Ngay sau khi 4 khu vực thuộc Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên bang Nga, các tổ chức, quốc gia phương Tây đã gia tăng cảnh báo trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, một số biện pháp khó có thể nhận được sự ủng hộ nhất trí cần thiết của tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc trưng cầu ý dân tại 4 khu vực thuộc Ukraine về việc sáp nhập vào Liên bang Nga diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 23/9 và kéo dài đến ngày 27/9. Theo Ủy ban bầu cử, cuộc bỏ phiếu được lên kế hoạch kỹ càng và được đảm bảo về an ninh. Một phái đoàn gồm 4 người của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga và hơn 100 đại diện của các ủy ban bầu cử khu vực tham gia giám sát toàn bộ tiến trình bỏ phiếu.

1 Dien Kremlin Doi Thoai La Rat Can Thiet

Quang cảnh cuộc họp đột xuất của EU về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Ảnh: EC.

Như vậy, hơn 5 triệu người dân ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson sẽ trở thành công dân Nga nếu họ bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc trưng cầu ý dân là phù hợp với quyền tự quyết được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Moscow ủng hộ lựa chọn của người dân tại những những khu vực này. Chính quyền Kiev và các quốc gia phương Tây phản đối mạnh mẽ và khẳng định sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang của Ukraine thì Mỹ, EU, Tổ chức quân sự Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng gia tăng cảnh báo trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Nga.

Các Ngoại trưởng EU đã đồng ý tại một cuộc họp đột xuất về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm các biện pháp “kinh tế và cá nhân” như mức trần giá dầu, hạn chế chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các cá nhân và thực thể Nga, để phản ứng với những gì mà họ cho là “sự leo thang mới trong cuộc xung đột với Ukraine”. Tính tới nay, EU đã trừng phạt 108 thực thể và 1.206 cá nhân Nga. Một số quốc gia EU đang muốn nhắm mục tiêu vào người thân và phụ tá thân cận của những người đã bị trừng phạt vì họ đang giúp tránh né các biện pháp hiện hành. EU cũng sẽ phải quyết định xem phải làm gì với những người Nga trốn lệnh huy động, sau khi ba quốc gia Baltic ở phía Đông EU cho biết họ sẽ không cho phép tị nạn. Phần Lan và Ba Lan cũng đã hạn chế du khách Nga đến nhưng EU nói chung cho đến nay vẫn bác bỏ lệnh cấm thị thực với công dân Nga.

Hiện vẫn chưa rõ ràng tác động của bất kỳ mức trần giá dầu nào khi EU đã đồng ý một lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, mặc dù có các miễn trừ, bao gồm cả đối với Hungary. Các biện pháp hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga cũng đang được đặt ra, trong khi những nước chống Nga mạnh mẽ thúc đẩy lệnh cấm đối với kim cương Nga và tịch thu tài sản của Nga ở châu Âu. Mặc dù vậy, một số người cảnh báo một số biện pháp khó có thể nhận được sự ủng hộ nhất trí cần thiết của tất cả các nước EU. Đức, cường quốc kinh tế của EU, cho đến nay đã cấm các biện pháp hạn chế kinh tế cứng rắn hơn, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/9 cho biết tất cả các lệnh trừng phạt nên được bãi bỏ. Một quan chức EU nói: “Không biết chúng tôi có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt mới nhanh chóng đến mức nào”, lưu ý rằng việc một số nước thành viên phản đối việc trừng phạt bổ sung với Moscow có thể “làm trì hoãn mọi thứ”. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ trình bày một đề xuất bằng văn bản vào tuần tới và các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU có thể thông qua nó khi họ gặp nhau tại Praha, Cộng hòa Czech vào ngày 6-7/10 năm nay.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại những căng thẳng ngày một leo thang giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Moscow và phương Tây có thể phá hỏng mọi nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, trong đó có Sáng kiến biển Đen đạt được mới đây. Ông nhấn mạnh: “Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Bảy tháng qua đã chứng kiến sự đau khổ và tàn phá không thể kể xiết. Những diễn biến mới nhất rất nguy hiểm và đáng lo ngại khiến các nỗ lực hòa bình trở nên xa vời… Nếu thị trường phân bón không được ổn định, năm tới có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về cung cấp lương thực. Nói một cách đơn giản, thế giới có thể cạn kiệt lương thực. Điều cần thiết là tất cả các quốc gia phải loại bỏ mọi trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu phân bón của Nga ngay lập tức”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những bước đi có thể làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột tại Ukraine: “Các bên liên quan cần nối lại đối thoại càng sớm càng tốt, đưa những quan ngại chính đáng và những phương án khả thi nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng... Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm leo thang tình hình, kiềm chế những lời nói và hành động có thể làm trầm trọng thêm đối đầu. Cộng đồng quốc tế nên đóng một vai trò xây dựng trong việc làm dịu tình hình”.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/9 (giờ địa phương) cho biết, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine là rất cần thiết nhưng không có dấu hiệu cho thấy một cuộc đối thoại như vậy sẽ được nối lại trong tương lai gần. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu Nga có tin rằng đối thoại sẽ được đảm bảo trong điều kiện hiện tại hay không, ông Dmitry Peskov nói: “Đối thoại là điều rất cần thiết để đạt được các mục tiêu của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi không thấy bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho quá trình đàm phán”. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Ukraine đã rời khỏi các cuộc đàm phán cách đây vài tháng và Kiev đã gửi đi tín hiệu rằng họ “có ý định giải quyết các vấn đề của họ trên chiến trường”.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn: cand.com.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga