Gần 100 năm sau khi Sa hoàng Nga cuối cùng và hoàng gia bị xử tử ngày 17-7-1918, câu chuyện này lại được nhắc đến, từ một chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Tháng 7-2015, chính phủ Nga có sắc lệnh do Thủ tướng Nga  Dmitry Medvedev ký, ra lệnh lập một tổ làm việc cấp cao, để xác minh và chôn cất tro cốt được cho là của con trai một và con gái của Nikolai II, Sa hoàng Nga cuối cùng và hoàng gia bị xử tử.

Bí mật truy tìm mộ và phân tích DNA là chìa khóa để làm sáng tỏ bí ẩn về vụ sát hại cả gia đình Sa hoàng cuối cùng của Nga.

1 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Gia đình Sa hoàng Nikolai II

Ngày 17-7-1918, Sa hoàng Nikolai II và gia đình cùng người hầu bị xử tử dưới tầng hầm tòa dinh thự của họ ở Yekaterinburg.

Năm 1991, xác cốt của một số thành viên hoàng gia Romanov được tìm thấy, đến năm 1998 thì chôn cất trong nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul ở St Petersburg. 

Di cốt của Thái tử Alexei vốn bị bệnh dễ chảy máu, và của đại nữ công tước Maria chỉ được được tìm thấy năm 2007, cách di cốt của những người khác khoảng 70 km. Alexei 13 tuổi khi bị giết, còn Maria 19 tuổi.

Hai di cốt này hiện được lưu trong cục tàng thư quốc gia Nga từ gần 10 năm nay, do chưa thể xác minh được có đúng là hai người con của Sa hoàng hay không.

Nhằm chính thức chôn cất di cốt của hai người con này của Sa hoàng, công tác xác minh được giao cho tổ làm việc cấp cao, phó thủ tướng  Sergei Prikhodko dẫn đầu.

Andrei Artizov, lãnh đạo Cục tàng thư Nga nói với hãng tin RIA Novosti hôm 10-7: “Hôm nay, theo lệnh Tổng thống Putin, tôi hy vọng cuộc chôn cất sẽ được hoàn tất”.

Một cán bộ khác của Cục là Sergei Mironenko, nói: “Di cốt của Alexei và Maria được tìm thấy phải được chôn cùng cha mẹ họ. Cá nhân tôi đoán chắc đó là di  cốt của Alexei và Maria”.

Trong khi các nhà điều tra hình sự Nga kết luận: đó là di cốt của Alexei và Maria sau khi xét nghiệm DNA, Giáo hội Chính thống Nga vẫn chưa công nhận. Tổ chức tôn giáo này cũng không công nhận tro cốt của dòng họ Sa hoàng Romanov là thánh vật, Giáo chủ không dự lễ chôn cất năm 1998.

Sa hoàng và gia đình bị ném xuống rãnh, bị vùi nông:

Lịch sử Nga kể, Sa hoàng Nikolai II tên thật là Nikolai Alexandrovich Romanov, sinh ngày 18-5-1868 tại Pushkin (Nga), theo đạo Chính thống. Ông làm vua đến ngày 15-3-1917 thì thoái vị do bão táp Cách mạng Nga.

Khi cuộc cách mạng nổi lên, biết không thể trụ vững, Sa hoàng Nikolai II cùng hoàng hậu Alexandra và 5 người con cùng đoàn hầu cận đi lánh nạn ở Tobolsk Siberia từ tháng 8-1917.

Đến tháng 5-1918, hoàng gia Nga trở về Moscow, nhưng quân cách mạng  chặn đoàn xe của họ tại Ekaterinburg.

Từ ngày 1-5 đến 17-7, Sa hoàng Nga cùng gia đình và người hầu bị giam lỏng dưới tầng hầm tòa nhà Ipatiev ở Ekaterinburg.

Jacob Yurovsky làm chỉ huy trưởng đội bảo vệ nhà Ipatiev, cũng là người thi hành bản án tử hình Sa hoàng, sau khi ông sa thải các binh lính Nga bảo vệ Sa hoàng.

2 giờ 15 sáng 17-7-1918, Yurovsky cùng nhóm chiến hữu xông vào phòng ngủ của hoàng gia, buộc cả nhà đến tầng hầm, Sa hoàng bế cậu con trai nhỏ trên tay, còn hoàng hậu phẫn nộ khi cả nhà bị bắt đứng lên.

Yurovsky chĩa súng thẳng vào Nikolai II xiết cò nhiều phát vào ngực. Sa hoàng chết ngay lập tức. Hoàng hậu Alexandra bị bắn vào đầu, rồi đến lượt Thái tử Alexei và các chị….

Sau đó, các xác chết được chất lên xe tải, rời thành phố Yekaterinburg trong đêm. Lúc 2 giờ 30 sáng, các xác được đưa đến một mỏ sắt bỏ hoang, rồi bị ném xuống một rãnh cạn. 

Sáng hôm sau, khoảng 11h, “đại diện quân đội” Philip Golochtchekine và đại diện Xô viết, chủ tịch Bieloborodov đến giám sát công việc. Họ thấy cái rãnh quá nông để lộ xác chết.

Yurovsky liền cho người lôi xác dòng họ hoàng tộc Romanov đem đi vùi ở một chỗ khác.

Các xác chết lại được đưa lên xe tải đến một cái mỏ khác. Nhưng xe tải bị sa lầy. Nhóm Yurovsky quyết định vùi xuống một cái hố ngay trên con đường Koptyaki, ở đâu đó khoảng 20km ngoài thành phố Yekaterinburg.

Khi đào sâu 1m thì đụng phải đá, họ mở rộng hố chứ không đào sâu thêm nữa và ném những cái xác xuống, lấp đất qua loa. 

71 năm sau, ngày 12-4-1989, giới truyền thông Nga đưa tin đã tìm thấy nơi chôn cất hoàng tộc Romanov tại cánh rừng Koptyaki.

Năm 1991, bắt đầu khai quật, người ta phát hiện 9 cái xác với dây trói, những lọ a-xít bị đập vỡ.  Sau đó các phân tích ADN của các chuyên gia Nga và Anh đều khẳng định:  đã tìm thấy hài cốt Hoàng tộc Romanov. 9 bộ hài cốt tìm được gồm  Nikolai II, hoàng hậu và 3 công chúa Olga, Tatyana và Anastasia.

Năm 2007, các nhà khảo cổ tuyên bố họ tìm thấy di cốt của Alexei và Maria…

Một con gái Sa hoàng Nga cuối cùng thoát chết

2 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Công chúa Anatasia với phụ vương Nikolai II

Năm 2014, một cuốn sách trưng chứng cứ: một con gái Sa hoàng Nga cuối cùng thoát chết, thật sự vượt thoát qua phương Tây. Đó là nữ đại công tước Anastasia Nikolaievna.

Sáng sớm ngày 17-7-1918, Sa hoàng Nikolai II cùng vợ và Thái tử Alexei cùng 4 công chúa Olga, Tatiana, Maria và Anastasia bị bắn chết trong hầm tòa nhà Ipatiev ở Ekaterinburg.

Nhưng nhà sử học Nga Veniamin Alekseyev nói có thể một con gái Sa hoàng Nga cuối cùng thoát chết: Anastasia không bị giết, đã trốn thoát qua phương Tây, và ông nói có bằng chứng mới để chứng minh cho nhận định này.

 Từ khi Anastasia bị giết, nhiều phụ nữ tự xưng là công chúa Anastasia, gồm Anna Anderson xuất hiện ở Berlin lần đầu tiên năm 1920, hai năm sau hoàng gia Romanov bị giết.

Anderson còn nhận tên họ là Tschaikovsky và Manahan, sau đó qua Mỹ và suốt nhiều năm được cho là con gái thoát chết của Sa hoàng Nikolai II.

Nhưng năm 1999, khi di cốt của 9 thành viên hoàng gia Nga được phát hiện, các xét nghiệm DNA chứng minh đó là xác của vợ chồng Sa hoàng cùng các con.

Cuộc xét nghiệm cũng kết luận Anderson không phải là công chúa Anastasia, mà cô ta là Franziska Schanzkowska, một công nhân xí nghiệp người Ba Lan và bị bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, nhà sử học Alekseyev viết trong cuốn sách “Cô là ai, Cô Tchaikovskaya?”, nêu các xét nghiệm DNA được thực hiện với xương của Anastasia và một lọn tóc của Anderson (sau khi cô này chết) không có kết luận chính xác về gen di truyền.

Sách của ông dựa trên giả thiết của nhà sử học Pháp Marc Ferro, rằng hoàng hậu Alexandra gốc Đức cùng 4 cô công chúa đã được cứu thoát. 

Alekseyev từng tham gia ủy ban xác minh của chính phủ Nga, vốn kết luận xương tìm thấy gần Yekaterinburg là của Nikolai II, nói:

“Tôi không kết luận là hoàng hậu bị xử tử. Hãy để độc giả phán xét”. Ông nói việc những chiến sĩ cách mạng và quân Bạch Nga khai toàn bộ gia đình Sa hoàng bị giết ngày 17-7-1918 là hoàn toàn không đúng sự thật.

Alekseyev cũng không tin Anderson chính là  Anastasia.

3 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

1889 – Gia đình Sa hoàng Alexander III (1845-94), Hoàng hậu Maria Feodorovna (1847-1928) với 5 con: Thái tử Nikolai (1868-1918), sau là Sa hoàng Nikolai II, George Alexandrovich (1871-1899), Xenia Alexandrovna (1875-1960), Michael Alexandrovich (1878-1918) và Olga Alexandrovna (1882-1960)

 

4 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Michael Alexandrovich (1878-1918) là con thứ 4/5 của Sa hoàng Alexander III và là en trai út của Sa hoàng Nikolai II

 

5 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Đại Công tước Mikhail Alexandrovich Romanov, sinh 4-12-1878, bị Bolsevich giết 13-8-1918 ở Perm

 

6 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

 

7 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

 

8 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Ba Đại Công tước: Dmitri Pavlovich Romanov; Mikhail Alexandrovich Romanov và Georgy Mikhailovich Romanov

 

9 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Sa hoàng Nikolai II và người em trai út Đại Công tước Mikhail Alexandrovich trên lưng ngựa

 

10 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

1912 – Sa hoàng Nikolai II (trái) với người anh út của mình Mikhail Alexandrovich (giữa, sinh 1878 kém ông anh 10 tuổi)

Sau khi thoái vị, Sa hoàng Nikolai II "nhường ngôi" cho em trai út Mikhail Alexandrovich.

Mikhail Alexandrovich không nhận, với lý do phải được Hoàng tộc bầu lên cho chính danh

Thành ra Mikhail Alexandrovich không trở thành "vị Sa hoàng cuối cùng của nước Nga"

Mikhail Alexandrovich không liên quan đến chính quyền mà ông em cai trị, ông không có mối thù hằn gì với Bolsevich, nhưng vẫn bị bolsevich tận diệt hôm 13-6-1918, trước ông anh một tháng

 Truy tìm kho báu Sa hoàng:

Vài năm trước, báo Daily Mail (Anh) đưa tin nhiệm vụ chính của tàu ngầm mi-ni MIR-2 (của Nga) là tìm kho báu dưới đáy hồ Baikal, chứ không phải nghiên cứu hệ sinh thái.

MIR-2  có thể đã tìm được nhiều thỏi vàng trị giá hàng tỷ bảng Anh ở hồ nước ngọt sâu nhất và xưa nhất thế giới ở vùng Siberia này, theo Daily Mail dẫn lại  nguồn tin của tờ Moscow  News (Nga) vốn chạy tít “ Vàng thất lạc của Bạch Nga tìm thấy ở hồ Baikal”.

Họ kể MIR-2 đã tìm được “những khối kim loại giống  như vàng” ở khoảng cách 400 m dưới hồ. Tổ lái 3 người của MIR đã dùng “cánh tay” của tàu ngầm để “lượm những đồ vật lóng lánh” nhưng không được.

Nhưng MIR-2 đã xác định đúng vị trí và đang lên kế hoạch mới nhằm xác minh có đúng là vàng và nếu đúng thì tìm cách đem vài mẫu lên khỏi mặt hồ.

 Theo truyền thuyết, đó là số vàng mà hải quân trung thành với Sa hoàng Nga cuối cùng Nicolai II đem theo, khi tháo chạy trước sức tiến công của quân cách mạng trong cuộc Cách mạng tháng 10 Nga

Truyền thuyết kể: Đô đốc Alexander Kolchak từng là anh hùng trong Thế chiến I và sau Cách mạng tháng 10 đã chỉ huy quân Bạch Nga chống các chiến binh của Lenin.

Trong một trận đánh lớn năm 1919, ông ta đẩy đối phương về Kazan gần Moscow và chiếm nhiều kho trữ vàng của Nga: hồi Thế chiến I, do sợ Đức chiếm được số vàng, Nickolai II chuyển 500 tấn vàng từ St Petersburg về Kazan.

Số vàng này trị giá 650 triệu rúp, đựng trong 5.000 hộp và 1.700 túi và quân Bạch Nga phải chở bằng 40 toa xe.   

Nhưng sau đó, Kolchak bị quân cách mạng Nga bắt và bị xử tử hồi đầu năm 1920 (năm 2008 được đưa lên màn bạc Nga bằng phim “Đô đốc”).

 Theo tờ Spiegel (Đức), quân Tiệp Khắc chiến đấu cạnh quân cách mạng đã nộp số vàng trị giá 410 triệu rúp cho Moscow trước khi rút về nước.

Thế còn số vàng còn lại ? Truyền thuyết kể quân Bạch Nga đã chuyển chúng lên xe lửa để vượt hồ Baikal vốn đóng băng trong mùa đông.

Nhưng đoàn xe quá nặng nên đã chìm xuống hồ. Trong thực tế, hồ này vào mùa đông vẫn là đường giao thông, như trong cuộc chiến Nga – Nhật (1904-1905) có tuyến đường ray trải dài trên lớp băng dày 1 m.

Theo Daily Mail, đoàn xe lửa của quân Bạch Nga chở 1.600 tấn vàng và năm 2009, tàn tích của đoàn xe và đạn dược đã được tìm thấy dưới hồ.

Tờ này cũng kể người Nga chôn xác Kolchak dưới lớp băng tuyết ở sông Angara chảy vào hồ Baikal. Nếu thoát được, có lẽ ông ta sẽ sống lưu vong ở London cùng với số vàng.

 Nếu đúng là tìm được kho vàng, có thể xảy ra tranh chấp giữa chính phủ Nga với hậu duệ của Sa hoàng Nikolai II cùng các nước khác (gồm Anh) vốn có thể cãi rằng dòng họ Romanov (của Sa hoàng) mắc nợ họ rất nhiều. Cũng có giả thiết quân Bạch Nga đã đem số vàng gởi vào các ngân hàng ở Anh và Nhật, hoặc quân Tiệp Khắc đã đem tất cả số vàng về nước, nên nước này phát triển trong những năm 1920.

**

Ngày 17-7-2015, hậu duệ của Sa hoàng Nga đòi xóa tên người phân hủy xác Nikolai II. Thành viên dòng họ Romanov đề nghị Tòa thị chính Moscow đổi tên người từng giết gia đình Sa hoàng khỏi một trạm xe điện ngầm, nhân dịp kỷ niệm biến cố đau thương 17-7-1918.  

Trạm xe điện ngầm mà dòng họ Romanov của Sa hoàng Nga đòi xóa tên người phân hủy xác Nikolai II là Voikovskaya, theo tên của Pyotr Voikov, một thành viên trong “Ủy ban đặc biệt” từng phụ trách giam lỏng Sa hoàng Nikolai II và vợ con ông.

Dòng họ Romanov cũng muốn chính quyền Moscow xóa tên quận Voikovsky, cũng vì lý do trên.

Luật sư German Lukyanov của dòng họ này nói với hãng tin Interfax, rằng lẽ ra việc đổi lại tên phải tiến hành từ lâu: “Điều cần nói rõ là xóa khỏi bản đồ Moscow tên của một người từng tham gia đàn áp và tổ chức giết gia đình Sa hoàng”.

Ông nói thêm, rằng tên của Voikov có trong lệnh xuất 80 kg axít sulfuric được dùng để làm phân hủy xác của Nikolai II và vợ con ông cùng của một số người hầu.

Lukyakov cũng nói việc đặt tên mới sẽ giúp phục hồi công lý: “Việc đặt lại tên sẽ cho thấy Nga là một nhà nước dân chủ, không liên quan với quá khứ”.

Các nhà hành pháp ở quận Voikovskiy cũng đề nghị: tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý qua mạng, để chọn một cái tên mới.

Nhưng nữ nghị sĩ Hạ viện Nga Elena Shuvalova nói: nhiều cư dân quận Voikovskiy không muốn đổi tên, vì làm thế, họ sẽ phải đổi hộ chiếu nội địa cùng các loại giấy tờ khác.

Chính quyền Moscow nói họ chưa nhận được kiến nghị đổi tên nào, và khi các kiến nghị này được trình thì họ sẽ sớm xem xét.

Yêu cầu của dòng họ Romanov khó có thể được đáp ứng. Ngày 17-7-2007, nhân kỷ niệm vụ giết gia đình Sa hoàng, nhiều tổ chức Chính thống giáo cũng từng đòi đổi tên trạm xe điện ngầm Voikovskaya. 

Liên Xô từng tôn vinh Pyotr Lazarevich Voykov (sinh ngày 13-8-1888, chết ngày 7-6-1927) bằng cách đặt tên ông cho nhiều nhà máy, đường phố và một mỏ than ở Ukraine. 

Voikov từng tham gia cách mạng tháng 10 Nga, được giao nhiệm vụ phân hủy xác đình Nikolai II. Sau này ông là một nhà ngoại giao Liên Xô, được cử làm đại sứ ở Ba Lan hồi tháng 10-1924. 

Năm 1927, Boris Koverda – một thanh niên 18 tuổi bảo hoàng thuộc phe Bạch Nga – ám sát ông Voikov, để trả thù cho vụ giết Sa hoàng Nga cuối cùng và gia đình. Xác ông được đưa về chôn tại Quảng trường Đỏ.

Chiến thắng nhỏ nhoi của bà công tước:

Ngày 29-7-2011, một tòa án ở Moscow đã yêu cầu Ủy ban điều tra liên bang Nga (tương đương FBI Mỹ) giao 800 trang hồ sơ vụ giết Sa hoàng Nikolai II và vợ con cho một hậu duệ của họ: nữ đại công tước Maria Vladimirovna Romanova.

Luật sư Lukyanovnói đây là một “chiến thắng lớn”, trong việc bà Vladimirovna muốn khẳng định là người thừa kế hợp pháp của Sa hoàng Nikolai II, do bà cũng có những người khác trong dòng họ Romanov tranh chấp với bà.

Nhưng theo các phân tích, dòng họ Romanov sẽ không thể trở lại trị vì nước Nga, vì Tổng thống Vladimir Putin đã chu toàn hiệu quả vai trò của một vị vua.

Nhà Hoàng gia Nga là một trong hai tổ chức của hậu duệ Sa hoàng cuối cùng, nói họ là những người kế ngôi hợp pháp của triều đại Romanov (từng kéo dài 400 năm ở Nga) và họ vận động chính phủ Nga công nhận là một tổ chức văn hóa – lịch sử, để chính phủ sẽ bảo vệ những hậu duệ đích thực trước “bọn giả mạo”.

Người phát ngôn Alexander Zakatov nói với báo Moscow Times hôm 13-7-2015: các hậu duệ hiện sống khắp châu Âu, không muốn bất kỳ quyền lợi chính trị nào, sẽ không tham gia chính trị.

11 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

1944 - Gia đình Sa hoàng Nikolai II từng sống ờ căn buồng này khi bị quản thúc ở Yekaterinburg năm 1918

Nhà Hoàng gia Nga là tổ chức của nữ đại công tước Maria Vladimirovna Romanova, tranh chấp với Hiệp hội gia đình Romanov của hoàng tử Dmitry Romanovich.

Hồi đầu năm 2015, nghị sĩ Vladimir Petrov đề nghị hai vị lãnh đạo này trở thành biểu tượng của văn hóa quốc gia, và bảo tồn các truyền thống, như các quốc gia châu Âu duy trì các hoàng gia của họ cho đến ngày nay.

12 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Nhóm Cận vệ Đỏ (người Latvia) đã hành quyết gia đình cựu Sa hoàng Nikolai II đêm 16 rạng sáng 17-7-1918

 

13 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

1924 – Nhóm Bolshevik Ural tại nơi chôn cất gia đình cựu Sa hoàng Nikolai II

Theo Stanislav Belkovsky, chủ nhiệm tổ chức nghiên cứu Trung tâm chiến lược quốc gia, sự tranh chấp gia đình này là lý do Nhà hoàng gia Nga muốn hưởng một quy chế chính thức ở Nga: “Họ muốn có giấy xác nhận họ mới là những người đích thực thuộc dòng họ Romanov”.

Năm 2013, một cuộc thăm dò dư luận liên quan kỷ niệm 400 năm trị vì của hoàng gia Romanov, nêu chỉ có 28% cư dân Nga đồng ý để Sa hoàng tiếp tục trị vì, nhưng chỉ có 6% nói vua mới phải thuộc triều đại Romanov.

13% khác nói một chính khách Nga đương đại có thể trở thành Sa hoàng mới, và họ gợi ý, nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để chọn vị vua mới đó.

Nhưng 67% số người được hỏi khẳng định, nước Nga hãy để triều đại Romanov trong quá khứ, và tiếp tục là một quốc gia dân chủ. 

***

Sa hoàng Nga cuối cùng từng đến Sài Gòn

14 Chuyen Ve Sa Hoang Nga Cuoi Cung

Sa hoàng Nga cuối cùng từng đến Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX, trở thành chính khách Nga đầu tiên tới Việt Nam.

Cuối năm 1890, vua cha là Sa hoàng Alexander III nghĩ đến việc “đào tạo bồi dưỡng” người kế nghiệp, bèn đưa thái tử “đi thực tế” khắp thiên hạ.

Thái tử Nikolai phụng mệnh, lên chiến hạm Pamiat Azova viễn du vòng quanh thế giới. Đó là chuyến thực tập sau khi thái tử vừa tốt nghiệp Học viện sĩ quan cận vệ, đồng thời hoàn thành chương trình học khoa nhân văn của trường Đại học Tổng hợp quốc gia.

Chuyến viễn du nhằm hai mục đích: vừa làm quen với công việc ngoại giao, tìm hiểu các nước, vừa thử thách sức lực và tôi luyện ý chí cho người sau này sẽ làm vua.

Thống đốc Nam Kỳ Daniel đón tiếp Thái tử Nilolai tại Sài Gòn. Tháng 1-1891, ông này nhận thông báo từ Paris, long trọng đón tiếp, với tổng chi phí được phê chuẩn 15.000 đồng Đông Dương, một khoản tiền khổng lồ thời đó.

Thái tử ngự trên soái hạm Pamiat Azova, với 5 hộ tống hạm, đi thăm các nước dọc bờ biển, từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, ghé nhiều bến cảng nổi tiếng ở Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Thái Lan…

Ngày 28-3-1891, đoàn tàu tiến vào cửa sông Đồng Nai rồi cập bến cảng Sài Gòn.

Theo các tài liệu phía Nga còn lưu, khi Sa hoàng tương lai đặt bước chân đầu tiên lên cầu tàu, từ trên bờ 21 phát đại bác nổ vang rền. 

Tiếp đó, dàn kèn đồng quân nhạc cử quốc thiều Nga. Đoàn người ra đón đồng loạt hô to: “Nước Nga muôn năm!” và tiếng “Hoan hô!” vang lên như sấm dậy

Thái tử Nikolai cùng Toàn quyền Đông Dương Piket duyệt đội danh dự gồm 100 thủy binh Pháp, sau đó lên xe có kỵ binh hộ tống theo đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) và đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) về Dinh Toàn quyền (nay là Bảo tàng Cách mạng TP.HCM).

Sài Gòn lúc đó giăng đèn kết hoa suốt ba ngày liền đón thượng khách.Báo chí Pháp tại Đông Dương và ở Paris rầm rộ đưa tin Sa hoàng tương lai ghé thăm Sài Gòn  và cho biết Thái tử Nikolai tỏ ra rất hài lòng về việc đón tiếp trọng thể, chu đáo.

Nhưng khi ghé qua Nhật, một sự cố xảy ra: một kẻ vô chính phủ định ám sát Thái tử bằng con dao, nhưng mũi dao chỉ trượt qua trán. Thái tử thoát nạn nhờ người anh em họ là Hoàng tử George của Hy Lạp can thiệp kịp thời. Thái tử bực mình, sớm trở về St Petersburg.

Không biết điều này có ảnh hưởng hay là “điềm báo” gì, nhưng rõ là quan hệ Nga – Nhật sau này gặp nhiều song gió, cả chiến tranh và tranh chấp.

Năm năm sau chuyến thăm Sài Gòn, vào tháng 5-1896, Thái tử Nikolai kế vị ngai vàng, trở thành Sa hoàng Nikolai II, danh hiệu chính thức là Hoàng đế toàn Nga.

Ông tên thật là Nikolai Alexandrovich Romanov, sinh ngày 18-5-1868 tại Pushkin (Nga), theo đạo Chính thống.

Trước đây, các vua chúa châu Âu thường cưới gả con cho nhau. Nikolai là con cả của Sa hoàng Alexander III và Hoàng hậu Maria Fyodorovna (công chúa Dagmar của Đan Mạch).

Ông bà nội là Sa hoàng Alexander II và chánh thất Maximilienne Wihelmine Marie vùng Hesse trên sông Rhine (Đức). Ông bà ngoại là Vua Đan Mạch Christian IX và Hoàng hậu Louise vùng Hesse.

Nikolai là một người con rất mềm mỏng so với ông bố cứng rắn và hay đòi hỏi. Đó là lý do ông không được bố chuẩn bị cho nối ngôi.

Hoàng hậu ngoại tình với thầy bói Rasputin:

Lớn lên, Nikolai yêu  Công chúa Alix vùng Hesse trên sông Rhine, con gái của Đại quận công Ludwig IV (người Đức) và Công chúa Alice của Vương quốc Anh (con gái Nữ hoàng Anh Victoria với Hoàng thân Albert vùng Saxe – Coburg và Gotha).

Nhưng ông bố không chấp nhận chuyện tình này, tính ép duyên con trai với một công chúa dòng họ D’Orleans (Pháp) để củng cố quan hệ đồng minh mới thiết lập giữa Nga với nền Đệ tạm Cộng hòa Pháp.

Mãi đến khi tuổi cao sức yếu, bệnh liệt giường, vua cha sợ không có cháu đích tôn dòng tộc Romanov, mới đồng ý cho Nikolai lấy người ông yêu. Alix có vương hiệu là Hoàng hậu Alexandra Feodorovna.

Mối quan hệ giữa Sa hoàng Nikolai II với Duma (quốc hội Nga) không mấy tốt đẹp. Duma thứ nhất hay kiếm cớ sinh sự với tân vương.

Ban đầu Nikolai II quan hệ hữu hảo tương đối thoáng với Thủ tướng Sergei Witte, nhưng Hoàng hậu Alexandra không tin ông này. Thế là tình hình chính trị suy thoái, dẫn đến việc Sa hoàng giải tán Duma.

Thủ tướng Witte không thể giải quyết những vấn nạn trong công cuộc cải tổ nước Nga và triều đình, vào ngày 14.4.1906 ông viết thư xin từ chức.

Duma thứ hai được thành lập, nhưng cũng lại gặp những cảnh tương tự. Nhiều thế lực khác nổi lên lấn át vua. Sa hoàng và Thủ tướng chẳng nói với nhau nửa lời.

Hoàng hậu Alexandra sinh liền bốn công chúa rồi mới cho Sa hoàng một hoàng tử đặt tên là Alexei mắc bệnh chảy máu nội tạng (hemophilia). Thuở đó chứng bệnh này là nan y.

Trong tuyệt vọng, Hoàng hậu Alexandra tìm đến sự an ủi của thầy lang Rasputin. Lo chuyện chinh chiến, Sa hoàng giao việc điều khiển hậu phương cho vợ.

Là người gốc Đức nên Hoàng hậu Alexandra không đuợc lòng dân, trong khi Duma liên tục kêu gọi cải tổ chính trị. Họ đồn Hoàng hậu mê thầy lang Rasputin, báo giới đưa tin hoàng hậu lẹo tẹo với thầy lang.

Nổi giận, một tổ chức quý tộc Nga do Hoàng thân Felix Yusupov ra tay  giết Rasputin ngày 16-12-1916.

Lúc cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga kết thúc ngày 15-3-1917 (theo Dương lịch, tức tháng 2 theo lịch Nga cổ), Nikolai II bị buộc thoái vị, nhưng không nhường ngôi cho Thái tử Alexei, mà cho hoàng đệ là Đại quận công Mikhail Alexandrovich. Nhưng ông này không chịu nhận ngai vàng, nên ngôi vua để trống.

Sự thoái vị của Nikolai II và cuộc Cách mạng Tháng Mười đã kết thúc 3 thế kỷ cầm quyền của dòng họ Romanov tại Nga.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga