Gấu Bắc Cực tại đảo Hooker, Nga, phía trên là lá cờ Liên Xô - Ảnh: RUSSIA TODAY
Các thành viên của nhóm này tin rằng Liên Xô vẫn luôn tồn tại, do đó Liên bang Nga là chủ thể bất hợp pháp. Nói cách khác, nhóm này từ chối công nhận sự tồn tại của nước Nga và tự xem mình là công dân của Liên bang Xô Viết.
Điều này thể hiện ở việc họ từ chối tuân thủ luật pháp Nga, không trả các khoản vay ngân hàng và hóa đơn tiện ích, thậm chí coi thường các quan chức Nga.
Một số bị cáo lập luận rằng tòa án Nga thiếu tính hợp pháp và chỉ công nhận các thẩm phán Liên Xô.
Năm 2019, một tòa án tại Cộng hòa Komi (chủ thể của Liên bang Nga) đã tuyên bố nhóm Xô Viết là tổ chức cực đoan và cấm các hoạt động của nhóm này.
Tuy nhiên, giới chức Nga cho biết 11 bị cáo đến từ vùng Sverdlovsk của Nga vẫn tổ chức các buổi họp, tuyên truyền, phân phát tờ rơi, cũng như trốn thuế và các hóa đơn tiện ích.
Truyền thông Nga hôm 14-8 đưa tin các thành viên của tổ chức này đã bị kết án với tội danh tham gia vào một tổ chức công cộng bị cấm do hoạt động cực đoan, theo Bộ luật Hình sự Nga.
Hai kẻ cầm đầu bị kết án 6 năm tù, trong khi 9 người còn lại bị kết án 2 năm tù.
Theo các công tố viên Nga, nhóm Xô Viết cực đoan được thành lập vào năm 2010 bởi Sergey Taraskin, chủ một nha khoa tại vùng Zelenograd, Nga. Taraskin sinh ra tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan.
Liên bang Xô Viết đã tan rã từ năm 1991
Liên bang Xô Viết chính thức tan rã vào tháng 12-1991, sau quyết định của các nhà lãnh đạo Nga, Belarus và Ukraine, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.
Liên bang Nga trở thành quốc gia kế tục Liên Xô, cũng như kế thừa địa vị pháp lý của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao của Liên Xô ở nước ngoài.
Trong khi đó, các nước cộng hòa khác từng thuộc Xô Viết lúc bấy giờ trở thành một quốc gia độc lập, bắt đầu khẳng định mình từ con số 0.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online