Dù mất một cánh tay sau trận không chiến, Ivan Leonov vẫn khao khát được bay và tìm ra cách điều khiển tiêm kích bằng một thiết bị đặc biệt.

Với phi công tiêm kích trong Thế chiến II, việc bị thương và mất tay hoặc chân trong chiến đấu sẽ chấm dứt sự nghiệp tung hoành trên bầu trời. Tuy nhiên, một số ít phi công Liên Xô đã không chấp nhận số phận nghiệt ngã đó. Khoảng 10 người quay lại bầu trời dù mất chân và vài người vẫn bay dù mất tay, trong đó có phi công tiêm kích Ivan Leonov.

5/7/1943 trở thành ngày định mệnh với Leonov, phi công thuộc sư đoàn đổ bộ đường không 192 không quân Liên Xô. Khi trở về sau chuyến bay trinh sát khu vực diễn ra trận Kursk, phi đội của Leonov bị máy bay Đức tấn công. Gặp bất lợi về quân số, các phi công Liên Xô nhanh chóng thất thế, chiếc tiêm kích La-5 của Leonov lỗ chỗ vết đạn.

"Tôi thấy cánh tay trái của mình nóng rát, sau đó không còn cảm giác gì nữa. Tôi không thể cử động cánh tay trái, không thể làm bất cứ điều gì. Tôi ngất đi một lúc", Leonov nói và cho biết bằng cách nào đó ông vẫn bật được dù thoát khỏi chiếc La-5 đang bốc cháy.

132 1 Phi Cong Lien Xo Mat Mot Tay Van Lai Tiem Kich

Phi công Liên Xô Ivan Leonov. Ảnh: RBTH.

Các đồng đội sau đó tìm thấy Leonov và đưa ông tới bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể cứu được cánh tay trái của Leonov và phải cắt bỏ đến gần vai. Leonov khi đó dường như chỉ còn cách giải ngũ hoặc xin làm công việc bàn giấy tại bộ tổng tham mưu quân đội Liên Xô.

Tuy nhiên, Leonov không chấp nhận số phận. Sau khi xuất viện vào tháng 3/1944, ông gõ cửa khắp nơi để xin được tiếp tục lái máy bay. Các tướng lĩnh Liên Xô ái ngại nhìn Leonov, ông không chỉ mất cánh tay trái mà còn bị thương ở chân trong vụ không chiến gần một năm trước đó.

Trung tướng Mikhail Gromov, chỉ huy tập đoàn quân đổ bộ đường không số 1, chấp thuận cho Leonov tiếp tục ngồi vào buồng lái "nếu tìm ra cách điều khiển máy bay". "Tôi hỏi Leonov rằng cậu ấy định thao tác với cần điều khiển trên máy bay sau khi mất một bên cánh tay thế nào?", Gromov kể lại.

"Leonov giải thích cặn kẽ về một thiết bị làm bằng hợp kim nhôm gắn vào vai trái, cho phép thao tác với cần điều khiển chỉ bằng chuyển động nhẹ. Leonov đã giải quyết được vấn đề làm thế nào để lái máy bay chỉ với một tay", tướng Gromov cho biết.

132 2 Phi Cong Lien Xo Mat Mot Tay Van Lai Tiem Kich

Ivan Leonov tại nhà riêng ở thủ đô Moskva của Nga tháng 4/2018. Ảnh: Kommersant.

Leonov chỉ mất vài tuần để quay lại buồng lái tiêm kích, song ông không thể tiếp tục tham gia các cuộc không chiến được nữa. Leonov sau đó gia nhập phi đội liên lạc 33 và điều khiển máy bay đa dụng U-2 (Po-2).

Ông nhận nhiệm vụ chuyển thông tin liên lạc bí mật cho sở chỉ huy, thư từ và các loại ấn phẩm khác nhau cho tiền tuyến, thậm chí chuyển thương binh và trinh sát hậu phương hoặc vị trí quân Đức. Trong một chuyến bay trên chiếc U-2, Leonov bị thương ở chân khi máy bay của ông trúng đạn đại liên.

Leonov thực hiện tổng cộng 52 nhiệm vụ bay chiến đấu sau khi mất cánh tay bên trái, trước khi chuyển sang làm kiểm soát không lưu trên mặt đất. Ông được trao ba Huân chương Sao đỏ vì cống hiến trên mặt trận. Sau khi Liên Xô đánh bại phát xít Đức, Leonov giải ngũ và mất tháng 6/2018, hưởng thọ 95 tuổi.

Nguyễn Tiến (Theo RBTH)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga