4 người chết sau khi cảnh sát Myanmar hôm 28/2 bắn hơi cay, dùng lựu đạn gây choáng và bắn chỉ thiên trong nỗ lực dập tắt biểu tình phản đối đảo chính.

Theo báo cáo của Agence France-Presse, có 4 người đã thiệt mạng trong vụ bạo lực, trong đó có 3 người ở thị trấn Dawei, miền Nam Myanmar, cùng với 20 người khác bị thương. Một người đàn ông thiệt mạng đến từ Yangon.

Bên cạnh cuộc biểu tình, các nhân viên y tế đình công để phản đối cuộc đảo chính quân sự. Họ đã trở lại làm việc tại khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Yangon để điều trị cho những người bị thương.

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình ở Yangon đưa những người dính máu đến nơi an toàn, một người đàn ông được quay phim nằm bất động trên đường. Không rõ những người bị thương có bị trúng đạn thật hay không, tuy nhiên các loạt đạn thật được cho là đã được bắn tại Hledan Junction, một trong số các điểm tụ tập biểu tình.

132 1 Canh Sat Myanmar No Sung Giai Tan Nguoi Bieu Tinh 4 Nguoi Chet(Ảnh: EPA)

Ở những nơi khác tại trung tâm thành phố Yangon, một nhóm khoảng 10.000 người biểu tình bị bắn hơi cay, theo The Guardian.

“Thực sự tồi tệ và đáng sợ”, một người biểu tình ở giữa đám đông và trú ẩn trong nhà của cư dân cho biết.

Nhiều người ra đường đeo mặt nạ phòng độc, đội mũ và đeo kính bảo vệ sau khi cảnh sát ngày càng phản ứng dữ dội với hơi cay và đạn cao su, đặc biệt trong ngày 27/2. Theo đài truyền hình MRTV, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm đó.

Một giáo viên ở Yangon cho biết cô nhận được tin nhắn từ các học sinh khi thức dậy. Họ nói lời tạm biệt phòng trường hợp thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Quân đội Myanmar đối mặt với sự phản đối lớn của người dân sau khi nắm quyền từ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, bắt giữ bà và các chính trị gia khác trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Họ cáo buộc NLD về hành vi gian lận cử tri, dù điều này chưa được chứng minh.

Quân đội cam kết sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian một năm. Nhưng những người biểu tình không đồng tình và yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo được bầu của họ.

Trong 3 tuần qua, các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Myanmar. Trong khi đó, một cuộc đình công diễn ra trên quy mô toàn quốc, thu hút sự ủng hộ của các bác sĩ, kỹ sư, công nhân đường sắt và nông dân.

Tối 26/2, đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc, ông Kyaw Moe Tun, có một bài phát biểu đầy xúc động, kêu gọi quốc tế hành động để giúp khôi phục nền dân chủ và bảo vệ người dân Myanmar. Đến tối 27/2, MRTV thông báo ông đã bị cách chức vì lạm dụng quyền lực và có những hành vi sai trái do không tuân theo chỉ thị của chính phủ.

Cố vấn Aung San Suu Kyi vẫn chưa xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính và luật sư của bà cho biết ông không thể gặp bà. Bà đang bị cáo buộc nhập khẩu trái phép máy bộ đàm và vi phạm luật phòng chống thảm họa do vi phạm các hạn chế về COVID-19.

Phiên tòa tiếp theo của bà dự kiến sẽ được tổ chức vào 1/3. Nếu bị kết tội, bà có thể bị ngăn cản tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai.

Nguồn: VTCnews

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga