Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần “mở rộng hơn” và loại bỏ quyền phủ quyết của các thành viên thường trực.

“Chúng tôi tin rằng Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an cần mở rộng hơn nữa. Mọi quốc gia trên thế giới đều nên có đại diện tại đây”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trả lời báo giới ngày 23/9, bên lề kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ.

Theo ông Cavusoglu, nhiều chính trị gia cũng có quan điểm thế giới không chỉ gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

“Chúng ta có thể đưa ra một tiêu chí dựa trên dân số, quy mô và phân bố địa lý của từng quốc gia. Quyền phủ quyết nên bị bãi bỏ. Có nhiều lựa chọn để thay thế quyền phủ quyết”, ông Cavusoglu bổ sung.

Ngoài 5 thành viên thường trực, Hội đồng Bảo an còn có 10 thành viên không thường trực, với nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết. Quyền này giúp thành viên thường trực có thể chặn một nghị quyết được thông qua.

1 Tho Nhi Ky Keu Goi Hoi Dong Bao An Lhq Bo Quyen Phu Quyet

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Moskva ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Năm 2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả quy trình tại Hội đồng Bảo an là bất công và lỗi thời, khi “số ít quốc gia” kiểm soát thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó bác bỏ, nói nếu bỏ quyền phủ quyết, “LHQ sẽ trở nên vô nghĩa”, một tổ chức không có quyền lực.

Quan điểm của ông Erdogan gần đây nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield gọi quy trình tại Hội đồng Bảo an là “không phù hợp và lỗi thời”. Phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đề xuất mở rộng Hội đồng Bảo an và hạn chế sử dụng quyền phủ quyết với “những tình huống bất thường, hiếm gặp”.

Nga gần đây sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng về vấn đề này.

Trung Quốc cùng Nga hồi tháng 6 phủ quyết một nghị gia tăng trừng phạt Triều Tiên do Mỹ hậu thuẫn. Washington đã phủ quyết ít nhất 4 nghị quyết lên án Israel liên quan tranh chấp với Palestine. Lần gần nhất Anh và Pháp sử dụng quyền phủ quyết là năm 1989, cùng với Mỹ, để phản đối dự thảo liên quan việc Washington mở chiến dịch quân sự tại Panama.

Nguồn: Vnexpress

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga