Chiến sự ở Ukraine mới chỉ vài ngày, nhưng đã động chạm đến những vấn đề lớn, quan điểm trái ngược và nhiều hệ lụy, không chỉ với Ukraine, Nga, phương Tây mà cả thế giới.

1 An Khuat Sau Cuoc Chien O Ukraine

 Chiến sự ở Ukraine để lại nhiều hệ lụy, không chỉ cho Ukraine, Nga, phương Tây mà cả thế giới. (Nguồn: AP)

Kịch bản được cảnh báo liên tục và không mong muốn đã xảy ra. Súng đã nổ, máu đã chảy. Viễn cảnh đen tối đang hiện hình.

Thứ nhất, vì sao Nga khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine? Động thái này hoàn toàn không bất ngờ, vì những mâu thuẫn, đối đầu tích tụ từ trong lịch sử và hiện tại, từ ý đồ chiến lược của các bên, chỉ chờ dịp là bùng phát.

NATO từng kết nạp các thành viên Đông Âu, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, áp sát, bao vây, đe dọa an ninh, lợi ích của Nga và không có dấu hiệu dừng lại. Chính phủ Ukraine có động thái xa rời, thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, thậm chí là “bài Nga”. Họ nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, sẵn sàng để NATO triển khai lực lượng, vũ khí trên lãnh thổ Ukraine.

Nga nhiều lần nêu điều kiện bảo đảm an ninh, nhưng NATO và chính phủ Ukraine phớt lờ, đánh giá sai ý chí của Mosow. Các bên vẫn kiên quyết giữ nguyên tắc, không quan tâm đúng mức đến yêu cầu, cảnh báo của bên kia.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, bất cứ ai cố cản đường, tạo ra mối đe dọa đất nước và nhân dân Nga, Moscow sẽ đáp trả ngay lập tức và hậu quả sẽ chưa từng thấy trong lịch sử. Nghĩa là Nga sẽ tiến hành mọi hành động được cho là cần thiết.

NATO ủng hộ Ukraine, cảnh báo, đe dọa, nhưng tuyên bố không đưa quân tham chiến, lo ngại cuộc chiến tranh tổng lực với Nga. Nga có đủ thế và lực để đáp trả, ngăn chặn mọi thách thức, mọi hành động trừng phạt. Hành động của chính phủ Ukraine và NATO tạo ra các yếu tố để Nga có thể động binh.

Nga công nhận Cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) và Lugansk (LPR). DPR, LPR kêu gọi giúp đỡ, ký kết hiệp ước với Nga. Các điều kiện cần thiết đã hội tụ. Kịch bản mở chiến dịch quân sự đã nằm sẵn trong két sắt. Đây không phải là ưu tiên số một, nhưng khi các phương án khác không khả thi, thì nó được kích hoạt. Ngay và luôn, Tổng thống Vladimir Putin lệnh phát động chiến dịch quân sự.

Nga "động binh" với Ukraine không phải bất ngờ, vì những mâu thuẫn, đối đầu tích tụ từ trong lịch sử và hiện tại, từ ý đồ chiến lược của các bên, chỉ chờ dịp là bùng phát.

Thứ hai, thế giới chia rẽ về bản chất hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Theo Nga, đó là chiến dịch quân sự đặc biệt, nhằm phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, trung lập hóa Ukraine; ngăn chặn, triệt tiêu hậu họa có thể xảy ra.

Phương Tây gọi đó là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, âm mưu khôi phục Liên Xô, vẽ lại bản đồ châu Âu. Một số chính khách, học giả nói Mỹ và đồng minh từng tiến hành chiến tranh ở quốc gia khác với lý do “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, chống khủng bố, nên lên án Nga là “tiêu chuẩn kép”.

Có người thừa nhận Ukraine sai lầm, nhưng mục đích không thể biện minh cho hành động quân sự. Có nhà lãnh đạo né tránh, bởi lo ngại quốc gia họ cũng có thể xảy ra những việc tương tự.

Tranh cãi khó có hồi kết, bởi sự khác nhau về quan điểm, chính sách, chiến lược, lợi ích quốc gia và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Nhưng dư luận lại thống nhất về những hệ lụy từ xung đột quân sự ở Ukraine.

Tranh cãi khó có hồi kết, bởi sự khác nhau về quan điểm, chính sách, chiến lược, lợi ích quốc gia và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế.

Thứ ba, tác động nghiêm trọng của xung đột quân sự ở Ukraine. Châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh sâu sắc. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế đứng trước thách thức lớn. Cấu trúc an ninh hiện hành không còn phù hợp, không đủ sức ngăn ngừa xung đột, chiến tranh. Lòng tin đổ vỡ.

Phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy, trong đó loại Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng thế giới (SWFT), được ví như “lựa chọn hạt nhân”. Hố ngăn cách giữa phương Tây với Nga càng sâu, rộng. Nền kinh tế thế giới ốm yếu sau đại dịch, bị giáng một đòn chí mạng, khủng hoảng năng lượng, giá dầu leo thang, chứng khoán chao đảo, hệ thống cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Thiệt hại nặng nề nhất là Ukraine. Nhân dân Ukraine vừa là nạn nhân của chính sách sai lầm của chính phủ mình, vừa là nạn nhân của sự lôi kéo, tranh giành chiến lược giữa các nước lớn. Dù cuộc chiến hạn chế, cũng không tránh khỏi chết chóc, thương vong, hạ tầng cơ sở đổ nát, cuộc sống đảo lộn, nảy sinh những bức xúc, mâu thuẫn xã hội, giữa người dân với chính phủ, giữa các cộng đồng dân tộc. Vết hằn giữa Ukraine và Nga còn kéo dài, khó lấp đầy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thốt lên, chúng tôi đơn độc, bị bỏ rơi. Ông nói sai lầm khi từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí hạt nhân vì tin theo lời hứa của các nước lớn. Cam kết của NATO không mấy hiệu quả. Các nước sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí để phòng ngừa. Cuộc chiến ở Ukraine thúc đẩy chạy đua vũ trang toàn cầu.

Gói trừng phạt kinh tế, thương mại, tài chính, công nghệ, chính trị, ngoại giao của phương Tây tăng về nội dung, quy mô, hình thức, biện pháp, tác động mạnh đến sự phát triển, vị thế, ảnh hưởng, quan hệ quốc tế của Nga. Nhưng trừng phạt là con dao hai lưỡi, phương Tây cũng chịu tổn thất không nhỏ. Các nước khác không liên quan đến xung đột cũng bị ảnh hưởng.

Với hệ lụy quá lớn, các nước chăm chú theo dõi và mong cuộc chiến sớm kết thúc.

Thứ tư, xung đột quân sự ở Ukraine bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào? Ngoại giao có còn cơ hội không? Nga đặt ra mục tiêu phi quân sự hóa, phi phát xít hóa ở Ukraine, tạo các yếu tố bảo đảm an ninh cho mình. DPR, LPR được hợp pháp hóa, có quyền quản lý toàn bộ khu vực Donbass và công nhận Crimea thuộc Nga. Đồng thời, cần làm suy giảm tiềm lực, nhất là về quân sự, để Ukraine không thể trở lại con đường cũ. Chừng nào chưa đạt được mục tiêu một cách chắc chắn, chừng đó chiến sự chưa ngừng.

Nga đang và sẽ cùng quân đội của DPR, LPR tiến công chiếm giữ, kiểm soát toàn bộ vùng Donbass. Sau khi phá hủy các mục tiêu quân sự, làm tan rã về cơ bản quân đội Ukraine, chiếm giữ các địa bàn, mục tiêu quan trọng như sân bay, cảng, căn cứ quân sự ở các thành phố trên cả nước, quân đội Nga có thể giảm nhịp độ tiến công.

Nga tuyên bố không chiếm đóng lâu dài Ukraine. Nhưng nhiều khả năng vẫn duy trì lực lượng, kiểm soát, bảo vệ các khu vực, mục tiêu quân sự quan trọng ở Donbass và các vùng khác. Nga chỉ rút phần lớn lực lượng khi chắc chắn không còn sự kháng cự nào và Ukraine có một chính quyền thân thiện với Moscow. Khả năng Nga tận dụng tình hình, mở rộng tiến công ra ngoài phạm vi Ukraine hầu như không có.

Nga sẵn sàng đối thoại, đàm phán chấm dứt xung đột, với điều kiện chính quyền Ukraine thực sự chấp nhận trung lập hóa, từ bỏ ý định gia nhập NATO. Dù hai bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, nhưng khi chưa đạt được thỏa thuận như Nga yêu cầu, thì chiến sự vẫn tiếp diễn.

Thời gian chiến sự còn phụ thuộc vào khả năng chống chịu, gây thiệt hại cho đối phương của quân đội Ukraine và hành động gây sức ép của phương Tây. NATO và phương Tây sẽ tiếp tục trừng phạt, viện trợ vũ khí, tài chính, kêu gọi các nước phản đối, gây khó khăn nhất định cho Nga, nhưng không quyết định được kết cục.

Chính phủ Ukraine đứng trước hai lựa chọn nghiệt ngã, hoặc chấp nhận đàm phán hoặc tiếp tục chống trả. Chênh lệch sức mạnh quân sự giữa Nga và Ukraine quá lớn. Đàm phán hạn chế tổn thất, đổ máu, nhưng Kiev ở vào thế bất lợi lớn so với trước khi xảy ra xung đột quân sự. Các điều kiện đàm phán của Nga khó “nuốt trôi”.

Với cục diện hiện nay, chiến sự có thể giảm nhịp độ, quy mô, tạm dừng sau một, hai tuần. Nhưng không loại trừ trường hợp một bộ phận quân đội và dân chúng, được nước ngoài hỗ trợ, tiếp tục hoạt động theo kiểu du kích, ở một số khu vực, chống lại quân đội Nga.

Cánh cửa đàm phán vẫn chưa đóng hẳn, nhưng khó khăn.

Thứ năm, những bài học đầu tiên. Lựa chọn con đường, bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là quyền của mọi quốc gia. Nhưng quan trọng là cách thức đi đến đích. Lịch sử đã đúc kết những bài học xương máu, chiến lược quốc gia tối ưu là bảo vệ được đất nước mà không phải tiến hành chiến tranh. Dựa vào bên ngoài, đi với bên này để chống lại bên kia, không mang lại kết quả tốt đẹp. Không ai đổ máu thay mình để bảo vệ đất nước mình.

Các quốc gia, nhất là ở cạnh các nước lớn, có vị trí địa chiến lược quan trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của mình phải đi đôi với hài hòa lợi ích, thu hẹp khác biệt với nước khác; luôn lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định làm trọng. Cân bằng quan hệ, dàn xếp hợp lý lợi ích, nhất là với các nước lớn, nước láng giềng, nhưng không để phụ thuộc, mất độc lập, tự chủ. Không để đất nước trở thành con bài trong cuộc tranh giành chiến lược giữa các nước lớn.

Các bài học được đúc kết từ lâu, nhưng không phải ai cũng thấm. Khủng hoảng, xung đột ở Ukraine thêm một lần khẳng định giá trị của bài học.

Nhận thức đúng đã khó, thực hiện lại càng khó hơn. Cần làm tốt nhiều việc. Trước hết và chủ yếu là có đường lối, chính sách đúng đắn, đội ngũ lãnh đạo trí tuệ, tránh sai lầm chiến lược và sự đồng thuận cao của xã hội, nhân dân.

Dù gọi bằng tên gì, dù có hạn chế, thì cái giá của chiến tranh, xung đột quân sự cũng vô cùng đắt đỏ.

Các bên liên quan cần kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Đó là quan điểm của Việt Nam và cũng là của các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Vũ Đăng Minh

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga