rộng phạm vi tác chiến của các mẫu hạm tấn công, cũng như xử lý các mối đe dọa trong khu vực nó phụ trách.

Lợi có thể bất cập hại

Hiệu quả của công nghệ UUV phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ tín hiệu hiện đại trong việc duy trì liên lạc và độ chính xác thông tin mà nó truyền tải, do đặc điểm hoạt động ở môi trường nước không hề đơn giản hơn so với trên cạn. Hơn nữa, đây cũng là con dao hai lưỡi vì đối phương cũng có thể bắt được tín hiệu truyền tin, vô tình làm lộ vị trí của tàu mẹ. Hơn nữa, các UUV tích hợp công nghệ sonar cũng làm tàu mẹ dễ bị phát hiện, tạo cơ hội cho kẻ địch dễ dàng tấn công.

Các máy bay không người lái tiên tiến hoạt động ở khoảng cách xa hơn so với tàu mẹ yêu cầu các thông số thiết kế kĩ thuật phải đảm bảo chuẩn xác hơn rất nhiều so với thông thường. Vấn đề này tương đối phức tạp đối với các thiết bị chiến đấu tự động trên cạn gặp, trong khi, đây lại là môi trường nước, nên việc trao đổi thông tin rất dễ bị gián đoạn hoặc tín hiệu kém. Đôi khi cũng xảy ra trường hợp mất quyền kiểm soát hay “lạc mất” các UUV khi đang làm nhiệm vụ ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất.

Với những tiến bộ về thông tin liên lạc và trí tuệ nhân tạo, việc triển khai một lực lượng ngư lôi sát thủ có khả năng chờ đợi con mồi dưới nước trong khoảng thời gian dài là hoàn toàn khả thi. Đồng thời hỗ trợ khả năng tấn công của các tàu ngầm hạt nhân hoành tráng khác của Hải quân Mỹ, giành lại vị thế cường quốc quân sự dưới biển trong thời kì các tàu ngầm AIP mini yên tĩnh lên ngôi.

 

Hữu Phúc

(Theo National Interest)

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga