Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng hai nước này nên đưa đơn khiếu nại lên Tòa án công lý châu Âu thay vì nỗ lực phủ quyết ngân sách và quỹ phục hồi của khối.

132 1 Hungary Va Ba Lan Co The Khieu Nai Ra Toa An Cong Ly Chau Au

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: Politico.eu)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, Ba Lan và Hungary đang khiến hàng triệu người dân châu Âu phải chịu thiệt hại bằng việc ngăn chặn giải ngân ngân sách của EU.

Hiện tại, các điều khoản hiện tại về điều kiện giải ngân được đa số các quốc gia thành viên đồng ý, chỉ có hai quốc gia là Hungary và Ba Lan từ chối thông qua gói ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi EU. Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 7/12, nhiều khả năng các quốc gia sẽ phải đối mặt với việc thắt lưng buộc bụng cho năm tới.

Kế hoạch phục hồi được xây dựng nhằm thúc đẩy kinh tế của khối sau những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Việc kế hoạch này chưa được thông qua sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản tiền ngân sách vào thời điểm 27 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai và kinh tế của khối đang đối mặt với nguy cơ suy thoái trong những tháng cuối năm. Mặt khác, hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ không thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn hiện nay.

Điều này kéo theo hệ lụy đối với hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm đầu dịch Covid-19 là Italia và Tây Ban Nha khi đang mong chờ gói phục hồi này để từng bước tái thiết lại nền kinh tế do chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Bà Ursula von der Leyen trao đổi với các thành viên và cho rằng không nên để người dân phải chịu đựng thêm những thiệt hại. Nếu quốc gia nào nghi ngờ các điều kiện mà đa số các thành viên của khối cho rằng phù hợp có thể đưa vấn đề này ra Tòa án Công lý châu Âu để giải quyết chứ không thể để hàng triệu người châu Âu chờ đợi sự giúp đỡ trở nên tuyệt vọng.

Hiện tại, Ba Lan và Hungary vẫn chưa nhượng bộ đồng thời phủ quyết toàn kế hoạch phục hồi của khối với lý do không muốn gắn việc tiếp nhận tài trợ với hoạt động pháp quyền. Hai nước này cho rằng việc đưa ra cơ chế gắn với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền có động cơ chính trị. Điều này có thể dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các "tiêu chuẩn kép" đối với các nước thành viên.

Các quốc gia thành viên bao gồm Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển khẳng định họ sẽ không chấp nhận việc cắt giảm cơ chế, điều kiện pháp quyền đã thống nhất với nghị viện châu Âu, đồng thời tuyên bố các cử tri của họ sẽ không tha thứ  nếu các cơ quan châu Âu “nhắm mắt, làm ngơ” trước các vấn đề liên quan tới tham nhũng và pháp quyền hiện nay.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào 10/12 tới.

Nguồn: VOV.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga