Moscow tuyên bố tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt mục tiêu đề ra trong bối cảnh phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

1 Chien Dich Quan Su Cua Nga Khong Chiu Tac Dong Tu Lenh Trung Phat Cua My

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

Ngày 27/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc dừng chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, hoàn toàn không chịu tác động từ việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Tass dẫn tuyên bố của bà Zakharova tại buổi họp báo hôm thứ Sáu nêu rõ: "Quyết định liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ chỉ dựa vào việc đánh giá các mục tiêu thực tế và sẽ không được đem ra làm điều kiện để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt như tuyên bố của Washington. Hiện tại chúng tôi đang đánh giá kỹ lượng những vấn đề trên thực địa trong bối cảnh các nước phương Tây tuyên bố sẽ chuyển giao nhiều vũ khí hạng nặng Ukraine”.

Trước đó, hôm 26/1, phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ ủng hộ khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt Moscow vì các cuộc đàm phán hòa bình và Nga rút quân khỏi Ukraine. Theo bà Nuland, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có quan điểm tương tự.

Đề cập đến tuyên bố mới nhất của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ không rút quân khi chưa hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Ông Peskov nói thêm rằng Thứ trưởng Nuland đã nói lại những luận điểm cũ mà Moscow không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định Nga sẽ không thỏa hiệp về các biện pháp trừng phạt.

Theo quan chức Điện Kremlin lập trường của Mỹ hiện tại "hoàn toàn đối lập" với Nga, vì vậy sẽ không có động thái nào hướng tới cuộc đàm phán về Ukraine.

2 Chien Dich Quan Su Cua Nga Khong Chiu Tac Dong Tu Lenh Trung Phat Cua My

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Ông Peskov cũng đồng ý với nhận xét của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc cung cấp vũ khí bao gồm xe tăng hạng nặng cho Ukraine và các cuộc thảo luận về việc chuyển giao chiến đấu cơ cho Kiev là "yếu tố leo thang" xung đột.

Trước đó, hôm 25/1, sau nhiều tuần do dự, chính phủ Đức đã đồng ý chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Động thái của Berlin cũng cho phép những nước có kho dự trữ xe tăng Leopard của riêng họ xuất khẩu sang Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 cũng thông báo sẽ điều 31 xe tăng Abrams tới Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, chính phủ Mỹ ngày 26/1 đã quyết định áp các biện pháp trừng phạt mới đối với thực thể và cá nhân Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đang thực hiện biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo hãng tin Tass, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào những cơ sở hỗ trợ chiến dịch quân sự tại nước láng giềng Ukraine, bao gồm nhà sản xuất vũ khí, doanh nghiệp sửa chữa tàu, và cá nhân liên quan đến việc quản lý các khu vực đã được sáp nhập vào Nga.

Trong danh sách công bố có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga Denis Manturov, người đứng đầu Tòa án Liên bang Arkady Gostev, lãnh đạo Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov và phu nhân Gulsina Minnikhanova. Bộ Tài chính Mỹ cũng bổ sung ông Alexander Kharichev, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, vào danh sách bị trừng phạt lần này.

Nguyễn Phương

Nguồn: kinhtedothi.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga