Ngày 3/8, Bộ Y tế Chile công bố kết quả nghiên cứu về vaccine Covid-19 của một số nước như Coronavac (Trung Quốc); Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh).

1 Vaccine Covid 19 Pfizer Hieu Qua Han Che 100 Benh Nhan Tu Vong Uae Se Tiem Mui Thu 3 Anh Tiem Cho Nguoi 16 Tuoi

Vaccine Covid-19 của Pfizer ghi nhận hiệu quả lên tới 87,69% trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng và có hiệu quả hạn chế 100% bệnh nhân tử vong. (Nguồn: Getty Images)

Theo kết quả nghiên cứu, vaccine Coronavac ngừa Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế có hiệu quả 58,49% trong việc ngăn ngừa các ca viêm nhiễm có triệu chứng của Covid-19, giảm hơn so với một nghiên cứu được thực hiện trước đó.

Báo cáo của Bộ Y tế Chile nêu rõ, hiệu quả của vaccine Coronavac đã giảm 5% so với kết quả nghiên cứu lần trước.

Chương trình nghiên cứu được thực hiện sau thời gian theo dõi đối với 8,6 triệu người từ tháng 2 đến tháng 7 vừa qua. Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù hiệu quả ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng giảm song các chỉ số khác vẫn được giữ nguyên.

Liên quan đến khả năng năng hạn chế việc các bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện, hiệu quả của Coronavac vẫn giữ ở mức 86%, trong khi ngăn ngừa khả năng bệnh nhân phải điều trị tại các khu chăm sóc tích cực cũng được giữ ở mức 89%.

Ngoài ra, loại vaccine này cũng có hiệu quả hạn chế các ca tử vong do Covid-19 ở mức 86,38%.

Nghiên cứu của Bộ Y tế Chile cũng được thực hiện đối với vaccine của hãng Pfizer (Mỹ), được đưa vào sử dụng tại quốc gia Nam Mỹ này từ tháng 12/2020.

Theo đó, vaccine của Pfizer ghi nhận hiệu quả lên tới 87,69% trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng, giảm nguy cơ phải nhập viện 97,15%, giảm nguy cơ phải điều trị tích cực là 98,29% và có hiệu quả hạn chế 100% bệnh nhân tử vong.

Đối với vaccine của AstraZeneca, tỷ lệ hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng là 68,68%, trong khi hiệu quả đối với tất cả các chỉ số còn lại như trên là 100%.

Theo thống kê chính thức, đến nay Chile đã ghi nhận hơn 1,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 35.640 trường hợp tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã hoàn tất việc tiêm chủng ít nhất một mũi với các loại vaccine Coronavac, vaccine của Pfizer, AstraZeneca và CanSino cho 13.163.094 người trong tổng số hơn 19 triệu dân.

* Cơ quan Quản lý thảm họa và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia (NCEMA) của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/8 thông báo sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường chống Covid-19 cho tất cả những công dân đã tiêm phòng xong 2 mũi tại quốc gia vùng Vịnh này.

Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Twitter, NCEMA cho biết mũi tăng cường sẽ được tiêm trong 3 tháng sau khi tiêm xong mũi thứ 2 đối với những người được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao, trong khi đối với những cá nhân khác là sau 6 tháng.

UAE đã cấp phép 5 loại vaccine ngừa Covid-19 ở nước này, đồng thời bắt đầu triển khai tiêm mũi bổ sung kể từ tháng 6 vừa qua đối với các cá nhân đã tiêm vaccine do Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển.

Hiện UAE là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất, khoảng 70% trong tổng dân số hơn 9 triệu người dân nước này đã tiêm xong 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.

* Khoảng 1,4 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi 16-17 trên toàn Vương quốc Anh dự kiến sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 sau khi chính phủ nhận được tư vấn từ các nhà khoa học.

Truyền thông Anh cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ được Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), một tổ chức gồm các nhà khoa học độc lập, tư vấn.

Những người ở độ tuổi 16 và 17 được khuyến khích tiêm vaccine của Pfizer hoặc Moderna, theo hướng dẫn về tiêm chủng dành cho người trẻ tuổi ở Anh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời gian chính xác sẽ bắt đầu thực hiện tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này.

Theo các nhà khoa học, dù có nguy cơ mắc Covid-19 rất thấp nhưng trẻ em có khả năng nhiễm và truyền virus, một yếu tố có thể gây nên sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Trong nhiều tháng nay, chính phủ Anh đã đau đầu với câu hỏi liệu có nên khuyến khích tiêm vaccine cho trẻ em hay không, và đã trì hoãn việc này để chờ thêm bằng chứng y tế.

Trong khi đó, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã và đang tiêm vaccine đại trà cho người dưới 18 tuổi, thậm chí có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.

Tháng trước, JCVI đã không đưa ra lời khuyên về việc tiêm chủng đại trà cho trẻ em, thay vào đó kêu gọi cách tiếp cận hạn chế hơn.

Dự kiến tới giữa tháng 9, tất cả người trưởng thành ở Anh sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Điều này đồng nghĩa chính phủ tự tin có đủ dự trữ vaccine để mở rộng đối tượng tiêm chủng trên toàn Vương quốc Anh.

Hiện nay mối quan tâm của chính phủ là làm thế nào để khuyến khích người trẻ tuổi tiêm vaccine. Hiện đã có những chương trình giảm giá taxi, vé xem phim, đồ ăn... dành cho thanh niên đi tiêm chủng.

Thủ tướng Boris Johnson cũng công khai cảnh báo, từ cuối tháng 9, hộ chiếu vaccine có thể là yêu cầu bắt buộc đối với những người tới hộp đêm và các địa điểm tập trung đông người khác.

CHU AN (tổng hợp)

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga