Việc Mỹ có tân Tổng thống không khiến thách thức từ Nga biến mất, nhưng Biden vẫn cần hợp tác cùng Putin để giải quyết những khủng hoảng chung.

Năm 2009, Hillary Clinton, người giữ chức ngoại trưởng Mỹ khi đó, trao cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov một nút bấm màu đỏ, tượng trưng cho nỗ lực tái khởi động quan hệ hai nước. Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân sánh ngang Mỹ, được cho là không thể đối phó đơn giản chỉ bằng các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, khác với mong đợi của Washington, tình hình sau đó thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Sau cuộc bầu cử quốc hội Nga năm 2011, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc bà Clinton thúc đẩy "can thiệp của nước ngoài" tại Nga, khi nhiều người biểu tình đổ xuống đường phố Moskva phản đối kết quả bầu cử.

Năm 2014, căng thẳng giữa Moskva với phương Tây leo thang sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào ly khai bùng lên ở miền đông Ukraine. Nỗi lo ngại về Moskva càng gia tăng tại Washington, sau khi cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với Putin năm 2018 ở Helsinki, Phần Lan, nói rằng ông không thấy "bất kỳ lý do nào" khiến Nga có thể can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Vì vậy, khi nhắc đến chính sách với Moskva, nỗ lực "tái thiết" quan hệ được cho là điều nên tránh đề cập tại Washington, ngay cả khi Joe Biden đã thay thế vị trí của Trump. Thêm vào đó, quan hệ hai nước hiện nay được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

132 1 Biden Tien Thoai Luong Nan Voi Nga

Joe Biden (trái) bắt tay Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Moskva, Nga, hồi tháng 3/2011. Ảnh: Reuters.

Mỹ đều đặn tăng cường các biện pháp trừng phạt với Nga vì xung đột ở Ukraine và cáo buộc Moskva can thiệp bầu cử hồi năm 2016. Các cơ quan Mỹ cũng đang trong quá trình xem xét hậu quả cuộc tấn công mạng quy mô lớn mà cựu ngoại trưởng Mike Pompeo từng nói rằng "khá rõ ràng" do Nga đứng sau.

Một trong những động thái đầu tiên của Biden sau khi nhậm chức là yêu cầu điều tra tình báo kỹ lưỡng về các hành vi gây rối mà Nga bị nghi là thủ phạm, như cáo buộc treo thưởng để hạ sát lính Mỹ ở Afghanistan hay can thiệp cuộc bầu cử năm 2020. Tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines sẽ dẫn dắt nỗ lực này. William Burns, nhà ngoại giao kỳ cựu được Biden đề cử làm giám đốc CIA, cũng là một chuyên gia về Nga.

Quan hệ Nga – Mỹ còn được cho là sẽ chịu ảnh hưởng bởi "vụ đầu độc" nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny. Tháng 8/2020, Navalny bất tỉnh trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva, sau đó được đưa tới Berlin, Đức, để điều trị. Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô, tương tự tuyên bố của nhà hoạt động này, nhưng Moskva nhiều lần bác bỏ.

Navalny bị bắt tại Moskva hôm 17/1, chưa đầy một giờ sau khi trở về từ Berlin, với cáo buộc vi phạm quy định về án treo. Mỹ và Liên minh châu Âu kêu gọi Nga trả tự do cho Navalny. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, cũng đã lên tiếng.

"Navalny nên được thả ngay lập tức, và những thủ phạm gây ra vụ tấn công tàn nhẫn với ông ấy phải chịu trách nhiệm", Sullivan viết trên Twitter, đồng thời lên án "những đòn công kích của Điện Kremlin" đối với nhà hoạt động đối lập.

Tuy nhiên, theo bình luận viên Nathan Hodge của CNN, dường như có một sự đồng thuận bất đắc dĩ tại Washington rằng cách đối phó với Moskva hiện nay không hiệu quả. Hồi tháng 8/2020, một nhóm gồm những người có uy tín về đối ngoại tại Mỹ đã ký vào thư ngỏ kêu gọi "suy nghĩ lại" về chính sách với Nga.

"Thật vô nghĩa khi hai quốc gia với sức mạnh hủy diệt lẫn nhau thiếu tương tác ngoại giao một cách đầy đủ", bức thư có đoạn. Fiona Hill, cựu cố vấn hàng đầu về Nga của Trump, và Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Moskva, nằm trong số những người ký tên. Họ giải thích rằng đây không phải nỗ lực "tái thiết" quan hệ với Nga, mà chỉ kêu gọi đánh giá "sáng suốt" về chính sách với Moskva.

Giới chuyên gia nhìn chung cũng đồng ý rằng chính phủ Nga phải đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung ứng phó các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới, bao gồm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, hay ngăn chặn cuộc chiến đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan.

Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền mới của Biden cần đàm phán với Nga để giải quyết một loạt vấn đề đối ngoại, đặc biệt là việc đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran được các nước ký hồi năm 2015. Nga cũng là một bên trong thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi theo lệnh của Trump vào tháng 5/2018.

Ngay cả một số nhà phê bình Mỹ "diều hâu" với Nga nhất, như cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, cũng thừa nhận Washington phải hợp tác một cách có chọn lọc với Moskva trong các vấn đề toàn cầu cấp bách, như ứng phó đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Kiểm soát vũ khí cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới năm 2010, thỏa thuận cuối cùng về hạn chế kho vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào ngày 5/2. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 21/1 cho biết chính quyền mới đã sẵn sàng làm việc với Nga để gia hạn hiệp ước.

Theo bình luận viên Hodge, việc kiểm soát vũ khí, vấn đề đòi hỏi nỗ lực ngoại giao và sự kiên nhẫn đáng kể, vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin giữa Mỹ và Nga đã xói mòn.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga