Hải quân Nga vận hành ít nhất hai tàu ngầm mẹ có thể triển khai tàu lặn chuyên dụng để tìm kiếm xác máy bay, tàu chiến dưới đáy biển.

Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Stephen Lovegrove hôm 1/12 cho biết các chuyên gia nước này đã xác định được xác tiêm kích F-35B dưới đáy biển Địa Trung Hải, sau khi nó gặp sự cố trong lúc cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Lovegrove cũng cảnh báo khả năng Nga theo dõi quá trình trục vớt, cho rằng nước này đang sở hữu những tàu lặn tối tân với nhiều tính năng hiện đại, buộc Anh phải áp dụng nhiều biện pháp đề phòng nhằm đảm bảo bí mật cho những công nghệ trên dòng F-35.

Chuyên gia quân sự H. I. Sutton cũng cho rằng Nga đang mạnh tay đầu tư cho hạm đội tàu ngầm chuyên dụng trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực tàu ngầm với Mỹ gia tăng.

"Nga là quốc gia duy nhất có hạm đội tàu ngầm chuyên tác chiến, trinh sát dưới đáy biển và đang mở rộng năng lực này. Các quốc gia khác như Mỹ cũng sở hữu năng lực tác chiến dưới đáy biển tốt, song chủ yếu dựa vào các nền tảng đa nhiệm, không phải tàu ngầm chuyên dụng", Sutton nhận định.

Chuyên gia này cho biết hạm đội tàu ngầm chuyên dụng của Nga bao gồm hai tàu ngầm mẹ cỡ lớn, có thể mang một hoặc hai tàu lặn sâu chuyên làm nhiệm vụ bí mật dưới đáy biển, trong đó có trục với xác máy bay hoặc chiến hạm.

Hạm đội này gồm tàu ngầm BS-64, biến thể thuộc lớp Đề án 667BDRM với lượng giãn nước 18.200 tấn khi lặn, và Belgorod, thuộc lớp Đề án 949A với lượng giãn nước lên tới 30.000 tấn. Hai tàu ngầm này hồi tháng 6 đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm trên biển.

1 Doi Tau Ngam Nga Chuyen Tim Kiem Xac May Bay

Mô phỏng cấu trúc tàu ngầm BS-64 của hải quân Nga. Đồ họa: H. I. Sutton.

"Quy mô và độ phức tạp của tàu ngầm chuyên dụng nói lên tầm quan trọng và mức độ đầu tư của Nga cho hạm đội này", Sutton cho biết. "Các tàu lặn sâu được chế tạo trên cơ sở các lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân, trong đó nổi bật nhất là Paltus và Losharik, vốn tương thích với BS-64".

Các tàu ngầm này thuộc quản lý của Cục Nghiên cứu Biển sâu (GUGI) thuộc Bộ Quốc phòng Nga, được cho là đảm nhận nhiệm vụ liên quan mạng lưới liên lạc và cảm biến dưới biển, cứu hộ tàu ngầm. Nhiệm vụ quan trọng không kém của chúng là chuyên tìm kiếm xác chiến hạm hoặc máy bay dưới đáy biển, cũng như tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí.

Tháng 7/2019, một vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu ngầm Losharik khiến 14 sĩ quan và thủy thủ Nga thiệt mạng. Ảnh vệ tinh do Capella Space chụp ngày 16/11 cho thấy Losharik được chuyển vào nhà kho để tiếp tục sửa chữa trong mùa đông.

Gần đó có một tàu lặn Đề án 1910 Kashalot, được cho có thể thay thế cho Losharik nhờ khả năng lặn sâu tương tự. Tuy nhiên, tàu lặn lớp Kashalot không được thiết kế để tàu ngầm mẹ mang theo và chưa rõ liệu chúng có được cải hoán hoặc nâng cấp để làm điều này hay không.

Ngoài hạm đội tàu ngầm chuyên lặn sâu, GUGI còn sở hữu nhiều tàu nổi chuyên thăm dò đáy đại dương, trong đó có tàu nghiên cứu Yantar mang theo hai tàu lặn sâu. Con tàu này từng nhiều lần xuất hiện gần các đường cáp quang Internet dưới đáy biển và những hạ tầng tương tự.

2 Doi Tau Ngam Nga Chuyen Tim Kiem Xac May Bay

Tàu ngầm Losharik và Kashalot tại căn cứ hải quân Nga ở Severodvinsk ngày 16/11. Ảnh: Capella Space.

Nguyễn Tiến (Theo USNI)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga