Tròn 80 năm trước, thiếu tá Pyotr Mikhailovich Gavrilov là người lính chiến đấu cuối cùng ở pháo đài Brest trong cuộc tấn công của phát xít Đức vào lãnh thổ Liên Xô.

Vào ngày 22/6/1941, đúng 80 năm trước, phát xít Đức mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô, bắt đầu từ pháo đài Brest. Cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ với sức mạnh quân sự vượt trội của 17.000 quân Đức cùng 2 sư đoàn xe tăng và không quân hỗ trợ tổng lực, tưởng như có thể trong chốc lát đè bẹp được đội quân phòng thủ 9.000 người với vũ khí nhẹ tại Brest. Thế nhưng đến tận ngày 29/6/1941, Đức mới chiếm được pháo đài này.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại pháo đài chưa kết thúc vào ngày 29/6 định mệnh đó, khi Đức thả 2 quả bom “Satan” nặng 2 tấn mỗi quả phá sập hoàn toàn phần phía Đông của pháo đài. Rất nhiều binh sĩ phòng thủ pháo đài Brest đã rút xuống hầm ngầm tiếp tục chiến đấu, trong đó nhân vật đáng kể đến nhất chính là thiếu tá Pyotr Mikhailovich Gavrilov, người lính chiến đấu cuối cùng của pháo đài, bị bắt ngày 23/7/1941.

1 Nguoi Linh Lien Xo Cuoi Cung Tu Thu Trong Tran Phao Dai Brest

Pyotr Gavrilov thăm các học sinh tại một trường trung học ở thành phố Krasnoadar. (Ảnh: N.Kozachenko)

Kiên quyết không đầu hàng

Trong trận chiến tại pháo đài Brest, thiếu tá Pyotr Mikhailovich Gavrilov là trung đoàn trưởng trung đoàn Bộ binh số 44, Sư đoàn Bộ binh 42, Quân đoàn 13 thuộc Mặt trận phía Tây. Ông sinh ngày 17/6/1900 trong một gia đình nông thôn. Cách mạng tháng 10 nổ ra, như nhiều nông dân khác, Gavrilov tình nguyện gia nhập lược lượng Hồng quân non trẻ và chiến đấu chống lực lượng phản cách mạng trên khắp các mặt trận phía Đông, phía Nam và bắc Kavkaz.

Sau khi Liên Xô thành lập, ông được cử đi học tại Học viện Bộ binh Vladikavkaz (Bắc Osetia) và tốt nghiệp năm 1925. Sau đó, ông lại tiếp tục học tại Học viện Sĩ quan Frunze và tốt nghiệp năm 1939. Sau tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm trực tiếp làm trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh số 44 và tham chiến trong cuộc chiến Mùa đông với Phần Lan trong 2 năm 1939-1940.

Trong những ngày đầu tiên phát xít Đức tấn công pháo đài Brest, Thiếu tá Gavrilov đã chỉ huy quân phòng thủ tại phần thành lũy phía Tây của pháo đài. Ông đã tập hợp được các binh sĩ còn sống sót của rất nhiều đơn vị khác nhau và tổ chức cho họ phòng thủ hữu hiệu những nơi trọng yếu và đánh bật quân Đức tấn công. Sau khi quân Đức sử dụng bom ném cấp tập vào khu vực phòng thủ, ngày 27/6/1941, chính trị viên Trung đoàn bộ binh 333 đã tổ chức cho một phần lực lượng rút lui khỏi pháo đài, tuy nhiên Gavrilov đã quyết định ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Khi quân Đức chiếm được toàn bộ phần nổi của pháo đài ngày 29/6, Gavrilov chỉ huy một tiểu đội 12 người ẩn nấp dưới hầm ngầm và dùng chiến thuật tấn công bất ngờ để tiêu hao sinh lực quân chiếm đóng. Trong gần 1 tháng chiến đấu, lần lượt từng người trong đội của Gavrilov hy sinh vì hỏa lực quân Đức và vì cả thiếu thốn thức ăn, nước uống.

Là người còn sót lại cuối cùng, trong tình trạng bị thương nặng, Gavrilov đã cố ăn cả phần rơm trộn dành nuôi gia súc tìm được trong pháo đài để sống sót. Cho đến ngày 23/7/1941, vừa bị ngộ độc thức ăn, vừa bị thương, ông đã chiến đấu trong suốt 1 giờ với lính Đức trước khi bất tỉnh và bị bắt.

2 Nguoi Linh Lien Xo Cuoi Cung Tu Thu Trong Tran Phao Dai Brest

Phần mộ của Thiếu tá Pyotr Gavrilov tại pháo đài Brest.

Theo ghi chép lại từ nhân chứng Đức của nhà sử học Sergei Smirnov, người sau này phục hồi danh dự cho Thiếu tá Gavrilov, khi bị bắt, “viên thiếu tá vẫn mặc đầy đủ quân phục chỉ huy, nhưng lúc này đã rách nát như giẻ lau, mặt ông phủ kín khói thuốc súng vài bụi đen xì cùng bộ râu rậm rạp suốt 1 tháng không cạo.

Ông ta bị thương, bất tỉnh và cực kỳ gầy yếu.

Ông ta lúc đó đúng chỉ còn là 1 bó xương bọc trong da, thậm chí không còn phản xạ nuốt khi được đút thức ăn.

Để cứu sống ông, các bác sĩ Đức đã phải đút ống tiếp thức ăn thông thẳng tới dạ dày. Tuy nhiên, những lính Đức đã bắt được ông đưa về trại lúc đó đã phản đối các bác sĩ, cho rằng tên này chỉ mới hơn một giờ trước vẫn còn chống trả quyết liệt bằng súng ngắn và lựu đạn, khiến vài lính Đức quốc xã bị chết và bị thương.”

Tuy nhiên, nhờ ý chí kiên cường của mình, thiếu tá Pyotr Gavrilov đã khiến các sĩ quan Đức nể phục. Rất nhiều sĩ quan Đức gần đó đã tới tận nơi để nhìn rõ mặt người chỉ huy đối phương đã kiên cường chiến đấu trong nghịch cảnh như vậy.

Trong suốt gần 4 năm sau đó, thiếu tá Gavrilov bị nhốt trong các trại tập trung của Đức quốc xã như Hammelburg, Revensburg và Mauthausen. Dù ông kiên quyết không khai tên tuổi, cấp bậc nhưng quân Đức biết rõ ông là một chỉ huy cấp cao của quân đội Liên Xô tại Brest, và có giá trị tuyên truyền rất cao nếu chiêu hàng được.

Trong thời gian đầu, Pyotr Gavrilov đã nếm trải tất cả sự kinh hoàng của các trại tập trung của Đức, nhưng ông vẫn không khai ra bất cứ một thông tin nào. Kết cục, quân phát xít phải chịu thua và không đụng đến ông trong suốt những năm giam giữ sau đó.

3 Nguoi Linh Lien Xo Cuoi Cung Tu Thu Trong Tran Phao Dai Brest

Thiếu tá Pyotr Gavrilov gặp lại các đồng đội cũ cùng chiến đấu tại pháo đài Brest năm 1956, từ trái qua phải: Aleksandr Ivanovich Semenenko, Trợ lý tham mưu Trung đoàn bộ binh số 44; Thượng úy Nikolai Ivanovich Zorykov, Chủ nhiệm vận tải và hậu cần Trung đoàn bộ binh số 44 và Thiếu tá Pyotr Mikhailovich Gavrilov, Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh số 44.

Bền bỉ chiến đấu trong thời bình

Năm 1945, Thiếu tá Pyotr Gavrilov được Hồng quân cứu khỏi trại tập trung Mauthausen. Sau khi kiểm tra nhân thân kỹ lưỡng, Gavrilov được gia nhập lại quân đội và phục hồi quân hàm Thiếu tá. Tuy nhiên, ông lại bị khai trừ Đảng vì làm mất thẻ và bị địch bắt giữ. Cuối năm 1945, ông được điều làm giám thị trại giam những tù binh Nhật được sử dụng để xây tuyến đường sắt Abakan – Taishet. 

Yuri Knutov, một đồng đội của Gavrilov cho biết: “Dù đã nếm trải đủ sự tàn ác của các trại tập trung, nhưng Gavrilov không hề chai sạn. Ông đối xử rất nhân đạo với tù binh Nhật, ngăn ngừa cấp dưới ngược đãi họ, thậm chí còn tổ chức chữa bệnh và ngăn chặn sự bùng phát của dịch sốt phát ban trong trại”.

Sau khi quân đội Liên Xô giảm biên chế, Gavrilov được đưa về lực lượng dự bị và hồi hương tại quê nhà mình ở Cộng hòa Tự trị Tatar. Tuy nhiên, với tiếng đồn để địch bắt, Gavrilov bị đồng hương đối xử ghẻ lạnh, khiến ông phải chuyển về Krasnodar sinh sống. Tại đây, Gavrilov sống một cuộc đời khiêm tốn với vai trò công nhân cần cẩu tại một xưởng chế tạo máy. Sau này, trong giai đoạn xét lại, trên một số tờ báo phương Tây còn tuyên truyền câu chuyện Gavrilov đã bị bắt giữ và nhốt trong Gulag. Tuy nhiên, theo cả hồi ký của ông cũng như đồng đội cũ là Knutov, việc này hoàn toàn không xảy ra.

4 Nguoi Linh Lien Xo Cuoi Cung Tu Thu Trong Tran Phao Dai Brest

Thiếu tá Pyotr Gavrilov cùng vợ năm 1955.

Trong thập niên 1950, nhờ sự nỗ lực tuyệt vời của nhà văn Sergei Sergeevich Smirnov và nhà thơ nổi tiếng Konstantin Mikhailovich Simonov (tác giả bài thơ “Đợi anh về”), một cuộc điều tra toàn diện về những người lính phòng thủ Brest được tiến hành. Thành tích anh dũng của thiếu tá Pyotr Gavrilov lúc này mới được biết đến. Năm 1957, ông được phục hồi toàn bộ danh hiệu, chức vụ trong Đảng và được trao tặng danh hiệu cao quý nhất Anh hùng Liên Xô cùng Huân chương Lenin và Huân chương Sao Vàng. Cùng với các giải thưởng, ông cũng được cấp một căn hộ 3 phòng tại Krasnodar để tiện sinh hoạt.

Sau khi được phục hồi danh dự, Pyotr Gavrilov đã chủ động tham gia tích cực các hoạt động xã hội, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, và viết hồi ký. 

Ông mất ngày 26/1/1979 và được an táng tại pháo đài Brest – nằm cạnh đồng đội của mình theo đúng nguyện vọng của ông. Tên của Pyotr Gavrilov cũng đã được đặt cho nhiều con đường tại các thành phố Liên Xô và cả một đỉnh núi trên dãy Thiên Sơn.

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga