Thành phố St. Petersburg, trước kia là Petrograd, từng là chiếc nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sự kiện khai sinh ra nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới diễn ra ngày 25/10/1917 (theo lịch cũ của Nga, tức ngày 7/11/1917.  

Rất nhiều ngôi nhà, con phố ở thủ đô phương Bắc của nước Nga gắn với sự kiện làm rung chuyển thế giới này, cũng như với lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lenin và đảng Lao động Dân chủ xã hội Nga (RSDLP (B)) - đảng của những người Bolshevik. 

1 Tro Lai Dia Chi Do Cua Cach Mang Thang Muoi Nga

Toàn cảnh Bảo tàng Lịch sử Chính trị LB Nga ở St. Petersburg ở góc đường Bolshaya Dvoryanskaya (nay là phố Kuibyshev) và đại lộ Kronverksky.

Ngay trước cửa Nhà ga Phần Lan, nhìn ra sông Neva là quảng trường Lenin cùng tượng đài Vladimir Ilyich Lenin khá đặc biệt. Đây là một trong những tượng đài Lenin đầu tiên ở Nga, được xây dựng năm 1926 và là một trong những tượng đài quy mô lớn đầu tiên về Người, hoàn công 3 năm sau khi vị lãnh tụ qua đời. Điểm đặc biệt là tượng đài này liên quan đến thời điểm Lenin trở về nước Nga ngày 17/4/1917 (trên thực tế là ngày 3/4/1917) sau khi phải sống lưu vong ở Thụy Sĩ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau Cách mạng Tháng Hai, chính quyền Đức đã cho phép Lenin bí mật đi một chuyến tàu xuyên Đức, đi phà đến Helsinki (Phần Lan) và từ đó đi tàu trong một toa xe bịt kín đến Petrograd. Sự trở về của Lenin là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở về Petrograd, Người đã đưa ra những “Luận điểm Tháng Tư” nổi tiếng để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga.

Khi về đến Nhà ga Phần Lan, Lenin được những người ủng hộ đảng Bolshevik chào đón. Nhà lãnh đạo của giai cấp vô sản Nga đã lên tháp ô tô bọc thép đi đón ông để phát biểu. Lời kêu gọi đáng chú ý nhất được Lenin lần đầu tiên đưa ra trên nóc xe bọc thép chính là “Cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới muôn năm!".

2 Tro Lai Dia Chi Do Cua Cach Mang Thang Muoi Nga

Tượng đài Lenin trước cửa Nhà ga Phần Lan ở St. Petersburg, mô tả thời điểm Người trở về nước Nga ngày 3/4/1917, đứng trên xe bọc thép phát biểu trước đám đông công nhân – binh sĩ.

Tượng đài Lenin trước Nhà ga Phần Lan cao khoảng 11 m, mô tả cảnh Lenin đang vung tay phát biểu. Tượng Lenin làm bằng đồng và phần mô tả ô tô bọc thép làm bằng đá. Tượng đài được nhà điêu khắc Sergei Evseev cùng các kiến trúc sư Vladimir Shchuko và Vladimir Gelfreich sáng tác.

Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc ô tô bọc thép Austin bảo vệ Lenin tại Nhà ga Phần Lan, phóng viên TTXVN đã đến Bảo tàng Lịch sử quân sự pháo binh Nga nằm ngay cạnh Pháo đài Peter và Paul để tận mắt ngắm chiếc Austin bọc thép trang bị súng máy này. Các xe bọc thép này được hãng Austin của Anh chế tạo theo đơn đặt hàng của Đế quốc Nga và được sản xuất trong giai đoạn 1914-1917. Với 3 phiên bản chính, Austin là dòng xe bọc thép khổng lồ nhất của quân đội Đế quốc Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Được trưng bày trên tầng 3 của bảo tàng, bên sườn phải chiếc Austin-Putiloves có sơn dòng chữ đỏ “Kẻ thù của tư bản”. Chiếc xe này được xem như biển tượng của cuộc cách mạng năm 1917. Từ tháng 1/1940 đến năm 1992, xe được trưng bày trước cửa Cung Đá cẩm thạch vốn là Bảo tàng Trung ương Lenin giai đoạn này. Năm 1939, Ủy ban tìm kiếm xe bọc thép của Lenin đã nhầm khi xác định chiếc xe bọc thép trên là chiếc xe Lenin đã đứng để phát biểu ngày 17/4/1917 tại Nhà ga Phần Lan. Tuy nhiên, đến những năm 2000, các kỹ sư cơ khí đã xác định đây chỉ là chiếc Austin y hệt như chiếc xe mà Lenin đã sử dụng khi từ nước ngoài trở về Nga. Chính sự nhầm lẫn này đã giúp chiếc xe vẫn được bảo quản nguyên vẹn cho đến nay. Năm 2017, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chiếc Austin đã được trưng bày trước cửa Cung điện mùa Đông, điều cho thấy xe vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử.

3 Tro Lai Dia Chi Do Cua Cach Mang Thang Muoi Nga

Chiếc ôtô bọc thép Austin-Putiloves “Kẻ thù của Tư bản” tại Bảo tàng Lịch sử-Quân sự Pháo binh Nga, biển tượng của cuộc Cách mạng năm 1917.

Trên chiếc Austin bọc thép, sau khi phát biểu trước đám đông công nhân và binh sĩ, Lenin đã đi xe đến khu dinh thự của nữ diễn viên ballet nổi tiếng Matilda Kshesinskaya ở góc đường Bolshaya Dvoryanskaya (nay là phố Kuibyshev) và đại lộ Kronverksky. Sau Cách mạng Tháng Hai, tòa nhà này do các chiến sĩ cách mạng tiếp quản và tại đây đặt trụ sở của Ủy ban Trung ương đảng Bolshevik từ tháng 3 đến tháng 7/1917. Hiện ngôi biệt thự này chính là khuôn viên Bảo tàng Lịch sử chính trị LB Nga ra đời từ năm 1919.

Vào thời điểm đó, Khu dinh thự Kshesinskaya có thể xem như trung tâm các sự kiện cách mạng. Chính tại ngôi biệt thự này, Lenin đã đưa ra các "Luận điểm Tháng Tư" - chương trình hành động của những người Bolshevik để chuyển cách mạng dân chủ - tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thông qua giành chính quyền. Tầng hai của dinh thự, từ chiếc ban công lịch sử, Lenin và các nhà lãnh đạo Bolshevik khác thường phát biểu trước công nhân và binh sĩ Petrograd. Cũng chính tại ban công lịch sử này, Lenin đã kêu gọi công nhân và binh sĩ nhanh chóng tiến hành Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.

4 Tro Lai Dia Chi Do Cua Cach Mang Thang Muoi Nga

Bàn làm việc trong "Phòng làm việc của V. I. Lenin" tại Bảo tàng Lịch sử Chính trị LB Nga ở St. Petersburg. 

Các “Luận điểm Tháng Tư” gồm 10 điểm của Lenin rất ngắn gọn và dễ hiểu. Ý tưởng cách mạng đưa ra thực sự hấp dẫn đối với người dân bình thường, đó là chính quyền thuộc về người lao động, người nông dân nghèo, đả đảo giai cấp tư sản… Tuy nhiên, ban đầu các luận điểm này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa (Menshevik) và một bộ phần chính những người trong đảng Bolshevik. Chính Ủy ban Trung ương của RSDLP (B) ban đầu cũng không ủng hộ các “Luận điểm Tháng Tư". Tuy nhiên, nhờ sức lôi cuốn và sự kiên trì của mình, trong một thời gian ngắn, Lenin đã có thể thuyết phục phần lớn các tổ chức đảng về sự cần thiết phải thông qua các luận điểm này. Nhờ vậy, hội nghị của những người Bolshevik toàn thành phố Petrograd đã thông qua "Luận điểm Tháng Tư" vào ngày 14 (27/4) và tại Hội nghị toàn Nga (tháng 4) của RSDLP (B) đã được đa số đại biểu ủng hộ.

Ngày nay tại Bảo tàng Lịch sử chính trị LB Nga còn lưu giữ "Phòng làm việc của V.I.Lenin" cũng như căn phòng của Ủy ban Trung ương và các ủy ban RSDLP (B). Nơi đây, khách tham quan có thể thấy các đồ dùng Lenin sử dụng trên bàn, bản sao các bản thảo của Lenin và sổ ghi chép của Người. Trên giá sách có những cuốn sách Lenin đọc khi làm việc trong dinh thự cùng rất nhiều số báo “Sự thật” (Pravda) thời kỳ đó. Khách tham quan có thể thấy biểu ngữ pháp lý đầu tiên của đảng Bolshevik, một chiếc bàn mà Yakov Sverdlov và Nadezhda Krupskaya làm việc năm 1917; hay băng rôn tự chế được nhân viên báo "Soldatskaya Pravda" sử dụng để thu tiền xuất bản số tiếp theo.

5 Tro Lai Dia Chi Do Cua Cach Mang Thang Muoi Nga

Quốc huy “cờ đỏ búa liềm” của Cộng hòa XHCN LB Nga, bên dưới ghi dòng chữ “Giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” tại Bảo tàng Lịch sử Chính trị LB Nga ở St. Petersburg.

Bảo tàng Lịch sử chính trị LB Nga lưu giữ gần 100 năm bằng chứng về đời sống chính trị-xã hội Nga từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 21. Trong các gian trưng bày về Cách mạng Tháng Mười Nga còn chiếu các tư liệu hình hiếm hoi nhất về các phong trào Trắng và Đỏ, cũng như tái hiện khung cảnh lịch sử thời kỳ đó. Bạn cũng có thể lưu ý tới quốc huy “cờ đỏ búa liềm” của CHXHCN LB Nga, bên dưới có ghi dòng chữ “Giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”.

Hơn 100 năm đã trôi qua, tuy nhiên, khi được tận mắt ngắm những hiện vật của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, bất cứ người đảng viên nào cũng sẽ cảm thấy bồi hồi, xúc động. Và cho đến nay, tôn chỉ đoàn kết lại để mưu cầu hạnh phúc, ấm no, công bằng cho giai cấp công nhân và nông dân vẫn là một nhiệm vụ tối thượng đối với những người tập hợp dưới lá cờ của Đảng.

Bài và ảnh: Duy Trinh (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)

Nguồn: baotintuc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga