Tháng 4/1944, Roza Shanina cảm thấy bủn rủn khi lần đầu tiên bắn chết một phát xít Đức, khởi đầu chuỗi thành tích hạ gục 59 tên trong 10 tháng.

Roza Shanina sinh ngày 3/4/1924 tại một xã cách thành phố Leningrad (hiện nay là St. Petersburg) ở Liên Xô vài trăm km về phía đông. Cha mẹ của cô là Yegor, một cựu binh Thế chiến I làm nghề khai thác gỗ, còn mẹ Anna làm việc tại trang trại bò sữa. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Shanina vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, đi bộ gần 13 km mỗi ngày tới trường trung học gần nhất.

Shanina được nhận xét là học sinh lanh lợi với tinh thần độc lập cao. Năm 1938, khi cha mẹ không cho phép cô tiếp tục đi học, Shanina ở tuổi 14 đã bỏ nhà, đi bộ 50 giờ tới ga xe lửa gần nhất để đến thành phố Arkhangelsk ở phía bắc. Cô ở cùng anh trai Fyoder tới khi được nhận vào trường cấp hai của thành phố và sống trong ký túc xá bằng khoản trợ cấp cho học sinh.

Sau khi Đức quốc xã tràn qua biên giới phía tây, xâm lược Liên Xô hồi tháng 6/1941, chế độ miễn học phí cấp hai bị bãi bỏ, khiến Shanina không còn được hỗ trợ. Để trang trải cuộc sống, Shanina nhận việc tại một trường mẫu giáo địa phương, nuôi hy vọng theo đuổi nghề giáo viên.

Tuy nhiên, bóng ma chiến tranh nhanh chóng bao trùm cuộc sống người dân. Tháng 12/1941, Mikhail, một anh trai của Shanina, thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân Đức tại Arkhangelsk, thúc đẩy thiếu nữ gan dạ quyết tâm ra chiến trường để trả thù cho cái chết của anh trai.

132 1 Nu Xa Thu Lien Xo Tung Gieo Kinh Hoang Cho Phat Xit Duc

Roza Shanin, nữ xạ thủ bắn tỉa của Liên Xô trong Thế chiến II. Ảnh: Rare Historical Photos.

Hồng quân Liên Xô ban đầu cấm phụ nữ nhập ngũ, nhưng đã đổi ý do tình hình chiến trường ngày càng trở nên tồi tệ hơn, khiến họ thiếu nhân lực nghiêm trọng. Cùng với hàng chục nghìn phụ nữ Liên Xô khác, Shanina xin gia nhập quân đội, đăng ký vào Học viện Bắn tỉa Nữ và tốt nghiệp loại giỏi hồi tháng 4/1944 ở tuổi 20.

Khả năng thiện xạ đáng kinh ngạc của Shanina được công nhận rộng rãi đến mức học viện đề nghị cô ở lại làm giảng viên thay vì ra mặt trận, nơi mạng sống luôn đặt trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, Shanina lại quyết định đảm nhiệm chức chỉ huy trung đội bắn tỉa nữ thuộc Sư đoàn Bắn tỉa số 184 ngay sau khi tốt nghiệp.

Ba ngày sau khi đến mặt trận phía tây, Shanina lần đầu tiên ra tay diệt địch.

"Tối hôm đó, một lính Đức xuất hiện trong chiến hào. Tôi ước tính khoảng cách tới mục tiêu không quá 400 m, một khoảng cách phù hợp. Khi gã người Đức cúi đầu xuống và đi về phía rừng, tôi đã bóp cò. Tuy nhiên, dựa vào cách hắn ta ngã xuống, tôi biết hắn chưa chết. Tên phát xít nằm không nhúc nhích giữa đống bùn trong khoảng một giờ, sau đó bắt đầu bò đi. Tôi khai hỏa một lần nữa, và lần này không trượt", Shanina kể lại với báo chí.

Sau khi nhận ra việc mình vừa làm, Shanina cảm thấy chân bủn rủn và trượt xuống một chiến hào. "Tôi vừa giết một người đàn ông", cô bàng hoàng nói với một nữ đồng đội, rồi nhận lại lời an ủi rằng cô "vừa kết liễu một tên phát xít". Tháng 5/1944, Shanina được trao Huân chương Vinh quang, trở thành nữ xạ thủ đầu tiên nhận được vinh dự này.

Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động tại mặt trận, Shanina thất vọng vì chỉ được giao những công việc ở hậu phương, do chính sách của Liên Xô không cho phép phụ nữ lên tiền tuyến. Ngày 29/7/1944, Shanina viết thư cho Pyotr Molchanov, người bạn làm phóng viên chiến trường, để nhờ anh can thiệp.

"Giá như anh biết tôi khao khát sát cánh cùng các chiến sĩ trên mặt trận và tiêu diệt những tên phát xít đến nhường nào. Tôi muốn nhờ anh nói chuyện với ai đó phụ trách việc này, mặc dù tôi biết anh vô cùng bận", bức thư có đoạn.

Do không chịu "an phận", Shanina dần có thói quen tự ý rời vị trí và chạy lên tiền tuyến để làm dài thêm danh sách những tên phát xít bị cô hạ gục. Sự việc nhanh chóng thu hút giới báo chí, với những bài viết có tiêu đề như "Hãy noi gương Roza Shanina!", hay "Một phát đạn, một tên phát xít!".

Một nhiếp ảnh gia Liên Xô mô tả Shanina là "cô gái cao và mảnh mai với đôi mắt biết cười", người chỉ đồng ý chụp hình nếu bạn bè của cô xuất hiện cùng. Số báo ngày 23/9/1944 của tờ Ottawa Citizen cũng viết về "Cô gái Hồng quân giết 5 lính Đức trong một ngày".

Tại thời điểm đó, số quân Đức thiệt mạng dưới tay nữ chiến sĩ bắn tỉa trẻ tuổi này là 46. Cô bắt đầu nhiệm vụ vào mỗi buổi bình minh mù sương, "bò qua một chiến hào đầy bùn để tới vị trí được ngụy trang đặc biệt, nơi cô có thể quan sát vị trí quân Đức", bài báo có đoạn.

Tác giả bài báo còn mô tả chi tiết về buổi sáng Shanina diệt 5 tên địch cùng lúc. Trong lúc im lặng chờ đợi, cô phát hiện một tay súng máy của Đức ở lối ra một lô cốt dựng bằng bao cát và gỗ. Khi hắn rời khỏi vị trí, Shanina "dứt điểm" mục tiêu bằng một phát đạn.

Hai lính Đức khác vội vã tới ứng cứu, nhưng nhanh chóng bị cô hạ gục. Hai lính Đức tiếp theo tới đó cũng bị bắn chết ngay lập tức. "Hiểu một cách đơn giản, cô ấy là nỗi kinh hoàng vô hình ở khu vực Đông Phổ", tác giả bài báo nhận xét.

132 2 Nu Xa Thu Lien Xo Tung Gieo Kinh Hoang Cho Phat Xit Duc

Shanina (trái) hướng dẫn một binh sĩ cách bắn tỉa. Ảnh: Rare Historical Photos.

Tới tháng 10/1944, Shania đã trở thành người nổi tiếng với một loạt bài báo ca ngợi. Các tạp chí dành cho phụ nữ khắc họa hình ảnh cô trong bộ váy và áo giáp của chiến binh Nga cổ đại, tay cầm khẩu súng bắn tỉa.

Trong khi đó, Shanina bắt đầu tự ghi chép lại khoảng thời gian trên chiến trường vào nhật ký, kể lại các câu chuyện, đồng thời gửi gắm những cảm xúc cô đơn, đau khổ và hy vọng về tương lai, bởi chiến tranh đã cướp đi đời sống tình cảm của cô. Shanina từng kết bạn với một số người, đôi khi có bạn trai, nhưng cuối cùng nhiều người trong số họ phải ra đi. "Trái tim của tôi không còn tin tưởng bất cứ ai", cô viết trong nhật ký ngày 10/10/1944.

Những chuỗi ngày trên chiến tuyến của Shanina tiếp tục kéo dài với tiếng súng dường như không hồi kết, kéo theo đó là những dòng nhật ký ngày càng nhuốm màu đau buồn. "Bên trong xe tăng thật lạnh lẽo. Khói xe khiến mắt tôi bị đau và khó thở. Tôi ngủ như chết. Cuối cùng tôi cũng chắc chắn rằng mình không có khả năng yêu ai", Shanina viết ngày 16/1/1945.

Ngày tiếp theo tình hình thậm chí tồi tệ hơn. "Hôm nay đối với tôi cảm giác dài như cả tháng. Tôi gần như nôn tất cả những gì có trong bụng ra ngoài. Băng bó vết thương và tiến lên phía trước... Giá lạnh, đói khát. Tôi vừa vào một đơn vị và bị mấy gã buông lời khiếm nhã. Những câu tục tĩu ở khắp nơi. Quá mệt mỏi", nhật ký ngày 17/1/1945 có đoạn.

Shanina cho biết cô còn bị con trai một đại tá cưỡng hôn khi say rượu, nên đã phản ánh nỗi ấm ức với cha của anh này. "Chỉ bởi vì tôi là con gái, đâu có nghĩa là ai cũng phải hôn tôi?", Shanina cho hay.

Cuộc đời của nữ xạ thủ tài năng không kéo dài bao lâu. Ngày 27/1/1945, hai binh sĩ tìm thấy thi thể Shanina trên chiến trường với vết thương do đạn pháo giữa ngực, nằm trên một sĩ quan bị thương để bảo vệ anh. Cô được chôn cất ở phía đông nước Đức với đầy đủ nghi thức trang trọng của quân đội.

Là tay súng bắn tỉa nữ đầu tiên của Liên Xô được trao Huân chương Vinh quang, đồng thời là một trong những xạ thủ tiêu diệt được nhiều quân địch nhất của Liên Xô trong Thế chiến II, di sản của Shanina có sức lan tỏa rộng lớn, đặc biệt tại Nga sau này.

Phóng viên Molchanov, bạn của Shanina, đã giữ những bức thư và nhật ký của cô trong 20 năm, sau đó xuất bản chúng vào năm 1965, giúp trao cho nữ xạ thủ sự công nhận mà cô xứng đáng.

Ánh Ngọc (Theo ATI)

 

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga