Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh để đáp trả việc London can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.

1 Nga Canh Bao Cat Dut Quan He Voi Anh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)

Trong thông cáo ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, tuy có thể bị coi là "biện pháp cực đoan", nhưng Nga không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ với Anh để đáp trả việc London can dự vào cuộc chiến ở Ukraine.

"Đây rõ ràng là một biện pháp cực đoan, nhưng không thể loại trừ khi xét đến tất cả các yếu tố", bà Zakharova nhấn mạnh.

Bà Zakharova nêu rõ: "Chúng tôi không loại trừ khả năng người Anh đã tham gia vào việc lập kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ các cuộc tấn công của Ukraine thực hiện trên lãnh thổ Nga".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Anh liên tục hỗ trợ cho Ukraine thông qua các viện trợ quân sự, huấn luyện binh sĩ, chia sẻ thông tin tình báo, cố vấn tổ chức các hoạt động tấn công phá hoại chống lại Nga.

Tuần trước, báo Wall Street Journal đưa tin, "lực lượng đặc nhiệm của quân đội Anh hoạt động rất gần tiền tuyến ở Ukraine". Theo nguồn tin này, binh sĩ Anh không tham gia trực tiếp vào xung đột nhưng sự hỗ trợ huấn luyện, cố vấn của họ có tác động đến các hoạt động đặc nhiệm của Ukraine nhằm phá hoại các mục tiêu của Nga như đường sắt, sân bay, kho nhiên liệu và một số hạ tầng hậu cần khác.

Bà Zakharova cho hay, năm ngoái, Moscow đã triệu tập Đại sứ Anh Deborah Bronnert để chỉ trích việc Anh bị nghi có liên quan đến vụ tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga.

London hiện chưa bình luận về những chỉ trích của Moscow.

Anh là một trong những quốc gia viện trợ quân sự lớn cho Ukraine kể từ khi xung đột ở nước này nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Anh là quốc gia NATO đầu tiên tuyên bố viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại và tên lửa tầm xa cho Kiev, tạo tiền đề cho các thành viên khác của NATO hành động tương tự.

Chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak tuần trước cam kết, Anh sẽ cùng với các đồng minh và đối tác lập "liên minh máy bay chiến đấu" để giúp Ukraine sớm sở hữu tiêm kích F-16 hiện đại do Mỹ sản xuất. Theo đó, London sẽ bắt đầu huấn luyện cho phi công Ukraine từ mùa hè này, trong khi tìm cách thuyết phục các nước sở hữu F-16 viện trợ cho Kiev.

Ngoài Anh, Ba Lan cũng là một trong những thành viên NATO mà Nga cảnh báo cắt đứt quan hệ do vai trò của Warsaw trong cuộc xung đột tại Ukraine. Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreev nói, quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ba Lan có thể tiếp tục xấu đi, thậm chí bị cắt đứt hoàn toàn, tùy thuộc vào hành động của Warsaw.

"Luôn có khả năng mối quan hệ này bị cắt đứt. Điều đó có trở thành hiện thực hay không tùy thuộc vào quyết định của lãnh đạo chúng tôi cũng như chính quyền Ba Lan", nhà ngoại giao Nga cho biết.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki từng gây tranh cãi khi tuyên bố Ukraine có quyền tấn công lãnh thổ Nga, đồng thời khẳng định những hành động như vậy không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào với các quốc gia hỗ trợ. Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu Nga xung đột với NATO, "Ba Lan sẽ bị xóa sổ khỏi mặt đất" bất kể kết quả như thế nào.

Theo RT, Anadolu

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga