Hôm thứ Tư 25/1, Nga đã phản ứng giận dữ trước quyết định của Đức chấp thuận cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời lên án Berlin đang từ bỏ “trách nhiệm lịch sử đối với Nga” phát sinh từ tội ác của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

1 Nga Long Lon Cay Cu Chi Trich Viec Duc Cung Cap Xe Tang Cho Ukraine La Leo Thang Xung Dot

Ảnh minh họa: Rasmus Christopher Franck/Shutterstock

Trong một bài đăng trên Telegram, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, động thái này là sự xác nhận về việc Đức tham gia vào “một cuộc chiến được lên kế hoạch trước” nhằm chống lại Nga.

Đại sứ quán Nga tại Berlin lưu ý, quyết định này của Đức sẽ mở đường cho các thành viên NATO khác cũng sẽ gửi xe tăng do Đức sản xuất cho Kyiv và sẽ làm leo thang cuộc chiến đã kéo dài 11 tháng ở Ukraine. Moscow ngày càng coi cuộc chiến này là sự đối đầu nguy hiểm giữa Nga với liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu.

Đại sứ Nga Sergei Nechayev cảnh báo: “Quyết định cực kỳ nguy hiểm này sẽ đưa cuộc xung đột lên một cấp độ đối đầu mới.” Đồng thời ông nhận định, quyết định này sẽ gây ra “thiệt hại không thể khắc phục được đối với tình trạng vốn đã tồi tệ trong mối quan hệ Nga – Đức.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa có phản ứng chính thức về vấn đề này. Ngay sau khi Đức công bố quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine, Tổng thống Putin đã tham gia một cuộc họp dài trên truyền hình với các sinh viên, nhưng ông chỉ đề cập ngắn gọn đến tình hình an ninh “phức tạp” mà Nga đang phải đối mặt.

Kyiv và các đồng minh phương đã cáo buộc cuộc xâm lược Ukraine mà Nga phát động vào ngày 24/2 năm ngoái là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ nhằm chiếm lấy lãnh thổ của Ukraine. Ngược lại, Moscow tố cáo phương Tây đang sử dụng Ukraine để làm suy yếu an ninh của Nga.

“Trách nhiệm lịch sử”

Quyết định cung cấp xe tăng của Đức cho Ukraine được phê duyệt sau nhiều tuần cố gắng thuyết phục của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz, do nhiều người lo ngại quyết định này sẽ làm leo thang cuộc chiến và khiêu khích Nga.

Hơn 80 năm sau khi Đức xâm lược nước Nga Xô viết và Ukraine trong Thế chiến thứ hai, một số người Đức đã phản đối ý tưởng cung cấp xe tăng cho một cuộc xung đột mới ở đó, do cảm giác tội lỗi lịch sử, mà tuyên bố của đại sứ quán Nga đã trực tiếp đề cập đến.

Đại sứ Nechayev lên án: “sự lựa chọn của Berlin có nghĩa là sự từ chối cuối cùng của Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thừa nhận trách nhiệm lịch sử đối với nhân dân chúng tôi về những tội ác khủng khiếp vượt thời gian của chủ nghĩa Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, và là việc ký thác vào sự quên lãng con đường hòa giải khó khăn sau chiến tranh giữa người Nga và người Đức.”

“Với sự chấp thuận của giới lãnh đạo Đức, xe tăng chiến đấu với hình chữ thập của Đức sẽ lại đưa đến ‘mặt trận phía đông’, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết của không chỉ binh sĩ Nga, mà cả dân thường.”

Trong nhiều tháng, Kyiv đã yêu cầu phương Tây cung cấp xe tăng mà họ cho rằng họ rất cần để cung cấp cho lực lượng của mình hỏa lực và tính cơ động nhằm chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm lại các vùng lãnh thổ bị Moscow chiếm đóng ở phía đông và phía Nam.

Nga đã nhiều lần đe dọa, xe tăng nước ngoài sẽ “bốc cháy” ở Ukraine.

Moscow cảnh báo, xe tăng của phương Tây chỉ mở rộng chiến tranh và kéo dài sự đau khổ của người Ukraine và phương Tây đang bị “lừa dối” khi nghĩ ngược lại.

Theo Reuters

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga