Công cuộc thám hiểm, chinh phục không gian vốn chỉ do Mỹ và Nga đứng đầu trong thời gian qua, nay có thêm một tay chơi mới hùng mạnh.

Trung Quốc đang nhanh chóng đẩy mạnh chương trình không gian đầy tham vọng của mình.

Hai nhóm đối đầu chính: một bên là Mỹ và các quốc gia phương Tây, bên kia là Nga và Trung Quốc. Sau khi Trạm không gian Thiên Cung (Tiangong) của Trung Quốc vốn được mong đợi từ lâu chính thức hoạt động, nó sẽ dần bắt kịp Trạm không gian Quốc tế do Mỹ chủ đạo.

Chiến trường dự kiến ​​tiếp theo sẽ là cuộc đấu giữa một trạm nghiên cứu Mặt Trăng của dự án đổ bộ lên Mặt Trăng Artemis của Mỹ và Trạm nghiên cứu Mặt Trăng hợp tác Nga-Trung. Cuộc cạnh tranh này sẽ tiếp tục từ năm nay đến năm 2030. Trọng tâm quan sát sẽ là tốc độ tiến triển và những đối tác nào được thu hút tham gia vào kế hoạch.

1 My   Nga   Trung Va Cong Cuoc Ba Chu Mat Trang

Ảnh mô phỏng về hoạt động của các phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng theo Dự án Artemis

Dự án Artemis của Mỹ được khởi động vào năm 2017 dưới thời chính quyền Donald Trump với ý tưởng ban đầu là cho phép con người quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.

Mục tiêu ngắn hạn bao gồm đưa người phụ nữ Trái đất đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng; mục tiêu dài hạn bao gồm xây dựng một đội thám hiểm với căn cứ thường trú trên Mặt Trăng; mở ra cơ sở cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia và cuối cùng là đưa con người lên Sao Hỏa.

Sau khi Joe Biden nhậm chức, ông đã chính thức phê chuẩn Dự án Artemis, giao NASA và “United States Space Force, USSF” (Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ) hợp tác với Công ty SpaceX của Elon Musk, chuẩn bị sử dụng tên lửa vận tải hạng nặng Starship HLS có thể tái sử dụng nhiều lần của công ty này để thực hiện sứ mệnh đổ bộ lần thứ hai lên Mặt Trăng.

Nga và Trung Quốc vào tháng 3 năm nay cũng đạt được thỏa thuận hợp tác xây dựng Trạm quốc tế nghiên cứu Mặt Trăng và đang bắt đầu tìm kiếm đối tác tham gia.

Tại Hội nghị Khám phá Hàng không Vũ trụ Toàn cầu năm 2021 (GLEX-2021) đang được tổ chức ở St.Petersburg, Tập đoàn Công ty không gian quốc gia Nga (Roscosmos) và Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sẽ đề xuất một lộ trình cho việc xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng. Sau hội nghị có thể có tin về các nước khác tham gia dự án trạm nghiên cứu Mặt Trăng này.

Sau khi trận thế hai bên đã hình thành, điều thế giới bên ngoài quan tâm là việc mỗi bên sẽ thu hút thêm những quốc gia nào tham gia và bên nào có thể thiết lập căn cứ thường trực trên Mặt Trăng trước. Điều này sẽ trở thành tiêu điểm của cuộc đấu giành quyền bá chủ Mặt Trăng giữa hai bên.

Hiện tại dự kiến ​​số lượng các quốc gia tham gia Dự án Artemis của Mỹ sẽ tăng lên, nhưng Trung Quốc và Nga cũng không cấm các quốc gia đã tham gia Artemis cũng tham gia Chương trình Trạm nghiên cứu Mặt Trăng của Nga-Trung, do đó sẽ có nhiều biến số trong tương lai.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu có hai ý tưởng chính cho trạm nghiên cứu Mặt Trăng: xây dựng một ngôi Làng Mặt Trăng, xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng bằng vật liệu của Mặt Trăng và công nghệ in 3D.

Trung Quốc đã phản ứng tích cực về vấn đề này. Họ có kế hoạch phóng các tàu thăm dò Hằng Nga 6, 7 và 8 vào năm 2024; sẽ thu thập các mẫu từ Nam Cực trên mặt sau của Mặt Trăng và vận chuyển chúng về Trái Đất; sau đó tiếp tục khám phá tài nguyên của Mặt Trăng, tiếp đó sẽ tiến hành thử nghiệm công nghệ in 3D.

Nga sẽ liên tiếp phóng các tàu thăm dò không gian Lunar-25, 26, 27 và 28 với 4 chuyến bay lên Mặt Trăng trong vòng 5 năm kể từ tháng 10 năm nay để thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau, thiết lập Trạm quỹ đạo Mặt Trăng và thử nghiệm các phi thuyền. Dự kiến ​​từ năm 2026 đến năm 2030, một trạm nghiên cứu Mặt Trăng sẽ được xây dựng hoàn toàn tự động với các robot để đón các phi hành gia lên sinh sống.

Ba cường quốc không gian là Mỹ, Nga và Trung Quốc đều nhận thức rõ rằng hợp tác phát triển không gian là cách tốt nhất, nhưng yếu tố chính trị lại là trở ngại chính. Mỹ nghi ngờ về chiến lược quốc phòng an ninh của Nga. Quốc hội Mỹ cũng đã ban hành luật cấm NASA hợp tác với Trung Quốc, nên Mỹ hiện nay không thể tham gia xây dựng căn cứ nghiên cứu Mặt Trăng.

Tuy nhiên, Dự án Artemis của Mỹ vẫn có thể cần sử dụng các phương tiện hoặc thành quả của Trạm quốc tế nghiên cứu Mặt Trăng, và các dự án nghiên cứu của hai bên vẫn có thể giao thoa với nhau.

Mặc dù Dự án Artemis của Mỹ và Trạm quốc tế nghiên cứu Mặt Trăng của Nga-Trung đối lập bởi yếu tố chính trị, nhưng không phải không có khả năng hợp tác và trao đổi trong tương lai. Từ kinh nghiệm lịch sử, hợp tác trong nghiên cứu không gian có thể giúp giải quyết những khác biệt và tăng cường sự tin tưởng giữa các đối thủ chính trị.

Vào những năm 1970, khi bầu không khí Chiến tranh Lạnh lên cao nhất, Mỹ và Liên Xô đã cho phép tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô và tàu vũ trụ Apollo của Mỹ kết nối với nhau trên quỹ đạo vào năm 1975 và các phi hành gia trên hai con tàu đã bắt tay với nhau qua cửa khoang.

Sau khi Liên Xô giải thể, sự kiện này đã dẫn đến việc Nga được mời tham gia xây dựng Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Mặc dù vẫn có những khác biệt về chính trị giữa Mỹ và Nga, nhưng họ đã hợp tác trong dự án này trong mấy chục năm.

Nếu Mỹ và Nga-Trung có nhu cầu trao đổi kỹ thuật, trong tương lai có thể giúp mối quan hệ giữa các nước được cải thiện hơn nữa, giảm bất đồng, bớt thù địch và triển khai hợp tác nhiều hơn.

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga