Không chỉ "cởi trói" ngũ cốc Kiev, hai thỏa thuận ngũ cốc được ký tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp Moscow "dọn đường" đưa lúa mỳ ra thế giới, thúc đẩy một ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế Nga vốn đã bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt.

1 Thoa Thuan Ngu Coc Nga Don Duong Dua Lua Mi Ra The Gioi Tru Cot Kinh Te Mocow Duoc Bao Ve

Thỏa thuận ngũ cốc có ý nghĩa quan trọng với Nga vì đây là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/5 lượng xuất khẩu toàn cầu. (Nguồn: AP)

Mỹ và các đồng minh châu Âu nỗ lực trừng phạt Nga với các lệnh cấm đánh mạnh vào dầu mỏ và khí đốt, những quốc gia tránh trừng phạt trực tiếp vào lúa mỳ, lúa mạch..., những loại hàng hóa khác cung cấp lương thực cho người dân trên toàn thế giới.

Lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine là nguồn cung rất quan trọng đối với các nước ở châu Á, châu Phi và Trung Đông - nơi hàng triệu người sống dựa vào bánh mì được trợ cấp để tồn tại.

Khi chiến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bùng nổ, giá lương thực và năng lượng tăng vọt, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói hoặc gần đến bờ vực của nạn đói.

Hai thỏa thuận mà Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được kí vào tháng 7 đã cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen và đảm bảo lương thực và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, bảo vệ một trong những trụ cột của nền kinh tế Moscow.

Thỏa thuận ngũ cốc cho phép các tàu ngũ cốc di chuyển ra khỏi Nga trong vài tuần. Việc này đã từng mất nhiều tháng vì các ngân hàng phương Tây từ chối thanh toán cho Nga.

Gaurav Srivastava, Giám đốc công ty vận chuyển Harvest Commodities cho biết: "Quy trình làm việc với các ngân hàng là một 'bài tập tốn nhiều công sức'. Nhưng điều đã thay đổi trong những tuần gần đây nhờ sự xuất hiện của thỏa thuận ngũ cốc - thỏa thuận giống như một hiệp định đình chiến giữa tất cả các bên".

Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga vì đây là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/5 lượng xuất khẩu toàn cầu. Quốc gia này dự kiến sẽ có một trong những vụ mùa tốt nhất từ trước đến nay trong năm nay.

Ngân hàng thế giới (WB) thông tin, nông nghiệp chiếm khoảng 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.

Nhà kinh tế Nga Sergey Aleksashenko nhận định: “Nông nghiệp cung cấp cho Nga 5-6 triệu việc làm. Một số khu vực tại quốc gia này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nông nghiệp".

Giám đốc Srivastava hy vọng, công ty có thể xuất xưởng 10-15 triệu tấn ngũ cốc Nga trong năm tới. Sau thỏa thuận ngũ cốc, hai tàu chở hàng của công ty mắc kẹt tại các cảng của Ukraine từ cuối tháng 2 đã được di chuyển.

Ông Srivastava nói: "Công ty đang nhắm đến việc thu gom 1 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine trong vòng 4 tháng. Chúng tôi là một doanh nghiệp thương mại, nhưng chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ nông dân Nga và Ukraine. Tôi rất lạc quan, đặc biệt là trong vài tuần qua".

Yêu cầu của Nga đối với thỏa thuận ngũ cốc bao gồm các tuyên bố công khai từ Mỹ và EU rằng, các lệnh trừng phạt không nhắm vào thực phẩm và phân bón, đồng thời, gỡ khó các vấn đề xung quanh các giao dịch tài chính với Ngân hàng Nông nghiệp Nga.

Một tuần trước khi Nga ký thỏa thuận, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra các tuyên bố với sự đảm bảo như vậy.

Rõ ràng, Washington không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc vận chuyển hàng hóa nông nghiệp hay phân bón từ Nga. Bộ Tài chính Mỹ cũng cấp giấy phép rộng rãi để cho phép một số giao dịch liên quan đến hàng hóa nông nghiệp.

Bộ này nhấn mạnh: "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của LHQ nhằm đưa ngũ cốc của Ukraine và Nga ra thị trường thế giới và giảm tác động chiến dịch quân sự đối với lương thực toàn cầu".

EU nhắc lại rằng, nông nghiệp Nga đã không bị trừng phạt. Khối 27 quốc gia cho biết, các biện pháp trừng phạt của họ đưa ra các ngoại lệ, chẳng hạn như các nước EU được cấp phép cho các tàu mang cờ Nga cập cảng buôn bán các sản phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm.

Tuy nhiên về phía Nga, quốc gia này nhận thấy, vẫn còn những thách thức với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp nước này cho hay, khó khăn với việc cung cấp thiết bị canh tác nhập khẩu sẽ đe dọa đến việc thu hoạch ngũ cốc. Nếu thiếu các thiết bị này, nhu cầu trong nước vẫn được đáp ứng, nhưng xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng.

Ở thời điểm hiện tại, ngũ cốc của Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nạn đói ở các nước đang phát triển.

S&P Global Commodity Insights cho rằng, Nga có sẵn khoảng 41 triệu tấn lúa mỳ để xuất khẩu trong năm nay.

Nhưng theo Giám đốc Điều hành Hội đồng ngũ cốc quốc tế Arnaud Petit, thế giới dự kiến sẽ sản xuất ít hơn 12,2 triệu tấn lúa mỳ và 19 triệu tấn ngô cho vụ thu hoạch 2022-2023 so với năm trước. Điều này một phần là do xung đột Nga-Ukraine và hạn hán ở châu Âu .

Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh và lạm phát có thể buộc một số quốc gia hạn chế nhập khẩu lương thực.

LINH CHI

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga