EU đồng ý mua vaccine với giá cao hơn để đổi lấy những yêu cầu chặt chẽ hơn với nhà sản xuất, giữa lúc Covid-19 diễn biến khó lường.

Hôm 1/8, tờ Financial Times đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý trả Pfizer-BioNTech 19,5 euro (23,1 USD) cho mỗi liều vaccine Covid-19 trong hợp đồng mua 1,8 tỷ liều hồi tháng 5. Mức này cao hơn khá nhiều so với giá 15,5 euro (18,4 USD)/liều trong hai hợp đồng cung cấp 600 triệu liều vaccine đầu tiên.

Cũng theo tờ báo này, giá cho mỗi liều vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Moderna cũng tăng lên 25,5 USD trong hợp đồng mua 300 triệu liều của EU hồi tháng 2. Hợp đồng ban đầu giữa hai bên, bao gồm 160 triệu liều vaccine, có mức giá 22,6 USD/liều.

Giá của Moderna bán cho EU vẫn ở mức thấp trong khoảng giá 25-37 USD/liều mà công ty đưa ra hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Pfizer và BioNTech từng tuyên bố giảm giá cho những hợp đồng mua số lượng lớn.

Mặc dù Tiziana Beghin, nghị sĩ EU đến từ Italy, cho rằng EU đang bị “chặt chém” một cách khó giải thích, những người khác nhận định liên minh có nhiều lý do chính đáng để trả giá vaccine cao hơn, khi tình hình đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm đàm phán những hợp đồng ban đầu.

1 Ly Do Eu Mo Hau Bao Mua Vaccine Gia Cao

Các lọ vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech chuẩn bị được đóng gói tại cơ sở sản xuất ở Bỉ hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Một quan chức châu Âu giấu tên am hiểu vấn đề cho biết giá trị của vaccine Covid-19 đã tăng lên nhờ những bằng chứng về hiệu quả của chúng, cũng như tác động tích cực của việc tiêm chủng trong quá trình khôi phục kinh tế từ cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Ngoài ra, quyết tâm dốc hầu bao của EU còn xuất phát từ một số yếu tố khác.

Tất cả vaccine Covid-19 được sử dụng tại châu Âu đều cho thấy tác động tích cực. Tuy nhiên, công chúng tỏ ra ngần ngại tiêm vaccine của các hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson, bởi lo lắng về nguy cơ đông máu dù hiện tượng này vô cùng hiếm gặp. Hai nhà sản xuất này còn vướng phải những rắc rối trong việc đảm bảo nguồn cung, khiến EU thậm chí từng đệ đơn kiện AstraZeneca vì giao hàng chậm.

Tình huống này giúp tăng lợi thế đàm phán cho Pfizer-BioNTech và Moderna. Thêm vào đó, những yêu cầu bổ sung của EU trong các hợp đồng mới có khả năng cũng là một lý do khiến chi phí sản xuất và cung ứng vaccine gia tăng.

Trong cuộc họp báo hôm 3/8, một phát ngôn viên của EU cho biết khi đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, EU đã xem xét một số yếu tố như năng lực sản xuất của các công ty, lịch trình giao hàng và công nghệ mà họ sử dụng.

Khi EU đồng ý mua tới 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech hồi tháng 5, Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm điều phối đàm phán vaccine, cho biết thỏa thuận mới này đòi hỏi vaccine phải được sản xuất tại EU và các thành phần thiết yếu cũng lấy nguồn từ khu vực.

Trong những hợp đồng trước, EU chỉ yêu cầu vaccine được sản xuất tại khu vực, không đề cập tới thành phần.Việc tập trung hoạt động sản xuất tại châu Âu có thể giúp đảm bảo nguồn cung và giảm bớt thời gian chờ giao hàng, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí.

Ủy ban châu Âu còn cho biết hợp đồng mới quy định “kể từ lúc bắt đầu cung cấp vào năm 2022, việc giao hàng cho EU cần được đảm bảo”. Trong hợp đồng đầu tiên, yêu cầu dành cho Pfizer chỉ là thực hiện “những nỗ lực hợp lý nhất” để vận chuyển số hàng đã thỏa thuận theo thời hạn đặt ra. Pfizer đến nay vẫn tôn trọng các cam kết với EU, thậm chí đã giao hàng nhiều hơn một chút so với kế hoạch ban đầu trong quý I năm nay.

Phát ngôn viên của Pfizer từ chối bình luận về giá cả trong hợp đồng vaccine mới với EU, nhưng cho biết nó khác với những hợp đồng trước, bao gồm các vấn đề liên quan đến sản xuất và vận chuyển. Moderna và Ủy ban châu Âu cũng từ chối bình luận về mức giá trong các hợp đồng.

Một thay đổi lớn so với thời điểm đàm phán các hợp đồng trước là sự trỗi dậy của những biến chủng nCoV nguy hiểm, đặc biệt là Delta, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ hiệu quả vaccine suy giảm trước chúng.

Giới chức EU cho biết các chính phủ có thể từ chối mua những vaccine không giúp chống lại các biến chủng. Trong khi đó, các hãng sản xuất được dự đoán sẽ nhanh chóng điều chỉnh vaccine của họ để đối phó với Delta, dẫn đến gia tăng chi phí.

Hồi đầu năm, các nghị sĩ, giới truyền thông và một số nhà phân tích đã chỉ trích EU vì bỏ quá ít tiền cho những lô vaccine Covid-19 đầu tiên, cho rằng điều này là một nguyên nhân dẫn tới sự đình trệ trong giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng.

Hôm 23/7, Mỹ đã mua thêm 200 triệu liều vaccine từ Pfizer với giá 24 USD/liều, đắt hơn mức giá trong hợp đồng mới của EU, đồng thời cũng cao hơn mức giá mà Mỹ đã trả cho 300 triệu liều vaccine Pfizer đầu tiên là 19,5 USD/liều.

Pfizer cho hay việc Mỹ trả giá cao hơn phản ánh sự đầu tư cần thiết để sản xuất, đóng gói và cung cấp những công thức vaccine mới, cũng như những chi phí bổ sung để điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với các nhu cầu đa dạng.

Theo Giovanna De Maio, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ, “thật dễ dàng khi chỉ trích EU vì bỏ tiền quá ít và muộn màng, hoặc khi chi tiêu quá mạnh tay”, nhưng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều.

“Có lẽ EU đã đúng đắn khi ưu tiên tiếp cận vaccine thay vì bận tâm đến chi phí, giữa lúc biến chủng Delta đang lây lan”, De Maio đánh giá.

Nguồn Vnexpress/Theo Reuters

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga