Một sáng tháng 7, hòa theo dòng xe cộ dường như chỉ xuôi một chiều, chúng tôi đến Rzhev, thành phố nhỏ bé nằm cách Moscow 230 km về phía tây. Tại nơi ấy, vào ngày 30-6 vừa qua, quần thể Đài tưởng niệm Người lính Xô-viết đã được khánh thành, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945). 

132 1 Buc Tuong Cua Nhan Dan

Người dân khắp nơi đổ về Rzhev, đặt hoa bên tượng đài Người lính Xô-viết.

Tượng đài tưởng niệm Người lính Xô-viết được xây dựng ở làng Khorosevo, TP Rzhev thuộc tỉnh Tver, nhằm vinh danh người chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến ở Rzhev.

Ròng rã 14 tháng (từ tháng 1-1942 đến tháng 3-1943), những trận chiến dữ dội, tàn khốc và đẫm máu nhất đã diễn ra ở nơi này. Mặt trận Rzhev - Sychyovka - Vyazma được mở ra sau khi quân đội Đức quốc xã bị đánh bật khỏi ngoại ô Moscow. Hitler ra lệnh bằng mọi giá phải giữ các điểm đã chiếm được, trong khi Hồng quân Liên Xô đã tổ chức chiến dịch phản công này.

Đây là hoạt động quân sự lớn trong Chiến tranh Xô - Đức, với tổng cộng mười chiến dịch của cả hai bên. Cuối cùng, Hồng quân Liên Xô đã đẩy lui quân Đức, thanh toán “chỗ lồi Rzhev”, một vòng cung rộng và nguy hiểm ăn sâu vào tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô tại vùng phụ cận phía tây thủ đô Moscow. 

132 2 Buc Tuong Cua Nhan Dan

Vòng hoa có màu cờ Việt Nam được đặt bên tượng đài.

Trong suốt thời gian chiến dịch, quân đội Liên Xô đã giam chân tại đây ba tập đoàn quân mạnh của quân đội Đức quốc xã, gồm Tập đoàn quân xe tăng 2, Tập đoàn quân xe tăng 3 và Tập đoàn quân 9, không cho quân Đức rút các tập đoàn quân này đến hướng tây nam, hướng chiến lược đặc biệt quan trọng của Mặt trận Xô - Đức trong những năm 1942-1943.

Sau hơn một năm chiến đấu ròng rã với những thiệt hại rất lớn về người và phương tiện, đến ngày 31-3-1943, quân đội Liên Xô mới thu hồi được khu vực Rzhev - Sychyovka - Vyazma, loại trừ hoàn toàn nguy cơ đe dọa thủ đô Moscow.

Phát biểu dưới chân tượng đài trong ngày khánh thành quần thể này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Hơn 1,3 triệu người đã bị giết, bị thương hoặc mất tích, đây quả là một sự thật tàn khốc và không thể tưởng tượng nổi”.

Cuộc chiến diễn ra trên mọi lùm cây, từng ngọn đồi, từng mét đất, là một trong những trận chiến khốc liệt và đẫm máu nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Số người mất tích, hy sinh bên phía Hồng quân là hơn 1,3 triệu người, trong khi con số này của quân Đức là khoảng 700 nghìn.

 

132 3 Buc Tuong Cua Nhan Dan

Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Belarus A. Lakashenko đặt hoa tại tượng đài. 

Từ thượng nguồn sông Volga, dòng nước nhuộm đỏ máu người từ Rzhev đã xuôi dòng qua bao thành phố, bao làng mạc… Không ai có thể đếm xuể những mất mát, hy sinh. Chỉ biết rằng, trải qua hơn 420 ngày đêm chiến đấu, Rzhev từng có 56 nghìn dân, và trong số 20 nghìn người bị kẹt lại trong thành phố bị bao vây này, cuối cùng chỉ còn lại vỏn vẹn 150 người. 

Những bản nhạc buồn phảng phất trong gió nơi quần thể tượng đài khiến lòng người như chùng lại. “Cối xay thịt Rzhev”, cách mà người Nga nói về Rzhev, làm chúng tôi nhớ tới Thành cổ Quảng Trị năm nào.

Từng đoàn, từng đoàn người mang theo những bông cẩm chướng đỏ, những vòng hoa, vòng nguyệt quế đến đặt bên tượng đài, cúi đầu tưởng niệm Người lính Xô-viết. Và họ tự hào là con em của một dân tộc anh hùng.

Nhưng, bên cạnh niềm vinh quang ấy, tôi cũng thấy giọt nước mắt của những cụ ông, cụ bà ngồi lặng lẽ, khóc thầm cho những mất mát quá lớn trên mảnh đất này... 75 năm đã trôi qua, máu xương của hơn 27 triệu người dân Liên Xô, trong đó có chín triệu Hồng quân Xô-viết, đã nhuộm đỏ lá cờ chiến thắng. Và riêng trận chiến ở Rzhev, con số này là 1,3 triệu người. Nỗi đau mất mát sẽ chẳng thể nào nguôi ngoai...

Lấy cảm hứng sáng tác từ các bộ phim “Bài ca người lính”, “Khi đàn sếu bay qua”, bài thơ đã được phổ nhạc “Đàn sếu” của Rasul Gamzatov và bài thơ nổi tiếng của Alexander Twardowski “Tôi bị giết ở ngoại ô Rzhev”, tác giả công trình, nhà điêu khắc Andrei Korobtsov đã dành ba năm để hoàn thiện hình dáng của người lính, với chiếc áo khoác trận mạc trên vai, khẩu súng trên tay, đứng cúi đầu nhìn xuống thành phố.

 

132 4 Buc Tuong Cua Nhan Dan

Nhà điêu khắc Andrei Korobtsov.

Mọi chi tiết của bức tượng đài cao 25 mét này đã được tinh khắc một cách kỹ lưỡng, với sự dõi theo chặt chẽ của các chuyên gia từ Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga. Và khuôn mặt của người lính với nét biểu cảm thật rõ ràng, sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình để bảo vệ đất nước và dân tộc. 

Bức tượng đài để tôn vinh anh - một người lính. Không phải là một vị nguyên soái, không phải đô đốc, cũng không phải một tướng quân, mà chỉ là một người lính, như biết bao người đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng.

Tiếng nhạc trầm buồn, như lời kể, lời tự sự với các thế hệ mai sau: “Tôi bị giết ở Rzhev / Trên một đầm lầy không tên / Ở cánh trái, Đại đội năm / Trong trận tập kích tàn khốc”… Và nỗi đau của người lính khi ngã xuống mà trong lòng còn day dứt: “Tôi đã chết mà không được biết / Rồi cuối cùng Rzhev có về ta?”.

Tác giả công trình cho biết, anh muốn khắc tạc gương mặt người lính trẻ, mang theo nỗi đau của người đã đi qua chiến tranh, người lính nhìn xuống TP Rzhev như đang hỏi: Chiến tranh đã kết thúc thế nào? Rzhev thuộc về ta chưa? Và người dân đến bên tượng đài mỗi ngày, ngước nhìn lên. Hình bóng người lính in trên nền trời xanh, và những cánh hạc kết lại dưới vạt áo chinh chiến bạc màu của anh, đã đưa tiễn anh bay lên trời cao, như lời thơ của Rasul Gamzatov: “Tôi cảm giác đôi khi những người lính/ Từ chiến trường đẫm máu chẳng quay về/ Không nằm xuống ở trong lòng đất lạnh/ Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi”…

Đài tưởng niệm Người lính Xô-viết được xây dựng theo sáng kiến của các cựu chiến binh và công trình này bắt đầu được thực hiện từ năm 2017 bằng tiền quyên góp mà không cần đến ngân sách nhà nước. Hình tượng người lính bồng súng chiến đấu vì cuộc sống hòa bình của nhân dân đã luôn được ghi tạc, được ôm ấp, được sống mãi trong lòng người dân. Đó là bức tượng của nhân dân. Nó đẹp và hùng vĩ, đúng như đánh giá của Tổng thống Putin: “Đây là một trong những công trình tưởng niệm người lính đẹp nhất trên toàn lãnh thổ Liên Xô”. 

Tượng đài Người lính Rzhev là tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao 25 mét, được đúc kết từ 600 chi tiết với khoảng 80 tấn đồng đặc biệt, nằm trên ngọn đồi cao 10 mét, trong một quần thể trang nghiêm với diện tích bốn héc-ta, gần làng Khoroshevo, TP Rzhev, tỉnh Tver. Bao quanh quần thể tượng đài là những bức pa-nô rộng lớn ghi lại hình ảnh hơn 420 ngày đêm Hồng quân và người dân Rzhev kiên cường giành lại từng tất đất, đẩy lui quân thù, bảo vệ vững chắc thủ đô. Những tấm thép vững chãi, khắc tên của triệu triệu người đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng 9-5, được dựng zích zắc hai bên bức tượng đài, tạo thành một khuôn viên rộng lớn, như ôm lấy người lính đứng trên ngọn đồi cao mướt mát cỏ ngọt.

Người lính Xô-viết sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Nga, cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới. Một bảo tàng nhỏ với hiện vật được thể hiện bên dưới nền nhà bằng kính trong suốt, đó là những mảnh xương người, chiếc mũ sắt, khẩu súng còn như đang nhả đạn vào quân thù… 

Tất cả như muốn nhắc nhớ rằng bên trong lòng đất này, ngay dưới từng bước chân bạn đi trên mảnh đất Rzhev này, vẫn còn đó biết bao xương máu người dân. Một Rzhev đau thương, một Rzhev anh hùng!

QUẾ ANH

Nguồn: nhandan.com.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga