Armenia và Azerbaijan đã sẵn sàng chấm dứt tranh chấp kéo dài 30 năm đối với vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 25/5 đưa ra tuyên bố chung ở Moscow.

Hai quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ thông báo ngừng tranh chấp về lãnh thổ.

1 Ket Qua Dam Phan Hoa Binh Cham Dut Tranh Chap 30 Nam Giua Armenia Va Azerbaijan

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Trong cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì, hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan khẳng định sẵn sàng bình thường hóa quan hệ trên cơ sở “công nhận lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ”.

Tổng thống Nga Putin nói rằng "rất hài lòng" khi hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận trong lĩnh vực thông tin liên lạc vận tải. Armenia dường như cũng đồng ý để Azerbaijan tiếp cận vùng lãnh thổ Nakhichevan của nước này. Nakhichevan là vùng lãnh thổ nằm giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Armenia Pashinyan nói hai nước đang "đạt được tiến bộ trong việc giải quyết mối quan hệ" trên cơ sở công nhận lẫn nhau, nhưng phản đối việc Tổng thống Azerbaijan Aliyev sử dụng cụm từ "hành lang Zangerzur", cho rằng đây có thể được coi là một yêu sách đối với lãnh thổ của Armenia.

Trước đó, ông Pashinyan tuyên bố rằng Armenia sẵn sàng công nhận vùng Nagorny-Karabakh là một phần của Azerbaijan với điều kiện quốc gia láng giềng đảm bảo an ninh và quyền lợi cho những cư dân gốc Armenia sống tại khu vực này. 

Tại Moscow, ông Aliyev nói việc "Armenia công nhận vùng Nagorny-Karabakh là lãnh thổ Azerbaijan" tạo ra cơ hội lớn để đạt thỏa thuận hòa bình. Ông Aliyev cũng khẳng định rằng Azerbaijan không có yêu sách lãnh thổ đối với Armenia.

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ tự trị của Azerbaijan nhưng có số đông cộng đồng người Armenia sinh sống. Sau khi Liên Xô tan rã, Armenia muốn kiểm soát vùng lãnh thổ này, dẫn đến đụng độ quân sự. Lần xung đột gần đây nhất là vào năm 2020 khi Azerbaijan kiểm soát diện tích đáng kể lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh. Nga sau đó can thiệp với vai trò trung gian ngừng bắn và đã giám sát lệnh ngừng bắn kể từ đó.

Đăng Nguyễn

Nguồn: nguoiduatin.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga