Hai cha con nối gót nhau có tất cả 10 năm ở đất nước Nga (Liên Xô) mà cho tới nay, họ vẫn lưu giữ những ký ức và kỷ niệm đẹp đẽ không thể phai mờ…

Thượng tá Nguyễn Văn Thục, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 3 Hải quân và con trai Trung tá Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng phòng Quân khí, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Hải quân) cùng có cơ duyên được học tập, rèn luyện ở xứ sở Bạch Dương.

Gia đình hai cha con người lính biển hiện đang ở đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Một buổi sáng chớm mùa Đông, tôi tìm về ngôi nhà có hai thế hệ gắn bó với Liên Xô/ LB Nga.

Đến nhà tôi cảm nhận ngay được tình cảm của cha con người lính biển với nước Nga xinh đẹp chính là việc lưu giữ những kỷ niệm về những năm tháng học tập công tác ở nước bạn. Chiếc thuyền buồm gỗ trưng bày ở trên kệ giữa phòng khách như đang căng buồm ra khơi, phía dưới hàng búp bê Nga đủ loại sắc màu xếp hàng ngay ngắn, rồi quả trám in hình quốc kỳ Nga…

Tất cả những vật lưu niệm từ Liên Xô/LB Nga của hai cha con, giúp tôi và gia đình có cuộc trò chuyện về những kỷ niệm cách đây đã hơn 40 năm đầy xúc cảm.

 

132 1 Nuoc Nga Trong Trai Tim Hai Cha Con Nguoi Linh Bien

Hai cha con Thượng tá Nguyễn Văn Thục ôn lại những ký ức về nước Nga.

Năm 1969, sau khi học xong Trung cấp Hàng hải (tại TP Hải Phòng), theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai xứ Nghệ xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, sau đó học sĩ quan hậu cần rồi tốt nghiệp về Quân chủng Hải quân công tác.

Đến năm 1979 ông cùng 4 cán bộ Hậu cần Hải quân ưu tú được cử sang Liên Xô học đào tạo cán bộ Chỉ huy tham mưu chiến thuật, chiến dịch tại Học viện Hậu cần Liên Xô. Hơn 4 năm đào tạo là những kỷ niệm đầy ắp về tình thầy trò.

Ngày mới sang, khí hậu thời tiết khắc nghiệt nhưng các thầy, cô Nga đều hướng dẫn cách học tập một cách bài bản, kỹ càng. Năm đầu học tiếng, các thầy, cô giáo Liên Xô tận tình chỉ bảo các học trò giống như dạy các học sinh học lớp 1 ở Việt Nam, từ cách phát âm đến cách viết chữ. Hằng ngày các thầy, cô đều tận tuỵ như vậy với các học trò Việt Nam. Nhờ sự tận tình ấy, sau chưa đầy 1 năm, Nguyễn Văn Thục cùng 4 cán bộ khác đã thông thạo tiếng Nga, liên tục anh được nhà trường khen ngợi.

Khi học chuyên ngành Chỉ huy tham mưu, ngoài lý thuyết chung, khi thảo luận hay làm bài tập đều phải liên hệ thực tiễn như công tác bảo đảm cho từng loại tàu, đều được giáo viên gợi ý, hướng dẫn tận tình. Luận văn tốt nghiệp của Nguyễn Văn Thục về bảo đảm hậu cần cho căn cứ Hải quân Đà Nẵng lúc bấy giờ, nay là Vùng 3 Hải quân được bảo vệ thành công và hội đồng đánh giá cao về khả năng vận dụng vào thực tiễn.

Đó là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, với tình cảm quý mến của của các thầy, cô giáo Xô Viết ngày ấy với cậu học trò Việt Nam yêu quý.

Từ những kiến thức được các thầy, cô giáo ở Học viện Hậu cần Liên Xô trang bị, Thượng tá Nguyễn Văn Thục đã vận dụng linh hoạt vào thực tế công tác, bảo đảm xây dựng ngành hậu cần Vùng 3 Hải quân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ như diễn tập, huấn luyện đi biển đường dài, góp phần cùng các lực lượng của vùng bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công.

Ngành hậu cần Vùng 3 Hải quân được đánh giá là điểm sáng của Quân chủng Hải quân, trong đó có một phần không nhỏ đóng góp của Thượng tá Nguyễn Văn Thục, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 3 trong suốt hơn 20 năm công tác tại đơn vị.

Nối tiếp người cha của mình, Trung tá Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng phòng Quân khí, Cục Kỹ thuật Hải quân đã đến xứ sở Bạch Dương bằng chính sự truyền lửa của người cha và nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân.

Năm 1998, Nguyễn Văn Dương dự thi và trúng tuyển vào Học viện Hải quân với kết quả cao.

Sau gần 2 năm học trong nước, đến tháng 7-2000, anh được tuyển chọn sang đào tạo sĩ quan chuyên ngành vũ khí, tại Đại học Hải quân Sevastopol nằm bên bờ Biển Đen xinh đẹp. Anh hoàn thành khóa học vào năm 2006.

Chuyên ngành học đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà luôn phải có sức khỏe dẻo dai, nên trong môi trường học tập khắt khe, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Dương luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành các mục tiêu học tập và rèn luyện.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy giáo, sĩ quan quản lý và đồng nghiệp, anh đã nhanh chóng thích nghi và hoàn thành các bài tập về chạy bền, vòng xoay, đu quay… theo giáo trình không thể nói là nhẹ nhàng.

Chính sự giúp đỡ tận tình của các thầy giáo trong rèn thể lực và học tập kiến thức cơ bản, đến truyền thụ các kinh nghiệm trong thao tác, thực hành trên vũ khí trang bị hiện đại đã giúp cho Nguyễn Văn Dương hoàn thành xuất sắc khóa học. 6 năm học với biết bao kỷ niệm, nhưng kỷ niệm không phai mờ nhất đó là sự quan tâm hết mình của thầy, cô giáo Nga trong mỗi bài giảng, tiết học hay buổi đi dã ngoại.

Một trong những kỷ niệm mà anh nhớ nhất là được tham gia những ngày Tết Việt mang hương vị Nga, hay ngày Tết Nga mang hương vị Việt được tổ chức tại đất nước Nga trong những năm tháng học tập ở đây.

Lúc đó Nguyễn Văn Dương cùng tập thể lớp và các thầy, cô giáo cùng hát vang các bài hát về quê hương Việt Nam và đất nước Nga, giúp cho tình thầy trò càng khăng khít, bền chặt, thắm tình hữu nghị.

132 2 Nuoc Nga Trong Trai Tim Hai Cha Con Nguoi Linh Bien

Nguyễn Văn Dương (người đứng thứ 4, hàng 2, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với các thầy, cô giáo LB Nga và đồng nghiệp.

Khối kiến thức rộng lớn được đào tạo ở nước bạn được chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Dương mang về nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác góp phần làm chủ vũ khí trang bị trên các con tàu Hải quân một cách vững chắc.

Từ cán bộ ngành phát triển lên thành cán bộ chỉ huy quản lý kỹ thuật, dù ở cương vị công tác nào, hành trang tri thức mang về từ nước bạn đều giúp anh phát huy tốt sở trường. Những còn tàu mà anh tham gia làm nhiệm vụ mỗi lần tham gia bắn đạn thật, diễn tập hay kiểm tra đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nước Nga luôn ở trong trái tim người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Dương. Sau khi về nước, anh luôn mơ ước sẽ có lần được quay trở lại đất nước mà anh mang nặng ân tình. Không ngờ cơ hội tới khá nhanh mà anh không phải chờ đợi lâu.

Đó là khi Nguyễn Văn Dương được tham gia khoá học ở Học viện Hải quân LB Nga tại thành phố Saint Peterburg từ năm 2014 đến 2017. Trong năm đầu tiên của khóa học đào tạo chỉ huy tham mưu kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch, anh không ngờ được gặp lại những người thầy, người bạn Nga từng có nhiều kỷ niệm của lần học trước. Tình bạn, tình thầy trò, những môn học bổ ích cùng nhiều buổi đi dã ngoại, tham quan trong lần thứ hai được sống và học tập ở nước Nga đã giúp anh hiểu hơn về đất nước Nga, con người Nga cùng những phong tục, tập quán và nét văn hoá đậm chất Nga mà anh yêu mến. 

Trung tá Nguyễn Văn Dương chia sẻ một câu chuyện thú vị đó là trong thời gian học tập tại Học viện Hải quân LB Nga, tình cờ anh được ở đúng căn phòng số 151, cầu thang 3, tầng số 9 ở khu ký túc xá của nhà trường dành cho sĩ quan nước ngoài mà người cha mình từng ở từ những năm 80 của thế kỷ trước. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên tưởng chừng khó có thể xảy ra mà lại là có thật. Xứ sở Bạch Dương có lẽ vì thế càng trở nên đặc biệt trong tình cảm và trái tim hai cha con người lính biển Việt Nam.

Sau khi hoàn thành khóa học về nước, Nguyễn Văn Dương lần lượt được bổ nhiệm các cương vị khác nhau, từ Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 680, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Vùng 3 Hải quân, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 161.

Giữa tháng 10-2020, Trung tá Nguyễn Văn Dương được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm vị trí Phó trưởng phòng Quân khí, Cục Kỹ thuật của Quân chủng Hải quân.

Khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất của hai cha con đối với xứ sở Bạch Dương, hai cựu học viên được đào tạo bài bản Liên Xô/LB Nga chia sẻ họ đều không thể quên những tình cảm chân thành và sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo trong học tập, sinh hoạt của những người thầy và người bạn Nga.

Con nối tiếp cha, phát huy truyền thống gia đình phục vụ trong lực lượng Hải quân, Trung tá Nguyễn Văn Dương luôn coi những năm tháng được sống và học tập ở LB Nga đã trang bị cho anh những hành trang tri thức vững chắc để cống hiến không ngừng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm góp một phần nhỏ để xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.

VŨ HƯỞNG

Nguồn: qdnd.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga