Lấp đầy khoảng trống Mỹ đang để lại ở Syria và Trung Đông, Tổng thống Macron dường như đang tham vọng đưa Pháp trở thành quyền lực lớn nhất cùng với Nga trong khu vực.
426 Content Trung Dong
Tổng thống Pháp Macron ngày càng tham gia nhiều vào các vấn đề Trung Đông.

Pháp đang theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron nhằm khôi phục ảnh hưởng của Paris ở Trung Đông, các nhà phân tích nói với Al Jazeera.

Trong một động thái làm nổi bật hình ảnh của mình, Tổng thống Pháp đã gia nhập liên minh Mỹ, Anh, tiến hành tấn công 3 mục tiêu ở Syria được cho là liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoá học.

Nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử Pháp, cho biết ông đã “thuyết phục” Tổng thống Donald Trump ở lại Syria “lâu dài” sau khi Washington tuyên bố sớm đưa quân rời khỏi đây.

Đồng thời, ông Macron cũng nói rằng ông sẵn sàng đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Nga – đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad – và tìm một giải pháp chính trị “bền vững” ở Syria.

Trước đó ông đã đề nghị làm người đối thoại và thành lập một nhóm liên lạc quốc tế để khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ tại Geneva.

Agathe Demarais, một nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit, nói với Al Jazeera: “Pháp có thể duy trì mối quan hệ tương đối tốt với Nga, bất chấp những căng thẳng giữa Nga và phương Tây”.

Ông Macron dự định thăm St Petersburg vào tháng 6 tới đây, nơi ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà phân tích Demarais lưu ý, quân đội Nga vừa rồi không thừa nhận sự tham gia của Pháp trong cuộc không kích ở Syria, một nỗ lực được cho là để bảo vệ quan hệ song phương giữa Pháp và Nga.

Tuy nhiên, mặc dù cuộc tấn công cuối tuần trước là quyết định quân sự đầu tiên của ông Macron kể từ khi lên nắm quyền, đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo trẻ can thiệp vào các cuộc xung đột và khủng hoảng ở nước ngoài.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Pháp không còn ở trong tình huống của những năm 1970, khi chỉ có thể nhận mình là một quốc gia tầm trung, được bảo vệ và hỗ trợ bởi các cường quốc khác”.

“Pháp phải trở thành một cường quốc mạnh mẽ hơn và đó là điều cần thiết”, nhà lãnh đạo nước Pháp nhấn mạnh.

Lấp đầy khoảng trống của Mỹ

Các nhà phân tích chỉ ra trong những năm gần đây, Pháp đã nhanh chóng can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột ở châu Phi, chẳng hạn như Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi nhưng gần đây bắt đầu nhăm nhe vai trò ngoại giao ở Trung Đông.

Olivier Guitta, Giám đốc điều hành của GlobalStrat, một công ty tư vấn rủi ro về địa chính trị, nói: “Tổng thống Macron là người rất biết lợi dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống do Mỹ và Anh để lại ở Trung Đông, đồng thời định vị Pháp như một quyền lực chi phối trong khu vực cùng với Nga.

426 Content Trump1
Mỹ đang ngày càng có nhiều động thái rời khỏi Trung Đông.

Đồng tình với quan điểm này, nhà phân tích Demarais cho rằng: “Pháp sẽ sẵn sàng hoạt động như một nhà môi giới quyền lực ở Trung Đông trong những tháng tới”.

Paris đóng một vai trò quan trọng trong vai trò hòa giải vào tháng 11/2017 sau khi Tổng thống Lebanon Saad al-Hariri đột ngột từ chức trong chuyến thăm Saudi Arabia.

Al-Hariri đổ lỗi cho sự can thiệp vào Lebanon của Hezbollah khiến ông quyết định từ chức vì sợ bị ám sát. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ Saudi Arabia đã ép buộc ông từ chức như là hình phạt do lập trường yếu kém của ông với Hezbollah.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Lebanon cho rằng người Ả Rập bắt giữ al-Hariri làm con tin. Tổng thống Macron vội vã bay sang Riyadh và tổ chức hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman để giúp khôi phục tình hình và nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ sự ổn định, độc lập và an ninh của Lebanon”.

Một vài tuần sau đó, Tổng thống al-Hariri rút đơn từ chức và trở lại vai trò dẫn dắt đất nước. Tình hình căng thẳng được giảm xuống.

Các nhà phân tích cho rằng, sự hòa giải của ông Macron ở Lebanon có thể sẽ không gây ngạc nhiên, nhưng sự hăng hái của ông trong việc tháo gỡ các cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông là sự tượng trưng cho việc Pháp muốn trở thành một cường quốc hàng đầu trong khu vực.

Guitta nói: “Từ mối quan hệ gần gũi của Pháp với Tổng thống al-Hariri, ông Macron tự đề cao vai trò của mình và ghi điểm tại đây”.

Vào tháng 12/2017, Macron đã tiếp đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau khi Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Nhà lãnh đạo Pháp thể hiện sự ủng hộ Abbas và đổi lại, nhà lãnh đạo Palestine kêu gọi Pháp tiếp nhận vai trò lãnh đạo mới trong tiến trình hòa bình sau khi Mỹ gần như từ bỏ vai trò này.

Vào đầu tháng 12, khi Tổng thống Pháp đến thăm Qatar để đàm phán bán 12 máy bay chiến đấu Rafael, ông đã sử dụng cơ hội này để cố gắng hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra ở vùng Vịnh, một trong những bất đồng lớn nhất trong quan hệ giữa các nước Ả Rập trong lịch sử.

Vào tháng 6 năm đó, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cắt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt lệnh phong tỏa mọi tuyến đường, cáo buộc người hàng xóm tài trợ “khủng bố” và duy trì quan hệ chặt chẽ với đối thủ khu vực, Iran.

“Về tình hình ở vùng Vịnh, tôi muốn thấy một lời hứa hòa giải giữa các thành viên, như tôi đã kêu gọi kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng”, Macron nói, lặp lại lời đề nghị các quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm vận “nhanh nhất có thể “.

” Ông Macron đã tránh gây thù hận cả hai bên trong cuộc khủng hoảng này, nhưng ông đã xây dựng một mối quan hệ sâu sắc hơn với đất nước mà ông cảm thấy phù hợp: UAE”, chuyên gia Guitta nói.

Nguồn: nguoiduatin.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga