Nga cho biết Tập đoàn Gazprom đang cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức tối đa theo các hợp đồng, và tuyên bố bất kỳ mong muốn gia tăng lượng khí đốt nào cũng cần phải được đàm phán với tập đoàn này.

1 Nga Chi Trich Su Do Loi Cua Eu Ve Tinh Trang Khan Hiem Khi Dot

Biểu tượng Tập đoàn năng lượng Gazprom tại trạm xăng ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc ổn định thị trường khí đốt là "rất quan trọng" trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt ngay trước thềm mùa Đông tới do giá mặt hàng này tăng cao và kho dự trữ giảm.

Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng tổ chức ở thủ đô Moskva của Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc đưa ra cơ chế dài hạn nhằm ổn định thị trường năng lượng là "rất quan trọng" trong bối cảnh mà ông cho là "tình hình khó khăn" và "nhiều sai lầm mang tính hệ thống" trên thị trường năng lượng châu Âu.

Ông cũng chỉ trích việc Liên minh châu Âu đổ lỗi cho Nga về tình trạng khan hiếm khí đốt hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cùng ngày, Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết Tập đoàn khí đốt Gazprom đang cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức tối đa theo các hợp đồng hiện nay và bất kỳ mong muốn gia tăng lượng khí đốt cần phải được đàm phán với tập đoàn này.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết nước này sẵn sàng tăng lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine nếu Liên minh châu Âu (EU) mua nhiều hơn và Kiev đề xuất các điều kiện vận chuyển cạnh tranh.

Giá điện tại EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tám tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng.

Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng Tám. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao.

Với khí tự nhiên là nguyên liệu chính, nhiều hãng sản xuất phân bón đã phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng. Điều này có nguy cơ khiến chi phí sản xuất của nông dân cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá lương thực toàn cầu./.

Trần Quyên-Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: Vietnam+

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga