Nước Nga vĩ đại. Đất nước có một nền văn hóa lâu đời. Đất nước của những cánh rừng taiga nguyên sinh trải dài mênh mông trong tuyết trắng bao la, của tiếng đàn balalaica huyễn hoặc tâm hồn và chiếc ấm samova sưởi ấm lòng trong những đêm mùa Đông lạnh giá.

132 1 Nuoc Nga Ky Niem Dep Tro Ve Tu Ky Uc

Ấm Samovar xuất hiện khắp nơi, trong tranh, trên phim hay cả ở móc chìa khóa...

Đất nước của những câu chuyện thần thoại, cổ tích, những làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng. Đất nước của những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật bất hủ của những nghệ sĩ thiên tài lẫy lừng năm châu, bốn biển.

Nước Nga còn là của V.I Lê-nin và cuộc cách mạng tháng Mười long trời lở đất đã lật nhào chế độ Sa Hoàng, dựng lên nhà nước của giai cấp công nông đầu tiên trên thế giới theo học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Dù những năm gần đây, nước Nga đã rơi vào khủng hoảng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại, niềm tin về dân tộc, đất nước và con người Nga thì không hề thay đổi.

Với bản lĩnh, ý chí của một đất nước có lịch sử và lâu đời, có một quá khứ vinh quang và đã cùng nhân loại trải qua cuộc đấu tranh vĩ đại chiến thắng chủ nghĩa phát xít, họ sẽ vượt qua những thử thách, những khó khăn hôm nay. Nước Nga sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp và trở lại với địa vị siêu cường của mình…

Chúng tôi ngồi với nhau bên ly rượu vodka trong không gian của chiều mưa Đà Lạt và nói về nước Nga. PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Viện phó Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện Là Chủ tịch Hội LHKHKT Lâm Đồng) là người ngày thường rất kiệm lời, nhưng hôm nay, khi nhắc về những kỷ niệm của năm tháng gắn bó với đất nước Liên Xô của thời kỳ Xô-viết, anh trở nên sổi nổi và trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi 65 của mình.

Cũng đúng thôi, 12 năm của thời trai trẻ - cái thời đẹp nhất trong một đời người, anh đã được sống với đất nước tươi đẹp và những con người Nga nhân hậu, trung thực, bao dung. Cái “chất Nga” đã ngấm khá sâu trong con người anh một cách tự nhiên. Nguyễn Mộng Sinh cũng đã coi ngôn ngữ Nga là tiếng nói thứ hai của mình sau tiếng mẹ đẻ.

Hồi niệm về quá khứ, Nguyễn Mộng Sinh kể lại: Năm 1960, lúc mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh và một số bạn bè của mình được cử sang Liên Xô du học. Khoa hóa phóng xạ và nguyên tố hiếm - Trường đại học quốc gia Kiev thuộc nước Cộng hòa Ukraine trở thành chiếc nôi đào tạo anh trở thành một nhà khoa học của ngành phóng xạ hạt nhân tương lai. Những năm tháng miệt mài đèn sách, với sự dạy dỗ, dìu dắt tận tâm tận lực của các thầy giáo, cô giáo đã cho anh những kỷ niệm và tình cảm đẹp không thể nào phai nhạt dù bao nhiêu năm tháng đã qua. Anh nhắc lại những tên tuổi của những năm tháng ấy bằng tình cảm hết sức trân trọng.

Đó là Giáo sư – Viện sĩ Anatoli Cherenchievich Pilipenco, Giáo sư Andrey Matveevich Golup, rồi chuyên gia ngành hạt nhân nổi tiếng Plorop ở Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đupna. Những người thầy lớn ấy đã cung cấp cho anh những tri thức cần thiết cho tương lai, đã bồi dưỡng cho anh tinh thần đam mê, tận tụy với công tác nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Mộng Sinh cũng say sưa với những kỷ niệm khó quên trong những đợt về các nhà máy, nông trang thực tập và lao động, những cuộc viếng thăm các nhà hát, viện bảo tàng, các địa danh nổi tiếng ở Nga.

Rồi lần trở lại nước Nga trong đoàn hợp tác nghiên cứu khoa học tại Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna khi anh còn công tác ở Viện vật lý Việt Nam và thêm nhiều đợt công tác trong những năm sau này. Nguyễn Mộng Sinh tâm sự: “Vì may mắn được sống và học tập ở nước Nga nhiều năm nên tôi tự coi mình là người chịu ảnh hưởng nền giáo dục của đất nước bạn. Và cũng có thể nói rằng, trong cách sống của tôi khá nhiều ảnh hưởng của tính cách Nga…”.

132 2 Nuoc Nga Ky Niem Dep Tro Ve Tu Ky Uc
Ông Sergey Kirienko, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom trao tặng Huy chương

cho PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (Hình nhân vật cung cấp)

Không ở Nga nhiều năm như  PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh nhưng nhà báo Lương Văn Sinh (Uỷ viên BCH Hội nhà báo Việt Nam, Giám đốc Đài PTTH Lâm Đồng) cũng có nhiều tình cảm với đất nước vĩ đại này vì anh đã có gần năm năm học tập ở quê hương Cách mạng tháng Mười. Lương Văn Sinh nói rằng: “Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và lớn lên trong môi trường giáo dục của miền Bắc XHCN, nên ngay từ  thưở thiếu thời đã được hấp thụ về lý tưởng cộng sản cao quý. Mà hình ảnh hiện thực của lý tưởng ấy là cuộc đại Cách mạng tháng Mười và nhà nước Xôviết của Lênin. Tôi rất vinh dự được đặt chân lên đất nước Liên Xô vĩ đại…”.

Sau thời gian một năm học tiếng Nga tại Hà Nội, tháng 8 - 1987, cùng với 12 đồng chí đang công tác ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa phương trong nước, nhà báo Lương Văn Sinh lên đường sang Liên Xô học tập. Nơi anh đến là Trường Đảng cao cấp Matxcơva thuộc Ban chấp hành Đảng cộng sản Liên Xô, một trung tâm đào tạo lý luận cao cấp cho học viên là cán bộ các nước trong phe XHCN thời kỳ đó. Trong thời gian gần năm năm là học viên của Trường Đảng cao cấp Matxcơva, anh đã có dịp được tiếp xúc, hấp thụ và lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về hình ảnh đất nước và con người Nga. “Học viên người Việt Nam được các thầy, cô và cán bộ của nhà trường đặc biệt quan tâm, kể cả trong học tập cũng như trong cuộc sống đời thường. Ấn tượng đặc biệt với tôi là những thầy giáo già và các bác bảo vệ trường vốn là cựu chiến binh từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước Xôviết. Họ là những người từng trải, có tấm lòng nhân hậu và trung thực tuyệt vời, trong cuộc sống của họ không hề len vào sự thực dụng, vụ lợi. Có lẽ, do họ đã từng nếm mùi chiến tranh, đã nhận nhiều mất mát, hy sinh nên hiểu được những giá trị chân chính của cuộc sống. Tôi cũng bắt gặp từ ánh mắt và tâm sự của họ những xao xuyến buồn trong những tháng ngày thoái trào cuối cùng của chế độ XHCN ở Liên Xô…”.

Bao năm tháng đã qua, nhưng với anh, những ngày ở nước Nga đã sống mãi trong ký ức của mình. “Tôi không thể nào quên những kỷ niệm đẹp về đất nước tươi đẹp có một nền văn hóa lâu đời và con người Nga đôn hậu, trung thực, hiền lành…”- Lương Văn Sinh nói”.

Nhà thơ, TS Phạm Quốc Ca (nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn – Đại học Đà Lạt, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng) thì nhớ về nước Nga theo xúc cảm của một thi sĩ. Là người yêu văn chương và gắn bó một phần lớn cuộc đời với công việc nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác văn học, Phạm Quốc Ca đặc biệt dành tình cảm của mình đối với nền văn chương Nga. Anh nói: “Ngay từ thuở mới cắp sách đến trường, tôi đã bị nền văn chương Nga mê hoặc. Những tên tuổi lớn và những tác phẩm bất hủ của nền văn chương ấy đã tự nhiên đi vào đời sống tinh thần của tôi và bao người khác. Những đại văn hào, thi hào như L.Tostoi, A.Tolstoi, Dostoievski, Puskin, Lermontov, M.Gorki, rồi B.Pastecnax, Antonop, Ana Akhơmatova, I.A Bunin … đã đưa tôi đến với chân trời Nga xa xôi và giúp tôi hình dung phần nào về đất nước, con người, về tư tưởng và tính cách Nga. Được đặt chân trên đất nước vĩ đại ấy với tôi là mơ ước…”.

Và mơ ước của Phạm Quốc Ca đã trở thành hiện thực khi anh được sang Liên Xô thực tập tiếng Nga vào năm 1989 – 1990 tại Trường đại học sư phạm ngoại ngữ Petchigorscơ thuộc vùng Cápcadơ. Phạm Quốc Ca tâm sự: “An tượng ban đầu của tôi khi đến với Liên Xô của giai đoạn cải tổ đó, dù họ cũng đang trong thời kỳ khủng hoảng nhưng đời sống khác xa so với nước ta lúc đó. Liên Xô có nhiều sai lầm không kịp sửa chữa, đã dẫn đến sụp đổ, tuy nhiên một điều không thể phủ định là họ rất quan tâm chăm lo phúc lợi xã hội cho nhân dân. Nhưng có lẽ điều thú vị nhất là, dù đã tìm hiểu trước từ sách báo, nhưng tôi đã thực sự choáng ngợp khi được đi thăm một số trường đại học với quy mô bề thế, vài thành phố lớn và nhất là khi đến với các viện bảo tàng và hệ thống xe điện ngầm nổi tiếng ở Nga…”.

Về hoàn cảnh nước Nga trong gia đoạn hiện nay, TS Phạm Quốc Ca nói: Thật tiếc, do sự nhìn nhận muộn màng và nhiều nguyên nhân khác, Liên Xô đã đi đến khủng hoảng và sụp đổ. Còn đối với nước Nga ngày nay, dù đang trong thời kỳ hết sức khó khăn, nhưng tôi tin họ sẽ vượt qua. Nước Nga sẽ phục hồi và vươn lên, tuy nhiên trong quá trình đi lên ấy còn phải vật vã và trả giá nhiều…”.

Phạm Quốc Ca yêu nước Nga và đặc biệt là nền văn chương Nga. Đến bây giờ, anh đã chuyển hóa tình cảm ấy bằng cách say sưa dịch những tác phẩm văn chương của các tác giả người Nga mà anh yêu mến đến với công chúng Việt Nam. Bạn đọc đã đến với những tác phẩm dịch qua các báo và tạp chí trong nước, trong tỉnh như  Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn học Nước ngoài, Sông Hương, Langbian, Lâm Đồng… 

Vâng, đồng cảm với suy nghĩ của nhà thơ Phạm Quốc Ca, tôi cũng vững tin rằng, nước Nga vĩ đại với một bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời sẽ vượt qua mọi trở lực và dần dần lấy lại uy tín của mình trên trường quốc tế, sẽ trở lại với vị trí của một cường quốc. Điều đáng nói hơn, dân tộc và nhân dân Việt Nam không bao giờ phai nhạt ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại do V.I Lênin lãnh đạo, không bao giờ quên tình cảm của đất nước và nhân dân Xôviết dành cho trong những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và dựng xây, kiến thiết quê hương. Những ký ức đẹp đẽ và sâu sắc ghi lại trên đây cũng chỉ là một phần ngôn từ ít ỏi nhưng đã minh chứng phần nào về tình thân lớn lao của đất nước và con người Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Nga.

UÔNG THÁI BIỂU

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga