Bên sông Hàn, các cựu chiến binh Đà Nẵng kể mãi những kỷ niệm gắn với đất nước, con người ở xứ sở bạch dương. Họ tự hào vì đã sống xứng đáng với nước Nga, với những ân tình cao quý từ các thầy cô giáo của mình.

Những kỷ vật yêu thương

Họ từng là cán bộ chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo bài bản tại Liên Xô, ít nhất là 5 năm, nhiều nhất đến 8 năm. Về hưu, bên thành phố sông Hàn-Đà Nẵng, họ bồi hồi nhớ lại những năm tháng ý nghĩa ở xứ sở bạch dương, càng thêm trân trọng và biết ơn nước Nga vĩ đại.

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5; Thượng tá Hoàng Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Công binh Quân khu 5; Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375; Đại tá Nguyễn Đức Long, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 375 và Đại tá Nguyễn Hồng Nga, nguyên Phó tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 372 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Học một trường duy nhất hay rất nhiều trường, rời ghế phổ thông trung học là sang ngay nước bạn hay đi chiến đấu rồi mới được “xuất ngoại”, tiếng Nga còn thuộc làu làu hay chỉ còn nhớ từ chuyên ngành…, dẫu khác nhau nhiều nhưng điểm chung của họ là có thể kể về nước Nga suốt cả ngày, đặc biệt là về các thầy cô giáo Nga.

Cầm súng đánh giặc từ tuổi thiếu niên, chàng trai Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) không nghĩ rằng một ngày nào sẽ rời dòng Vu Gia hiền hòa quen thuộc để tới quê hương của dòng sông Volga nổi tiếng. Trường Cao đẳng Tổng hợp quân sự Odessa (nay thuộc nước Cộng hòa Ukraine) có sinh viên đến từ hơn 20 nước khác nhau.

Việt Nam năm ấy có 15 người theo học, riêng ngành công binh chỉ có 5 người và cùng biên chế thành một lớp. Giáo viên dạy Nga văn năm đầu tiên cho 5 chàng trai là cô Tanya, tuổi trên 40, rất hiền hậu và mê nghệ thuật. Cô thường dạy cả lớp hát xen trong giờ học. Những bài dân ca Nga “Xa xôi”, “Dòng Volga”, “Cây liễu”… được học trò rất thích bởi giai điệu và ca từ êm ái. Cô hay nói đến vẻ đẹp Nga, về văn hóa rực rỡ, lâu đời nước Nga, nhất là các tác phẩm hội họa nổi tiếng.

Chàng học viên thấy mình được khai trí, thành một con người khác. Sinh ra trong chiến tranh, các học viên Việt Nam chẳng mấy ai nhớ đến sinh nhật. Vậy mà cô không quên. Những ngày ấy vào lớp, cô thường hỏi: “Hôm nay các em biết lớp ta có sự kiện gì không?”. Trong khi cả lớp ngơ ngác thì cô rút trong túi ra nào quà, bưu thiếp… Tấm bưu thiếp cùng các bức tranh của Nga cô tặng, đến nay Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn vẫn còn giữ.

132 1 Nuoc Nga Trong Trai Tim Toi Ben Song Han Ke Chuyen Nuoc Nga

Đồng chí Hoàng Văn Phúc (bên trái) cùng thầy giáo Khabarov năm 1981. Ảnh tư liệu

Trong phòng khách của Thượng tá Hoàng Văn Phúc có đặt trang trọng hai kỷ vật mà chủ nhân rất quý: Con lật đật và búp bê Nga. Rời chiến trường Quảng Trị, Tiểu đoàn trưởng công binh Hoàng Văn Phúc được đào tạo cán bộ nguồn trong nước, rồi từ đó đến với Học viện Kuibyshev-Moscow (nay đổi tên là Đại học Công binh).

Dị ứng với xứ lạnh, da cậu học trò xứ Nghệ luôn mẩn đỏ, môi sưng phồng. Nhưng dù anh trùm mũ kín mít vẫn không qua nổi mắt tinh tường của thầy chủ nhiệm Khabarov, đồng thời là giáo viên dạy môn trúc thành (là môn học khó nhất trong 6 môn học của công binh gồm cầu đường, vượt sông, trúc thành, bom mìn, xe máy và chỉ huy công binh).

Thầy đưa trò đi bệnh xá, cho xét nghiệm toàn bộ và điều trị với phác đồ khoa học giúp Hoàng Văn Phúc hết hẳn dị ứng vào mùa lạnh. Một tuần ở bệnh xá, thầy thường xuyên đến thăm, giúp trò ôn lại bài, tặng Hoàng Văn Phúc con lật đật để đỡ nhớ nhà. Con lật đật ấy cùng với con búp bê xinh đẹp do cô giáo dạy tiếng Nga tặng trong những ngày ở trạm xá, sau này là món đồ chơi mà ba người con của ông đã chơi suốt cả tuổi thơ.

Học viện Không quân Krasnodar ở Nga là lò đào tạo hầu hết phi công quân sự Việt Nam ngày ấy. Vốn yêu quý đất nước Việt Nam, khâm phục cuộc đấu tranh chính nghĩa chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, các giáo viên đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho du học sinh.

“Nhớ đến thầy Orlov là tôi liên tưởng đến cánh chim dũng mãnh (Orlov nghĩa tiếng Nga là đại bàng). Đó là người thầy có lúc nóng tính nhưng cực kỳ tận tụy”, Đại tá Nguyễn Hồng Nga kể. Với phi công mới, không có gì khó hơn là kỹ thuật hạ cánh. Vượt qua khâu này coi như đã làm chủ máy bay. Khi cậu học viên vừa hạ cánh an toàn sau chuyến bay đơn, thầy Orlov chạy thật nhanh ra cầu thang máy bay, đỡ chàng phi công từ trên xuống và ôm chặt đến nghẹt thở. Tấm ảnh chụp cùng thầy ngày ấy đã trở thành báu vật của Đại tá Nguyễn Hồng Nga.

Với Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nước Nga trong ông thật diệu kỳ.

Ra Bắc cùng gia đình tập kết năm 1954 khi còn rất bé, ông đã mang sứ mệnh “hạt giống đỏ”. Sau này, ông là thế hệ đầu tiên được đào tạo nắm bắt kỹ thuật tên lửa ở thành phố Baku, Cộng hòa Azerbaijan. Được các thầy giáo kèm cặp, qua 8 tháng thử thách, Nguyễn Lành cùng đồng đội được bắn đạn thật. Xạ thủ Việt Nam gây kinh ngạc khi chỉ sử dụng một quả tên lửa đã hạ gục máy bay trong khi theo nguyên tắc, để bắn một máy bay cho phép xác suất dùng đến 3 quả.

Thấy vậy, thầy giáo Belonin của trường bắn đã công kênh Nguyễn Lành lên vai mình từ trận địa về đến sở chỉ huy. Một bằng khen giải nhất do chính thầy Belonin ký và huy hiệu kỹ thuật số 1 là niềm động viên lớn lao. Đến bây giờ, Đại tá Nguyễn Lành vẫn gìn giữ kỷ vật ấy.

“5 năm, chúng tôi học ở Khoa Radar, Trường Kỹ sư chỉ huy phòng không Odessa-chuyên đào tạo kỹ sư tên lửa, radar, chỉ huy phòng không. Lớp radar cảnh giới dẫn đường chỉ có 9 người, trong đó có 3 người Việt Nam, vậy mà vẫn được dạy bài bản, chính quy”, Đại tá Nguyễn Đức Long tự hào. May mắn hơn nhiều học viên khác, sau khi về nước công tác, ông Long đã có 4 chuyến qua làm việc với chuyên gia Nga về radar trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Nhớ nhất năm 2012, anh Anatoly, Phó trưởng phòng An ninh của một tổ hợp sản xuất radar ở Ukraine đã dành cho Việt Nam tình cảm quý mến, trân trọng. Khi nghe ông Long thổ lộ rất thích những bộ phim Nga nổi tiếng một thời, anh Anatoly đã sưu tầm 6 tập đĩa, mỗi đĩa hàng chục phim, ra tận sân bay để chia tay và tặng người bạn Việt Nam của mình.

Ơn thầy trả đời

Từ những kiến thức đã học và vũ khí của bạn về đối mặt với kẻ thù trên các chiến trường, Đại tá Nguyễn Lành cùng đồng đội diệt 18 máy bay Mỹ các loại trong thời gian làm sĩ quan điều khiển tên lửa (đây chính là thành tích để ông được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân sau này).

Hạnh phúc hơn nữa khi năm 1978, Nguyễn Lành trở lại nước Nga để học ở Học viện Phòng không quốc gia tại thành phố Kalinin chuyên đào tạo cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn. Học viện đón ông như đón một học trò xuất sắc. Nguyên soái Zhumin, Hiệu trưởng nhà trường (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) trực tiếp chúc mừng ông và mời đi nói chuyện với 6 trường đại học.

Hơn 8 năm được học ở hai trường quân sự lớn trên đất bạn (Trường Cao đẳng Tổng hợp quân sự Odessa và Học viện Kuibyshev ở Moscow), từ một người lính chưa mấy tường tận về kỹ thuật, học viên Nguyễn Quy Nhơn đã trưởng thành nhanh chóng. Ông nhắc đến một kỷ niệm: “Trong thời gian học, tôi từng được đến pháo đài Brest nổi tiếng ở Belarus, càng thêm khâm phục hệ thống phòng thủ của bạn. Tôi ghi chép từng ngóc ngách, hầm hào và thấy thật có ích khi sau này trên cương vị Chủ nhiệm Công binh Quân khu 5, xây dựng các công trình trên tuyến biên giới”.

Có đến 20 năm học tập, đào tạo trên đất bạn và bay cùng các chuyên gia bạn là niềm hạnh phúc vô bờ của Đại tá Nguyễn Hồng Nga. “Tôi may mắn gặp lại các thầy giáo đã dạy một số môn chiến thuật Krasnodar. Khi ở sân bay Phù Cát hay về Đà Nẵng, tôi cũng thường xuyên bay cùng các chuyên gia, cố vấn Nga”. Theo ông, kỹ thuật của bạn, kinh nghiệm đã qua tôi luyện chiến đấu của các phi công lão luyện đã tạo nên những bài học sống động, thực tế, đào tạo chất lượng nhiều lớp phi công trẻ cho quân đội sau này.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Phúc, khó có thể nói hết sự giúp đỡ to lớn cả công sức và tiền của mà Học viện Kuibyshev dành cho học viên Việt Nam. Đã có tất cả 165 học viên Việt được đào tạo từ đây. Năm 1978, lớp công binh các anh chỉ có 4 trò và suốt 5 năm như thế, hơn chục thầy cô thay nhau dạy. Lớp được tiếp xúc với mọi khí tài công binh hiện đại nhất thời đó.

Có lần, nhân bài học về môn vượt sông, nhà trường tổ chức một lữ đoàn công binh thao diễn bắc cầu phao trọng lực 80 tấn. Phà TBB, xe chuyên dùng, khí tài hỗ trợ cùng nhiều phương tiện khác được huy động chỉ để phục vụ cho 4 học viên học tập. Về nước, với ông Phúc, những kiến thức được học 5 năm ở nước bạn là hành trang vô giá.

Đáng nhớ nhất là năm 1985, ông được điều sang chiến trường K chỉ huy đơn vị đánh Pol Pot ở ngã ba biên giới. Làm đường tuần tra, công sự, làm tạm cầu phao, đặt mìn, rào mốc, cắm chốt…, mọi việc khẩn trương ấy có từ sự thành thục ở Học viện Kuibyshev.

Năm 2009, trong một lần sang Nga công tác, nỗi nhớ về trường xưa đã thôi thúc cựu du học sinh Nguyễn Đức Long và đồng đội khóa trước vượt hơn 600 cây số về Odessa. Ngôi trường không còn hoạt động từ sau năm 1990, nhưng vẫn còn tòa lâu đài sừng sững. Đã có hàng trăm cán bộ phòng không Việt Nam trưởng thành từ đây.

Các anh như thấy đâu đó bóng dáng thầy giáo cũ. Điều có ý nghĩa là Hội học viên Trường Kỹ sư chỉ huy phòng không Odessa luôn có các hoạt động hữu ích. Chủ nhật đầu tiên của tháng 12, sau âm hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, Ban liên lạc của trường tổ chức họp ở Hà Nội. Dù bận đến đâu, các cựu du học sinh đều sắp xếp hội ngộ.

HỒNG VÂN

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga